Không khởi nghiệp chỉ vì… thất nghiệp

GD&TĐ - Nhiều bạn trẻ mong muốn làm giàu, muốn làm ông chủ thông qua các dự án khởi nghiệp. Số người khởi nghiệp càng đông đặt ra câu hỏi, đây có được coi là một nghề trong xã hội để để có lựa chọn đúng đắn.

Nhóm bạn trẻ Nguyễn Đình Tuấn với mô hình nuôi tôm áp sát thành phố lọt vào chung kết dự án khởi nghiệp. Ảnh: NVCC.
Nhóm bạn trẻ Nguyễn Đình Tuấn với mô hình nuôi tôm áp sát thành phố lọt vào chung kết dự án khởi nghiệp. Ảnh: NVCC.

Khởi nghiệp cần đào tạo bài bản

Dự án khởi nghiệp được nhiều người chọn lựa như một nghề để đặt niềm tin cho tương lai. Thế nhưng, không ít người hiểu sai về bản chất của khởi nghiệp. Đa số vì mong muốn kiếm thật nhiều tiền, trở nên giàu, để mình thành giám đốc, làm chủ chứ không phải đi làm thuê. Vì thế, số lượng người thất bại từ khởi nghiệp cũng rất lớn.

Ở nước ta, hiện chưa có giáo trình, bộ môn về khởi nghiệp. Bởi vậy, các bạn trẻ, doanh nhân đều chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của những người đã thành công ở trong và ngoài nước bằng bài học kinh nghiệm. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, các đơn vị như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần nhìn nhận khởi nghiệp như một nghề để đào tạo bài bản.

Ông Phạm Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Giáo viên, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho biết: “Chọn lựa nghề nghiệp rất quan trọng. Nếu coi khởi nghiệp là một nghề thì cũng cần xem xét ngành nghề này có phù hợp với cá nhân hay không. Khi đảm bảo được các yếu tố như hiểu về nó; có năng lực thực hiện các yêu cầu công việc; có đủ phẩm chất để đáp ứng đòi hỏi của công việc; yêu thích những sản phẩm do công việc đó tạo ra, hãy đưa ra quyết định cũng chưa muộn”.

Ông Phạm Mạnh Hà cũng cho biết thêm, nhiều người trẻ than vãn rằng mình chọn nhầm ngành, nghề học. Phải xem “Nhầm” ở đây là do thực sự thiếu đam mê, không đáp ứng được yêu cầu của nghề nghiệp hay chỉ là do cảm xúc khi gặp phải khó khăn trong quá trình học tập. 

Để biết nghề có “yêu” mình không, đã chọn đúng hay chưa, cần phải có trải nghiệm và tìm hiểu những công việc liên quan đến nghề nghiệp. Những công việc đó đôi khi xuất hiện ngay quanh mình như làm việc nhà, sửa chữa vật dụng, chăm sóc người thân...

Qua quá trình trải nghiệm đó, mỗi người sẽ nhận ra mình phù hợp với ngành nghề nào chứ không nhất thiết phải tiếp xúc và hành nghề trực tiếp. Ví dụ em chăm sóc tốt ông bà, bố mẹ khi đau ốm thì em hoàn toàn có tố chất phù hợp cho ngành chăm sóc sức khoẻ.

Em sửa chữa vật dụng gia đình tốt thì có thể phù hợp với các lĩnh vực cơ khí, điện tử... Với các hoạt động trải nghiệm hoặc hoạt động ngoại khoá trong nhà trường cũng giúp các bạn trẻ nhận ra mình thực sự yêu thích lĩnh vực chuyên môn nào.

Ông Phạm Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Giáo viên, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: Thế Đại.
Ông Phạm Mạnh Hà - Giám đốc Trung tâm Hợp tác Đào tạo và Bồi dưỡng Giáo viên, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). Ảnh: Thế Đại.

“Nghề khởi nghiệp” vẫn cần kiến thức giảng đường

Hiện Chính phủ có chính sách thúc đẩy khởi nghiệp. Nó tạo thuận lợi cho người trẻ vận dụng trí tuệ làm giàu bản thân, tạo công ăn việc làm và làm giàu cho xã hội. Tuy nhiên, cơ chế tốt mà không có tiềm lực thực sự thì cũng khó có được thành công.

Hơn nữa, nếu cứ nôn nóng chứng tỏ bản thân hay chỉ dựa vào những cơ chế khuyến khích mà thiếu sự chuẩn bị thì đó chỉ là khởi nghiệp kiểu phong trào. Khi đó, nếu coi chọn nghề là khởi nghiệp thì vẫn có nguy cơ thất nghiệp.

Nguyễn Đình Tuấn – người khởi nghiệp từ nuôi tôm áp sát thành phố ứng dụng công nghệ Biofloc là tấm gương thành công khi chọn “nghề khởi nghiệp”. Mô hình nuôi tôm của 3 chàng thanh niên đã lọt top “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” năm 2020 do Trung ương Đoàn tổ chức. Trước đó, cả ba thanh niên đều là sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tuấn cho rằng: “Khởi nghiệp cũng là một nghề. Thế nhưng, không nhất thiết cứ thất nghiệp hay bế tắc trong công việc thì chọn khởi nghiệp. Điều quan trọng là tìm được con đường mà mình yêu thích, rồi xác định mục tiêu, kiên trì theo đuổi mới có thể thành công.

Nếu không đỗ đại học, bạn có thể quyết tâm thi lại. Đối với mình, khi khởi nghiệp không phải là hai bàn tay trắng, mình đã thu thập và ứng dụng được rất nhiều kiến thức ở giảng đường để làm việc. Những kiến thức học được không bao giờ là thừa.

Ngoài kiến thức chuyên môn, thì mình cũng được học cách tư duy vấn đề, logic của sự việc. Hay đơn giản hơn là xây dựng các mô hình cơ khí hiện tại phục vụ cho nuôi tôm đều được học trong quá trình học đại học.

Ví dụ các mô hình nuôi của nhóm đều được set up và mô phỏng bằng phần mềm 3D và chỉnh sửa những điều chưa hợp lý trước khi đưa vào thực tế. Điều này là kiến thức mình đã được học ở Trường Đại học Bách khoa. Nó đã giảm thiểu rủi ro cho xây dựng mô hình và tiết kiệm khá nhiều chi phí nếu làm sai cho nhóm”.

Nguyễn Đình Tuấn cho biết thêm, khó khăn lớn nhất khi bắt tay vào khởi nghiệp là xác định được hướng đi và đầu ra cho sản phẩm. Vốn và kinh nghiệm cũng là một thách thức đối với các startup.

Trước đây, mọi người vẫn xác định nuôi con gì và trồng cây gì. Đó chính là xác định được đối tượng để mình bắt tay vào làm. Sau đó phải xác định được đối tượng khách hàng của mình. Để tránh các hiện tượng đi theo trào lưu dẫn đến được mùa thì mất giá, mọi người cần phải nghiên cứu kỹ.

Nhiều lý do để người trẻ chọn không đúng con đường mình mơ ước hoặc ngành nghề mình có khả năng. Đây là thói quen mang tính hệ thống, dẫn đến hệ lụy trong tương lai.

Một trong những hệ lụy đó chính là tư duy khởi nghiệp: Thích là làm! Làm trước rồi rút kinh nghiệm sau. Vì vậy, niềm tin và khát vọng thành công thôi chưa đủ. Hai yếu tố đó chỉ là động lực để người ta đi đến thành công một cách dễ dàng hơn. Còn thành công, phải đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nỗ lực học hỏi không ngừng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.