‘Phá rào cản’ để phổ cập giáo dục Mầm non ở vùng khó

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đề án phổ cập mầm non cho trẻ 3 – 4 tuổi tiếp tục trở thành thách thức đối với giáo dục vùng khó.

Đề án phổ cập mầm non cho trẻ 3 – 4 tuổi tiếp tục trở thành thách thức đối với giáo dục vùng khó. Trong ảnh: Giáo viên Trường Mầm non Trung Thu, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) hướng dẫn phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà.
Đề án phổ cập mầm non cho trẻ 3 – 4 tuổi tiếp tục trở thành thách thức đối với giáo dục vùng khó. Trong ảnh: Giáo viên Trường Mầm non Trung Thu, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) hướng dẫn phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà.

Song theo nhiều thầy cô, những “rào cản” mang tính vùng miền sẽ được tháo gỡ, nếu triển khai bài bản và đồng bộ. Đây cũng là cơ hội để trẻ vùng khó tiệm cận với nền giáo dục hiện đại. Đồng thời rút ngắn dần khoảng cách vùng miền trong giáo dục.

Bộn bề khó khăn

Mặc dù đã hoàn thành phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi từ nhiều năm, song đến nay đây vẫn là nhiệm vụ nhiều thử thách, khó khăn với giáo viên vùng khó Điện Biên. Tại Trường Mầm non Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, cô Hiệu trưởng Trần Thị Tâm cho biết: Bên cạnh việc giảng dạy, chăm sóc, duy trì sĩ số thì năm học nào câu chuyện hoàn tất hồ sơ, giấy tờ của học sinh cũng khiến giáo viên phải “đau đầu”.

Giao thông đang là rào cản rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục ở vùng khó. Trong ảnh: Giáo viên Trường Mầm non Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông vượt đường lầy lội đến trường.

Giao thông đang là rào cản rất lớn trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục ở vùng khó. Trong ảnh: Giáo viên Trường Mầm non Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông vượt đường lầy lội đến trường.

“Theo quy định, hiện nay trước khi bàn giao trẻ 5 tuổi sang tiểu học thì trường mầm non phải hoàn thiện đầy đủ giấy tờ của học sinh, nhưng năm nào cũng có vài trường hợp vướng mắc về giấy khai sinh. Nhiều em sai lệch thông tin, song cũng có những trường hợp chưa thể đăng ký vì bố mẹ chưa đủ tuổi. Với trẻ 5 tuổi đã vướng, thì trẻ 3 – 4 tuổi lại càng khó hơn”, cô Tâm chia sẻ.

Cô Tâm lý giải, lẽ thường, đây là nghĩa vụ và trách nhiệm của phụ huynh. Song ở Na Cô Sa, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhiều khó khăn nên mọi việc xoay quanh chuyện học của con đều “khoán” cho giáo viên, nhà trường.

Cũng theo chia sẻ này của cô Tâm, thì việc không có giấy khai sinh còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả huy động và duy trì sĩ số học sinh ra lớp. Bởi lẽ, trẻ không giấy khai sinh, sổ hộ khẩu thì sẽ không hoàn tất được hồ sơ, thủ tục để hưởng các chế độ, chính sách liên quan.

“Bình thường ở đây vận động phụ huynh cho con em ra lớp đã khó, giờ lại yêu cầu đóng tiền ăn, tiền học cho con thì họ cho nghỉ ở nhà luôn. Thành ra nhà trường, giáo viên lại phải xoay đủ cách. Không lo được giấy tờ kịp thời thì chúng tôi phải tìm rồi xin đủ các nguồn hỗ trợ cho các con để đảm bảo ổn định sĩ số”, cô Tâm nói.

Cơ sở vật chất tại nhiều trường vùng khó thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo công tác giảng dạy, chăm sóc trẻ. Trong ảnh: Giờ học ngoài trời của học sinh Trường Mầm non Trung Thu, huyện Tủa Chùa.

Cơ sở vật chất tại nhiều trường vùng khó thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo công tác giảng dạy, chăm sóc trẻ. Trong ảnh: Giờ học ngoài trời của học sinh Trường Mầm non Trung Thu, huyện Tủa Chùa.

Trường Mầm non Hoa Ban (huyện Tủa Chùa) được cho là thuận lợi hơn, do nằm ở trung tâm thị trấn. Dẫu vậy, theo cô Dương Thị Hương, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ thì công tác giáo dục nói chung, phổ cập nói riêng vẫn gặp không ít khó khăn.

Trường hiện có 1 điểm trung tâm, 5 điểm lẻ, với số trẻ huy động thuộc 10 thôn, bản trong khu vực. Năm học này, trường có 19 lớp, với 535 học sinh. So với kế hoạch được giao thì tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở lứa tuổi mẫu giáo và mẫu giáo 5 tuổi đều đạt 100%. Tuy nhiên, trẻ nhà trẻ mới chỉ đạt 32,9%.

Cô Hương lý giải: “Đây là lứa tuổi không có chế độ của nhà nước, trong khi phụ huynh đa phần còn khó khăn, việc phải đóng góp tiền học cho con, nhất là bữa ăn trưa là “rào cản” rất lớn khiến phụ huynh không mặn mà cho con đến lớp. Họ thường lấy các lý do trẻ còn nhỏ, phải bú mẹ, không có người đưa đi… để biện minh không cho con đến lớp”.

