(GD&TĐ) - Krông Pa - một huyện xa của Gia Lai, nơi nắng chói chang, khô cằn, tưởng như không có gì thu hút khách du lịch, nhưng nhóm chúng tớ (SV năm 2, ĐHKHXH&NV TP.HCM) đã làm một chuyến trải nghiệm kiểu teen: homestay với người dân địa phương, hòa mình vào cuộc sống của họ để rồi khám phá ra mảnh đất rực nắng hiền hòa không chỉ có nắng gió thuần túy, mà còn có những điều thú vị giản đơn tìm thấy trong công việc thường ngày cũng như những món ăn đậm nét đặc trưng của Krông Pa…
Teen thích trồng rừng
Dưới cái nắng gần 40 độ C, con đường mòn thoải đầy gai góc và đá khiến cho mỗi bước chân đi nặng nề hơn. Mang theo 30 cây bạch đàn con vừa lùng được ở vườn ươm, chúng tớ theo chân anh bạn “thổ địa” Hữu Nam (19 t) đến khu đồi xã Chư Gu với ước muốn “góp xanh cho rừng”. Sau hơn nửa tiếng phơi lưng ngoài nắng, hoa mắt vì những con dốc cao thật cao, bì bõm lội qua suối, chân bị cào rách thê thảm vì gai mắc cỡ, chúng tớ mới đến được một ruộng bắp mới ươm. Nhìn mấy cây bắp mới nhú xinh thật là xinh, cả bọn quyết định sẽ trồng một hàng bạch đàn bao quanh để chắn bớt gió cho bắp.
Cả bọn thay phiên nhau làm… chuyên gia cuốc đất, dùng hết sức để giơ cao cái xà beng dài khoảng 1 m và bổ xuống, mồ hôi đổ ra như tắm. Vì đất cứng nên phải bổ rất vất vả. Mỗi người cầm một cây con trên tay, lột bịch nilon bên ngoài và nhẹ nhàng đặt cây con xuống hố. Sau khi lấp đất quanh gốc cây, mọi người lấy thêm 3 - 4 cục đất to bên ngoài dằn ở gốc cho cây vững. Buổi trồng cây tốn khá nhiều công sức nhưng cũng đầy tiếng cười. “Lúc đem cây đi trồng, tớ đã nghĩ có 30 cây thì có giúp được gì đâu. Nhưng đến tận nơi, nhìn thấy cả cánh đồng bạch đàn, mỗi hàng chừng 10 - 20 cây cao to, tớ lại thấy khác. Tuy bọn tớ chỉ mang theo 30 cây con nhưng vài năm sau, nó sẽ trở thành “một mảnh” của rừng”, Lê Diện cười toe.
Trưa về, mặt trời lên cao tô điểm cho sự hùng vĩ của núi rừng nơi đây. Men theo sườn núi, bạch đàn đang lớn dần lên, minh chứng cho sự hồi sinh của rừng. Màu xanh của rừng quyện với màu xanh của trời sâu hút về phía cuối đường. Nơi đây có một vẻ đẹp hùng vĩ, dịu dàng nhưng lại rất tự nhiên, không phải nơi nào cũng có. Nhìn một vài cánh rừng lụi tàn, chúng tớ biết, chúng tớ cần có trách nhiệm hơn. Có ai đó đã nói “Tôi cho anh một hi vọng là tôi có một hi vọng”. Cho rừng thêm một cây là có thêm hi vọng rừng còn xanh. Đó cũng là một trách nhiệm!
Có lên rừng, cả nhóm mới phát hiện ra một điều thú vị, teen nơi đây rất thích trồng rừng. Không chỉ từ cậu bạn Hữu Nam rủ bọn tớ đi mà khi đi về, tụi tớ có gặp một đám bạn teen cũng mang bạch đàn lên rừng trồng đấy!
Xây nhà từ những vật liệu bỏ đi
Những ngày ở Krông Pa, tụi tớ đã xin vào làm “công nhân thực tập” ở một lò làm gạch và phát hiện ra nhiều điều thú vị. Ở đây, đất làm gạch là loại đất ở những ruộng lúa không trồng nữa. Hằng ngày, sẽ có những chuyến xe tải chở đất về chất thành từng đống lớn. (Trước giờ, tớ chỉ nghĩ gạch làm từ đất sét, mà đất sét thì phải có một chỗ cung cấp, kiểu như mỏ đất mà đất sét màu vàng còn cái đất này đen hùi, mới đầu tớ chẳng nghĩ đất đó làm gạch). Tụi tớ đứng lên đó, nhào đất bằng chân (để tạo ra độ dẻo và tăng sự kết dính). Mà chỉ cần nhào chút xíu thôi, vì đất cực mịn, chẳng hề lẫn cát sỏi. Ngay bên cạnh những ụ đất màu nâu, còn có cả những ngọn núi nhỏ làm từ loại bột gì đó cứ lấp la lấp lánh. “Cái này là bột than đá đó con”, bác chủ lò gạch vui vẻ giải đáp. Hoá ra, ở đây, những lò gạch sẽ đặt mua bột than đá thô về, rồi trộn với bùn để kết dính thành từng tảng nhỏ dùng làm nhiên liệu chính đốt lò nung. Từ nguyên liệu đến nhiên liệu mọi người đều có thể tự tạo ra hết, vậy nên có thể tiết kiệm được chi phí.
