Theo Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 (số liệu tính từ tháng 10/2023 đến 31/7/2024) của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả.
Cụ thể, đã kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu cũng như cán bộ, lãnh đạo quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý, phụ trách, vi phạm trách nhiệm nêu gương và những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm.
Kịp thời miễn nhiệm, thay thế các cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút. Ban hành 18.574 văn bản; hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung 5.797 văn bản về định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Tiến hành 15.948 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Qua đó phát hiện 373 vụ việc và 692 người vi phạm; đã xử lý hành chính 218 người; chuyển xử lý hình sự 3 người; kiến nghị thu hồi hơn 292 tỷ đồng, thu hồi được 30,6 tỷ đồng...
Về kê khai tài sản, thu nhập, trong năm 2024, có 31.671 người kê khai lần đầu, 470.395 người đã kê khai hàng năm; 43.782 người đã kê khai bổ sung; 94.507 người kê khai phục vụ công tác cán bộ; 592.353 người đã được công khai bản kê khai.
Kết quả xác minh tài sản thu nhập năm 2023 cho thấy, có 19 người bị kết luận không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và bị xử lý kỷ luật. 8.884 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm nộp bản kê khai so với quy định…
Như vậy về cơ bản, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua ngày càng đi vào chiều sâu, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tạo chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, như chính thừa nhận trong Báo cáo của Chính phủ đó là một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện.
Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế, vướng mắc. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa thực chất.
Đây là thực tế đã được nhìn nhận từ lâu và chỉ rõ. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này không phải là dễ và có thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Lý do là bởi công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng chống tham nhũng, tiêu cực có mặt còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động.
Cơ chế, chính sách, pháp luật ở một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng. Một số giải pháp phòng ngừa chưa thực sự hiệu quả, nhất là việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập. Đặc biệt, công tác tự kiểm tra, tự phát hiện trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn rất hạn chế, hầu như không có. Việc phát hiện, xử lý ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến thực sự rõ nét.
Để khắc phục tình trạng này, một đại biểu Quốc hội cho rằng, cần đánh giá, bóc tách các nhóm vi phạm, nhất là nhóm vi phạm liên quan tới Luật Cán bộ, công chức cũng như đạo đức công vụ. Phải đánh giá để có định lượng, thay vì nêu chung chung, từ đó mới có thể đưa ra giải pháp, xử lý. Về lâu dài, cần có sự đầu tư thỏa đáng từ việc cải cách tiền lương.
Vậy nên dù đã và đang còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn phải kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để không thể, không dám, không muốn tham nhũng.