Giáo dục mầm non vùng khó khăn đón nhận tin vui lớn

GD&TĐ - Quyết định phê duyệt Chương trình "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030" với nhiều chính sách thúc đẩy phát triển.

Phiên chợ quê của trẻ mầm non vùng cao Yên Bái.
Phiên chợ quê của trẻ mầm non vùng cao Yên Bái.

Kịp thời, động viên lớn

Ngày 26/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030". Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (GDMN), bà Cù Thị Thủy cho rằng: Hướng đến nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ đảm bảo yêu cầu về chất lượng thì các điều kiện đủ, cần thiết đáp ứng yêu cầu là hết sức quan trọng. Việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt Chương trình đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt tới đối tượng trên.

GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết: Quyết định số 1609/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030", được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 26/12/2022 là tin vui lớn đối với giáo dục mầm non ở vùng khó khăn mà thời gian qua trẻ em khu vực này là những đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất. Thực tế cho thấy, nếu không có những hỗ trợ như Chương trình đề ra, rất khó khăn để đảm bảo chất lượng nuôi dạy trẻ khu vực này.

GS Thái Văn Thành hết sức đồng tình với sự quan tâm của Chính phủ khi chỉ rõ, đối tượng của chương trình này là trẻ em, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cơ sở GDMN thuộc các huyện nghèo, thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, các thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các thôn, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định. Đây thực sự là động viên rất lớn đối với các cơ sở GDMN ở vùng khó khăn, miền núi, khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Chương trình "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030", sẽ góp phần thúc đẩy phát triển GDMN vùng khó.

Chương trình "Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030", sẽ góp phần thúc đẩy phát triển GDMN vùng khó.

Còn theo TS Nguyễn Ngọc Hiền, thành viên Tiểu ban GDMN, Hội đồng quốc gia Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực: Mục tiêu của Chương trình đã thể hiện tính nhân văn rõ, đồng thời động viên khích lệ đội ngũ giáo viên vùng khó, góp phần thu hút trẻ đến tuổi mầm non ra lớp. Đó là nhằm hỗ trợ phát GDMN vùng khó khăn. Tăng cơ hội của trẻ em được tiếp cận GDMN có chất lượng, trên cơ sở phấn đấu bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp học.

Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền; góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị văn hóa cho vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đây là mong muốn lâu nay của các địa phương vùng khó khăn, thực tế cho thấy nỗ lực tự thân chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ lớn từ nhà nước. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đã hiện thực hóa điều này.

Đáp ứng yêu cầu phát triển

Theo lộ trình đặt ra, Chương trình phấn đấu đến năm 2025, đối với trẻ em, có ít nhất 20% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở GDMN. Trong đó có 30% trẻ em trong các cơ sở GDMN được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ phù hợp theo độ tuổi. Có ít nhất 50% các tỉnh tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, bà Nguyễn Vy, Trưởng Phòng GDMN tỉnh Yên Bái cho biết: Mục đích của Chương trình đến năm 2030, có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở GDMN. Trong đó, có 60% trẻ em trong các cơ sở GDMN được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi. Có ít nhất 80% các tỉnh tập trung đông trẻ em người dân tộc thiểu số có mô hình về tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ.

Giờ chơi của trẻ mầm non điểm trường vùng khó Nà Hắc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Giờ chơi của trẻ mầm non điểm trường vùng khó Nà Hắc, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Chương trình cũng nêu rõ, hằng năm, 100% trẻ em trong các cơ sở GDMN vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình GDMN phù hợp với điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ. Đối với giáo viên, mục tiêu đến năm 2025 bồi dưỡng 30% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ. Đến năm 2030: Bồi dưỡng 60% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; phấn đấu bảo đảm định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định. Đây là những dấu mốc quan trọng để các địa phương xây dựng tiến độ thực hiện.

Là một trong những huyện còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện miền núi A Lưới của tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Hồ Văn Khởi cho rằng: Đúng là tin vui lớn đến với vùng khó khi đích của Chương trình là đến năm 2030 phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp mầm non của các địa phương; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, bộ đồ chơi trong lớp cho trường học mới và phòng học mới do tăng quy mô.

A Lưới là huyện vùng cao giáp biên giới với Lào, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, Chương trình phấn đấu bảo đảm theo quy định, ưu tiên đối với giáo viên dạy nhóm, lớp tại điểm lẻ ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sông nước, biên giới, hải đảo và bãi ngang ven biển. Có kế hoạch, lộ trình, giải pháp xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, xóa phòng học nhờ, phòng học tạm, bổ sung phòng học còn thiếu, mua sắm thêm đồ dùng học tập tại vùng khó khăn. Những nội dung này động viên, khích lệ các nhà giáo thêm yêu và gắn bó với nghề

Nhằm đảm bảo chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, Chương trình cũng đưa nội dung bổ sung tài liệu, học liệu phục vụ việc tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ và nâng chất lượng GDMN vùng khó khăn. Đặc biệt yêu cầu việc triển khai chương trình GDMN phù hợp với điều kiện vùng miền, phù hợp với đặc điểm của trẻ em người dân tộc thiểu số. Rà soát, hoàn thiện chương trình, đổi mới nội dung, phương pháp GDMN phù hợp với vùng khó khăn, đặc điểm tiếp nhận và văn hóa, ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