Trong việc làm gạch, có một công đoạn cần nghệ thuật nhất là canh và giữ lửa lò nung sao cho những viên gạch ra đời có được sự chắc chắn cần thiết. Việc này được xem như bí quyết gia truyền của từng lò, nếu có hỏi, bạn cũng chỉ nhận được những nụ cười thôi. Bất chợt, mùi thơm của vỏ hạt điều làm tăng trí tò mò của tớ. Điều lạ là nó chất cao ngay trước cửa lò. Thắc mắc của tớ đã được lí giải ngay khi bắt tay vào làm. Hạt điều là để mồi lửa. Sau 6 tiếng nung trong lò, các “em” gạch sẽ được khoác lên mình những chiếc áo cam rực rỡ. “Còn những công đoạn còn lại, bạn biết không, nó không khó như tớ nghĩ đâu. Tự tay một con nhỏ gà mờ như tớ mà có thể một mình nhào đất, cho đất vào máy tạo khuôn, và cắt ra được những viên gạch hoàn chỉnh đấy. Chỉ cần cho vào lò nung nữa thôi những viên gạch “made-by-tớ” đã có thể đi khắp nơi, tạo nên những ngôi nhà chắc chắn rồi. Tự hào ghê đi!”, Xuân Hường tít mắt.
Ảnh minh hoạ |
Những món ăn quen mà lạ
Lần đầu tiên đi với cô bạn thổ địa (ở thị trấn Phú Túc) vào vườn và nhìn thấy một cây khá cao, lá dài và quả mọc thành từng chùm lớn, tớ tự tin “À! Đây là cây cóc nè!” và bị một phen chưng hửng khi biết đó là cây dâu da cơ. Dâu da ở đây không cùng một giống với dâu ở thành phố đâu nhé! Quả dâu nom giống một trái cóc nhỏ, màu xanh, ở trong lại có một hạt sần sùi như hạt trái sơ ri ấy. Khi chín, dâu sẽ mềm đi và chuyển sang đỏ hoặc vàng. Đưa vào miệng ăn thử, tụi tớ đứa nào cũng nhăn mặt và đồng thanh “chua lè”, nhưng ăn riết lại hóa ghiền. Nhất là ngồi bứt dâu, chấm muối ớt, nhai nhóp nhép và “tám” đủ chuyện trên đời thì là một kết hợp quá đỉnh. Theo cô bạn tớ, dâu da có nhiều ở trong rừng nhưng cứ mỗi lần thèm dâu lại lên rừng hái thì vất vả quá nên bạn ấy đã xin cành về trồng. Hihi, đó là một quyết định đáng yêu để bọn tớ được dịp thưởng thức dâu da ngay trong vườn nhà.
Mấy ngày ở đây, bọn tớ còn nhận ra nét đặc trưng nhất ở Gia Lai là thịt nướng. Thịt ướp rất đặc biệt, có hầu hết những món ăn mà nếu như ăn ở Sài Gòn, bạn sẽ chẳng bao giờ thấy. Bọn tớ nói đến món phở khô nhé. Phở khô Gia Lai nổi tiếng cực kì, chưa được ăn là coi như chưa từng đến Gia Lai đâu. Món này như hủ tiếu khô và bún thịt nướng kết hợp với nhau. Sợi phở nhỏ, nên nhìn thì giống như hủ tiếu nhưng khi ăn, mùi vị sẽ rất khác. Cho vào tô phở một ít giá, rau thơm, gia vị gồm tương đen, tương ớt, xì dầu, chanh và trộn đều lên, bạn đã có một tô phở khô thịt nướng thật hấp dẫn. Nếm phở dai, thịt nướng đặc biệt hòa quyện với gia vị, lại có thêm một chén nước dùng xương bò bên cạnh ngọt thanh và nóng sốt, bọn tớ thấy tiếng tăm của phở khô Gia Lai chẳng sai chút nào.
Bọn tớ còn được giới thiệu về bánh cuốn Gia Lai, rằng khá giống gỏi cuốn ở miền Nam nhưng đặc biệt hơn nhiều. Theo chân bạn ấy vào quán bánh cuốn gần công viên trung tâm thị trấn Phú Túc, tớ ngạc nhiên khi thấy cô bạn chỉ gọi cho mỗi đứa một cuốn (vì ăn gỏi cuốn ở Sài Gòn thì 3 cuốn chẳng nhằm nhò gì) kèm theo lời giải thích: “Mấy bạn cứ ăn thì biết”. Hóa ra, một cái bánh cuốn ở đây bự gần gấp 3 lần gỏi cuốn bình thường. Bánh tráng bọc ngoài mua từ Tuy Hòa – Phú Yên, rất to, dẻo và dai. Ở bên trong, thành phần cũng rất đặc biệt, gồm có thịt nướng, dưa, rau thơm và cả bánh tráng chiên giòn (tức là bánh tráng được cắt nhỏ, chiên qua dầu và bóp nát được cuốn kèm trong bánh). Cầm cái bánh cuốn to quá bàn tay chấm vào nước chấm làm từ đậu phộng xay, rắc thêm chút mè và ớt, tớ đưa lên miệng cắn và cảm nhận mọi thứ hòa quyện rất tuyệt, giòn rụm, thơm thơm, bùi bùi (chẹp). Và dù rất no, tớ cũng mê mê mẩn mẩn ăn sạch cuốn thứ hai. Mỗi cuốn giống như một tô bún thịt nướng thu nhỏ và ăn cả một tô bún thịt nướng với giá chỉ 5 ngàn thì có thích không, teen ơi?
Nguyên Dung