1. Nhiều năm dạy học, tôi nhận thấy một thực trạng khá phổ biến là việc một số học sinh tiểu học không hề có kỹ năng tự phục vụ và phục vụ cộng đồng. Dễ thấy nhất là các em này không hoàn thành nhiệm vụ trực vệ sinh lớp. Đơn giản như cầm chổi quét lớp, không phải học sinh nào cũng làm được nói chi đến việc lau sàn nhà.
Câu trả lời chung cho những việc không làm được là do ở nhà mọi việc đều do cha mẹ làm thay. Với quan niệm tạo mọi thuận lợi cho con có điều kiện học tập tốt nên các bậc cha mẹ không bao giờ hướng dẫn kỹ năng lao động đơn giản cho con.
Áo quần dơ cứ để cha mẹ lo, thậm chí ủi đồ, rửa chén, quét nhà… Học lên đến trung học, các em cũng không biết làm và xem như đó là công việc của cha mẹ. Không kể gia đình khá giả, ngay một số phụ huynh khá vất vả trong việc mưu sinh cũng không chịu nhường bước mà giành mọi khó khăn về mình miễn sao con cái không phải đụng đến “cái móng tay”.
Khi làm công tác chủ nhiệm một lớp có những học sinh như thế này, việc phân công lao động cho các em giáo viên thường hay vấp phải sự bất hợp tác không chỉ của học sinh mà của cả gia đình các em. Các em từ chối nhiệm vụ trực lớp, lao động tập thể của lớp hay các hoạt động có tính chất xã hội với lí do là không biết làm. Các em sẵn sàng chấp nhận bị phê bình miễn sao không phải làm gì cả.
Có phụ huynh đề nghị góp tiền thuê người làm vệ sinh lớp để các em tập trung học tập. Thầy cô chủ nhiệm phải giải thích mãi, đây là hoạt động bình thường của mọi học sinh, như một cách rèn kỹ năng và tinh thần yêu lao động, không có gì nặng nề và không cần thiết phải thuê người làm thay, phụ huynh mới tạm nghe theo.
Đối với những học sinh chưa từng biết và cũng không thích những công việc lao động tự phục vụ bản thân cũng như trực nhật, tôi giải thích ngắn gọn về yêu cầu của công việc và sự bình đẳng giữa các em trong học tập và rèn luyện.
Tôi phân công một số em siêng năng, có ý thức tự giác trong hoạt động tập thể hướng dẫn các thao tác lao động cho bạn. Nếu các em chưa làm tốt, tôi tiếp tục phân công trực nhật những lần kế tiếp. Điều đáng nói là phải nghiêm túc với các em. Các em có thể quét rác rất sạch ở hành lang và phía bục giảng của thầy cô nhưng ở các góc tường, giữa các chân bàn thì không đụng tới.
Một điểm khác là các em rất ngại dơ tay nên chỉ dùng chân đẩy hoặc đá khi hốt rác đến nơi gom rác chứ không dùng tay cầm. Thấy vậy, tôi liền cho thay bằng loại chổi có cán dài và chấm dứt được hiện tượng này.
Việc giặt sạch các tấm màn treo cửa sổ và lau sàn của lớp học được thực hiện thường xuyên, có phân công cụ thể bạn nào xách nước, bạn nào lau sàn. Tôi sẵn sàng làm mẫu cho các em xem, không để các em nghĩ việc lao động ở lớp, ở trường là sự hành xác hay có tính dơ bẩn mà chính là rèn luyện bản thân, tập các thói quen tốt cho cá nhân, biết quan tâm đến môi trường xung quanh.
Khi trường tổ chức cắm trại, hội thi…, tôi hạn chế việc thuê mướn mà động viện các em tự lực chuẩn bị mọi thứ từ trang trí đến nấu ăn và không quên sắp xếp khâu dọn dẹp trước khi về. Tôi luôn động viên các em về những cố gắng đã đạt, bày tỏ sự tin tưởng vào nỗ lực phấn đấu của các em.
Trước mỗi chuyến tham quan, ngoại khóa, tôi cho các em tự bàn thảo, tự phân công công việc tập thể. Các em biết tự chuẩn bị nước uống, nón, áo khoác, trang phục phù hợp thậm chí cả túi nôn khi bị say xe, tàu… Những nếu có thiếu sót sẽ được rút kinh nghiệm cho chuyến sau.
Cô giáo chỉ dẫn HS lau sàn lớp (Trường TH Nguyễn Đức Cảnh, quận 5, TPHCM) |
2. Tôi cũng trao đổi với phụ huynh để có sự hợp tác trong rèn luyện các em. Mọi tiến bộ dù nhỏ cũng được thông báo cho phụ huynh, trong đó có bày tỏ sự hài lòng của nhà trường. Có phụ huynh không giấu được vẻ ngạc nhiên khi con em mình thay đổi: biết giúp mẹ rửa chén, biết tự giặt quần áo và nhiều việc khác phục vụ cho cá nhân.
Đã không còn cảnh học sinh đến trường “quên” mặc đúng đồng phục với lý do nghe quen “mẹ bận không giặt kịp!”. Trong gia đình tôi, ngay cả với các con trai đã có một quy ước là đồ cá nhân là phải tự giặt lấy. Nếu không biết sắp xếp thời gian, không chu đáo thì cứ mặc đồ dơ đến lớp.
Để giúp con biết ủi quần áo cho thẳng, tôi làm trước cho các con quan sát rồi tự phục vụ. Khi con làm cháy áo, tôi không la mắng mà chỉ ra nguyên nhân cho con khắc phục. Việc nấu cơm, rửa chén… cũng vậy, tôi tập cho các con từ bậc tiểu học. Đến nay, các con tôi đi học xa nhà vẫn tự mình lo được công việc mà ta gọi là nội trợ. Có cháu còn tình nguyện nhận phần nấu ăn cho cả lớp khi tham gia Mùa hè xanh.
Việc rèn luyện học sinh rất cần sự hợp tác của gia đình. Xác định rõ tính chất công việc và trách nhiệm của các em là cần thiết. Nếu bao biện làm thay tất cả, phụ huynh sẽ không trang bị được kỹ năng tự phục vụ của con em. Nhà trường cũng gặp khó khăn khi GD kỹ năng sống cho học sinh.