Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng GD-ĐT”, toàn ngành Giáo dục tập trung vào 12 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai hiệu quả các mục tiêu năm học 2023 - 2024.
Hoàn thiện thể chế
Nhiệm vụ quan trọng được Bộ GD&ĐT đặt lên hàng đầu trong năm học 2023 - 2024 là hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục. Theo đó, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển GD-ĐT và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển GD-ĐT. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh tự chủ, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.
Thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục cũng là nhiệm vụ quan trọng. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và bảo đảm thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Tham mưu các cấp, ngành bổ sung ngân sách chi thường xuyên cho cơ sở GD-ĐT, đảm bảo chi cho hoạt động giảng dạy và học tập đạt tối thiểu 19% trong tổng chi thường xuyên (chưa kể chi từ nguồn thu học phí) theo quy định. Tiếp tục ưu tiên nguồn lực của các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học...
Học sinh Trường Mầm non Kim Liên tựu trường. Ảnh: Thế Đại |
Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục
Với nhiệm vụ thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non, GDPT và giáo dục thường xuyên, năm học 2023 - 2024 toàn ngành tập trung tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục mầm non, bảo đảm an toàn cho trẻ; tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục. Củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, khuyến khích địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo...
Đồng thời, tập trung triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 cấp tiểu học; lớp 6, lớp 7, lớp 8 cấp THCS; lớp 10 và lớp 11 cấp THPT. Tiếp tục thực hiện nội dung dạy học lớp 5, lớp 9, lớp 12 Chương trình GDPT 2006 theo hướng tinh giản, phù hợp, tiếp cận Chương trình GDPT 2018.
Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc triển khai Chương trình GDPT. Tăng cường phối hợp nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức liên quan tại địa phương trong thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Triển khai chương trình xóa mù chữ, chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS, THPT chất lượng, hiệu quả; đa dạng hóa chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh học tập thường xuyên, học suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục. Tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; ban hành Phương án thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án, chuẩn bị tốt điều kiện triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025...
Với nhiệm vụ nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, năm học mới sẽ tiếp tục rà soát số lượng chỉ tiêu biên chế, số lượng giáo viên hiện có để phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Trung ương bổ sung biên chế ngành Giáo dục năm học 2023 - 2024.
Các địa phương tuyển dụng hết số biên chế giáo viên được giao; ưu tiên giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu; sắp xếp, điều tiết giáo viên hợp lý giữa các cơ sở giáo dục, khắc phục thừa thiếu cục bộ. Bố trí đủ giáo viên dạy học Ngoại ngữ, Tin học để triển khai Chương trình GDPT 2018. Thực hiện hợp đồng theo quy định khi chưa tuyển đủ giáo viên. Nghiên cứu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS; chú trọng bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy của đội ngũ... Thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu để bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng. Triển khai hiệu quả Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn 2019 - 2030.
Chương trình GDPT 2018 bước sang năm thứ 4 với những đổi mới về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Ảnh: Thế Đại |
Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống
Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh cũng là nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024. Trong đó, toàn ngành cần tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên để tạo sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành; xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thực sự gương mẫu, là tấm gương cho học sinh, sinh viên noi theo.
Đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, sinh viên; xây dựng văn hóa học đường; tăng cường phòng, chống bạo lực học đường...
Tăng cường giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh. Tăng cường tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh; kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường...
Đẩy mạnh tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực
Với giáo dục ĐH, nhiệm vụ quan trọng trong năm học 2023 - 2024 liên quan đến quy hoạch, phát triển mạng lưới, đẩy mạnh thực hiện tự chủ ĐH, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực. Cụ thể, xây dựng, tổ chức thực hiện Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Đẩy mạnh triển khai tự chủ ĐH theo hướng đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; ổn định phương thức tuyển sinh. Tổ chức thực hiện chuẩn chương trình đào tạo và các giải pháp bảo đảm chất lượng.
Tăng cường phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh nghiên cứu về khoa học giáo dục; có chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài hợp tác nghiên cứu, đào tạo; đẩy mạnh thu hút sinh viên quốc tế đến học tập...
Các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ. Hình thành, phát triển các nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh. Đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục ĐH.
Ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, CĐ sư phạm giai đoạn 2022 - 2030; quản lý văn bằng chứng chỉ thống nhất, hướng đến hội nhập quốc tế...
Ngoài ra, năm học 2023 - 2024, các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục còn tập trung vào hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT; tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua và tăng cường công tác truyền thông giáo dục...
Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra. Một số kết quả có thể kể đến là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Bộ GD&ĐT đã trình và được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo.
Ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch tổng kết 10 năm triển khai Nghị quyết 29; ban hành 6 kế hoạch hành động của Bộ GD&ĐT triển khai các nghị quyết phát triển vùng và tổ chức thành công 6 hội nghị phát triển GD-ĐT vùng cũng là kết quả quan trọng. Năm học 2022 - 2023, ngành Giáo dục cũng tích cực xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình GDPT 2018 và Chương trình Giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng cao. Tự chủ giáo dục ĐH từng bước đi vào thực chất. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 (tăng 5 bậc so với năm trước)...