Bộ GD&ĐT đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

GD&TĐ - Chiều 4/1, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ GD&ĐT.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị. Cùng dự có các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Hữu Độ, Ngô Thị Minh, Hoàng Minh Sơn; bà Nguyễn thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội; đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm 2022, công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành của Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Toàn ngành triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục thích ứng với tình hình dịch Covid-19. Đến thời điểm tháng 4/2022, 100% các cơ sở giáo dục được mở cửa trở lại và các hoạt động trong nhà trường cơ bản diễn ra bình thường; nỗ lực khắc phục khó khăn trong điều kiện dịch bệnh, bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng.

Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành Kế hoạch phối hợp tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục. Tham mưu và trình Chính phủ ban hành nhiều gói hỗ trợ nhằm chia sẻ khó khăn và hỗ trợ kịp thời các cơ sở giáo dục, giáo viên và học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Năm vừa qua, ngành Giáo dục cũng tích cực triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Thẩm định và phê duyệt Chương trình giáo dục tích hợp, danh mục sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10. Phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 3; sách giáo khoa và tài liệu hướng dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 1, lớp 2. Hướng dẫn các địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa chuẩn bị triển khai năm học 2022-2023.

Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng cao. Trong bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 được công bố cuối tháng 4/2022, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Có 38/38 lượt học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt giải, trong đó có 13 Huy chương Vàng.

Một kết quả phải kể đến là đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn. Tổ chức tuyển sinh đại học, cao đẳng bảo đảm công khai, minh bạch, đáp ứng nhu cầu chính đáng của thí sinh với đột phá về chuyển đổi số.

Ngành Giáo dục cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, tổ chức kết nối, xác thực định danh của học sinh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Kết nối thành công Hệ thống phần mềm quản lý thi của Bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo an toàn thông tin và sử dụng ổn định. Hoàn thành tích hợp, công khai Dịch vụ công trực tuyến “Đăng ký xét tuyển trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2022” trên cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh tự chủ đại học, đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 90,6%). Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.

Về đội ngũ, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ trình các cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022-2026; hướng dẫn các địa phương tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông cho năm học 2022-2023. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Năm 2022, Bộ GD&ĐT chủ động mở rộng hợp tác song phương, đa phương và tăng cường hợp tác, đầu tư với nước ngoài. Chuỗi hội nghị Bộ trưởng, quan chức cấp cao Giáo dục ASEAN được Bộ GD&ĐT tổ chức thành công với vai trò Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022-2023. Tham dự Diễn đàn hợp tác giáo dục Việt Nam - Hoa Kỳ và làm việc với các đối tác Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy các động hợp tác về giáo dục giữa Hoa Kỳ - Việt Nam…

Một điểm nhấn trong năm 2022 là việc Bộ GD&ĐT tổ chức thành công chuỗi hoạt động, sự kiện nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đặc biệt, đại lễ Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam đã tạo được những hiệu ứng tích cực từ dư luận, xã hội, sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị đã nhận định: Vượt qua nhiều thách thức, ngành Giáo dục trong năm 2022 đã nỗ lực đạt được kết quả đáng khích lệ.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị đã nhận định: Vượt qua nhiều thách thức, ngành Giáo dục trong năm 2022 đã nỗ lực đạt được kết quả đáng khích lệ.

Bài học kinh nghiệm

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ của Bộ, của ngành năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó có việc chất lượng một số nhiệm vụ còn chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ trình ban hành, ban hành văn bản theo thẩm quyền của Bộ năm 2022 vẫn còn thấp. Kinh phí cấp cho Bộ GD&ĐT nói chung và các đơn vị nói riêng ngày càng giảm. Nhiều đơn vị còn thiếu biên chế hoặc có biên chế nhưng chưa tuyển dụng được nhân sự đáp ứng yêu cầu...

Từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ năm 2022, một số bài học kinh nghiệm được Bộ GD&ĐT rút ra nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành năm 2023.

Theo đó, cần chủ động, sáng tạo và quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo xử lý công việc.

Đổi mới công tác xây dựng kế hoạch hằng năm, cần phân bổ nhiệm vụ hài hòa giữa các tháng, quý, tránh dồn vào cuối năm.

Tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ cho đơn vị; phát huy sự chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Cần làm tốt hơn công tác khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; bên cạnh đó, cần có chế tài xử lý đối với những tập thể, cá nhân chậm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ; bảo đảm kỷ luật và kỷ cương công vụ.

Tăng cường và chủ động phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ, giữa Bộ với các cơ quan, tổ chức có liên quan (nhất là Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, …) để thống nhất quan điểm, tạo sự đồng thuận ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện nhiệm vụ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Kiên định với mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo; chủ động công tác truyền thông để xã hội hiểu, chia sẻ, đồng thuận về những chủ trương, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Hội nghị tổ chức để cùng nhìn lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm qua; rút ra bài học kinh nghiệm và cùng thống nhất nội dung trọng tâm công tác năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Hội nghị tổ chức để cùng nhìn lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm qua; rút ra bài học kinh nghiệm và cùng thống nhất nội dung trọng tâm công tác năm 2023.

10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

Năm 2023, ngành Giáo dục xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 59/KH-GS của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ 2: Tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo. Rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Trong đó, ưu tiên rà soát, điều chỉnh các quy định về chế độ, chính sách đối với viên chức ngành Giáo dục và thực hiện tự chủ đại học.

Thứ 3: Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.

Thứ 4: Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường chuyển đổi số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trong giáo dục và đào tạo. Tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia về học tập, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu toàn ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thứ 5: Ban hành và triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non mới. Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, lớp 8, lớp 11 bảo đảm hiểu quả; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa đối với lớp 5, lớp 9, lớp 12. Thẩm định, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu hướng dẫn dạy học tiếng dân tộc thiểu số lớp 3, lớp 4 đối với 8 thứ tiếng.

Đồng thời, đa dạng hóa loại hình giáo dục và đào tạo đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của nhân dân, trong đó quan tâm tới các đối tượng đặc thù, yếu thế và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân học tập liên tục, suốt đời. Ban hành và triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới các trường chuyên biệt. Chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 an toàn, nghiêm túc, hiệu quả và xây dựng phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ 6: Chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học. Nghiên cứu và đề xuất cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, nhất là tăng cường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên dạy các môn học mới thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Triển khai xây dựng Luật Nhà giáo.

Thứ 7: Trình ban hành và triển khai thực hiện Khung chiến lược phát triển giáo dục đại học; Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực hiện tự chủ đại học, triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Cảo đảm và kiểm định chất lượng và hội nhập quốc tế.

Thứ 8: Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, việc làm và công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên. Hoàn thiện chính sách cho học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có học sinh hưởng.

Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất, và y tế trường học và sức khỏe học đường, bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh. Trong đó tiếp tục hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống dịch Covid-19 trong nhà trường và triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ cho các đối tượng trong ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thứ 9: Tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án, dự án tăng cường cơ sở vật chất, nhất là nhiệm vụ được giao trong các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn, nhất là vốn đầu tư công bảo đảm hiệu quả, đúng quy định. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tập trung triển khai thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học tại những vùng có nhu cầu.

Thứ 10: Sắp xếp, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.