Ngoài ra, cô Hương cũng cho hay, còn một lý do khác khiến việc huy động trẻ nhà trẻ ra lớp còn hạn chế đó là tình trạng thiếu giáo viên và cơ sở hạ tầng, thiết bị. “Hiện tại trường còn 3 lớp ghép với nhiều độ tuổi khác nhau. 7 phòng học bán kiên cố, 3 điểm trường thực thôn bản đặc biệt khó khăn… Học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 98%, nhiều điểm 100%. Trong khi đó, giáo viên đứng lớp còn chưa đảm bảo theo quy định”, cô Hương cho hay.

Giáo viên Trường Mầm non Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông phải tự sửa xe dọc đường.

Giáo viên Trường Mầm non Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông phải tự sửa xe dọc đường.

Cần chính sách đặc thù

Tại Dự Thảo Quyết định Phê duyệt Chương trình “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo (3-4 tuổi) và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi giai đoạn 2023-2030”, đề ra mục tiêu: “Phấn đấu đến năm 2025, bảo đảm đủ định mức số lượng giáo viên lớp mẫu giáo theo quy định”.

Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện Mường Ảng thì mục tiêu này khó thực hiện, tính khả thi không cao. Theo phân tích, với đặc thù là huyện vùng cao có nhiều điểm trường lẻ (54 điểm trường), tỷ lệ học sinh/lớp thấp nên việc bố trí đủ giáo viên/lớp theo quy định tại huyện này rất khó. Đặc biệt là tại các điểm trường (số trẻ tại đây rất ít).

“Thống kê toàn huyện này hiện có 231 giáo viên/168 nhóm lớp (tương đương 1,37 giáo viên/lớp), còn thiếu so với định mức quy định theo Thông tư 06 của Bộ Nội vụ. Trong khi đó, việc tuyển dụng biên chế giáo viên những năm gần đây trên địa bàn liên tục gặp khó, nguồn tuyển chưa đáp ứng nhu cầu”, ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng Phòng GD huyện cho hay.

Cũng theo ông Quang, hiện nay các nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non còn hạn chế nên việc đầu tư xây dựng, kiên cố hóa trường, lớp học trên địa gặp không ít trở ngại, nhất là các điểm trường. Tính đến thời điểm hiện tại cấp mầm non còn 15 phòng tạm tại các điểm trường, nhiều điểm thiếu đồ dùng, đồ chơi, sân chơi... Do vậy, địa phương kỳ vọng các đề án tới đây sẽ quan tâm ưu tiên nguồn vốn đề đầu tư cho các hạng mục này.

Thiếu nhân lực khiến khối lượng và áp lực công việc đối với giáo viên mầm non lớn. Trong ảnh: Cô và trò Trường Mầm non Pú Nhung, huyện Tuần Giáo trong giờ học.

Thiếu nhân lực khiến khối lượng và áp lực công việc đối với giáo viên mầm non lớn. Trong ảnh: Cô và trò Trường Mầm non Pú Nhung, huyện Tuần Giáo trong giờ học.

Tại Trường Mầm non Sơn Ca, xã Ảng Tở, huyện Mường Ảng hiện có 21 cán bộ, giáo viên, với tổng số học sinh là gần 300 em. Theo cô Đinh Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường thì hiện tại đang thiếu 2 giáo viên theo quy định. Ngoài ra, đơn vị đang duy trì hoạt động 8 điểm trường lẻ, với điểm xa nhất khoảng hơn 10km đường dân sinh. Đơn cử như điểm Huổi Háo có 3 lớp, với hơn 40 trẻ. Ở đây vừa khó cả về đường giao thông, cơ sở vật chất nhà lớp học, trang thiết bị giảng dạy… Để đảm bảo nhiệm vụ, giáo viên trước tiên phải vượt nhiều khó khăn, tuy nhiên chế độ chưa đảm bảo.

Cũng theo cô Thu, hiện nay nhà trường có 80 em thuộc nhóm trẻ không được hưởng chế độ của nhà nước. Để huy động và duy trì các em ra lớp, nhà trường đã kết nối, huy động sự hỗ trợ từ Dự án Nuôi em. Tuy nhiên, khi thực hiện phổ cập mầm non 3 – 4 tuổi, thì số trẻ này sẽ gia tăng. Nhà trường lo ngại, nếu chế độ, chính sách không đi cùng sẽ rất khó huy động học sinh ra lớp.

“Đề án phổ cập giáo dục mầm non đặt ra mục tiêu là nâng cao tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được tiếp cận giáo dục mầm non, bảo đảm hầu hết trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi ở mọi vùng, miền đều được đến lớp để thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày. Muốn vậy, thì chế độ, chính sách đi kèm cho học sinh và giáo viên cũng cần đảm bảo. Vì điều này này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giáo dục. Do là vùng đặc thù, nên cũng cần có những chính sách đặc thù”, cô Thu bộc bạch.

Bên cạnh đó, cũng như nhiều giáo viên khác, cô Thu cho rằng, muốn hoàn thành phổ cập thì cần phải có những chính sách, định hướng đồng bộ để phá bỏ mọi rào cản. Trong đó, một điều hết sức quan trọng là cần phải làm cho toàn dân hiểu rằng đây là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Có liên quan trực tiếp đến mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. Từ đó, huy động các nguồn lực xã hội hóa để làm giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