Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là kết quả của tiến trình đổi mới GD-ĐT

GD&TĐ - Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) với mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho HSSV trong cả nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Ngô Thị Minh tham quan các gian hàng tại SV Startup 2020.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Ngô Thị Minh tham quan các gian hàng tại SV Startup 2020.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh sau 3 năm triển khai, Đề án đã lan tỏa tới các cơ sở GD, thúc đẩy ý tưởng sáng tạo, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp ở thầy và trò…

- Xin Thứ trưởng cho biết kết quả nổi bật sau 3 năm triển khai Đề án 1665?

- Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Bộ GD&ĐT là đơn vị chịu trách nhiệm triển khai đề án quan trọng này. Trong 3 năm thực hiện, Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bằng nhiều cách làm sáng tạo, đặc biệt có sự đồng hành, ủng hộ của nhiều Bộ, ngành Trung ương và địa phương. 

Năm 2018, sau khi Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc thi lần đầu, có hơn 200  ý tưởng, dự án của HSSV tham dự. Năm 2019, cuộc thi thu hút gần 400 ý tưởng, dự án. Đặc biệt, năm 2020, sau gần 5 tháng phát động, cuộc thi đã có hơn 600 ý tưởng, dự án của các bạn trẻ đăng ký tham gia. 

Chương trình “Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của HSSV 2020” với điểm nhấn là vòng chung kết  tạo sự hấp dẫn hơn cho chương trình. Bên cạnh không gian trưng bày giới thiệu các dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các HSSV vào vòng chung kết, chương trình còn lồng ghép nhiều hoạt động hấp dẫn và bổ ích, thiết thực đối với hoạt động khởi nghiệp của giới trẻ.

Điều đáng mừng, nhiều dự án/ý tưởng khởi nghiệp đã chứng tỏ tính khả thi khi thu hút sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp; thậm chí có dự án đã triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả.

- Nguồn lực của khởi nghiệp là ý tưởng, tư duy đổi mới và sáng tạo. Bà có thể cho biết, Bộ GD&ĐT có  giải pháp gì để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho HSSV?

- Trước khi xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành Giáo dục đã có những bước chuẩn bị khá mạnh mẽ, đặc biệt là hoạt động dạy tích hợp liên môn trong nhà trường, đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển năng lực. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang tiên phong thực hiện Đề án Tri thức Việt số hóa; thực hiện mục tiêu đào tạo công dân toàn cầu thông qua hoạt động triển khai chuyển đổi số trong GD-ĐT.

Có thể thấy rằng, để hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Bộ GD&ĐT đã, đang và sẽ tiếp tục tạo nền tảng căn bản cho các em về tư duy, phương pháp một cách toàn diện qua các hoạt động chính sách nêu trên. Đây là một yếu tố mang tính căn bản. Bởi muốn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì đầu tiên tư duy, phương pháp của các em phải đổi mới. Ngành GD-ĐT xác định đây là trách nhiệm, là sứ mệnh của ngành, các nhà giáo. 

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là kết quả của một tiến trình đổi mới GD-ĐT từ phổ thông đến cao đẳng đại học, chứ không chỉ đơn thuần là tên gọi của một đề án hay một phong trào. Có như thế, hoạt động này mới giữ được nguyên vẹn ý nghĩa của nó. 

Cuộc thi HSSV với ý tưởng khởi nghiệp - SV Startup được tổ chức thường niên chính là sân chơi để các em thể hiện ý tưởng, tìm kiếm cơ hội để biến ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của mình thành hiện thực. Đồng thời, đây cũng là cơ hội, là môi trường quan trọng để kết nối 3 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh.

- Để các dự án/ý tưởng không dừng lại ở việc tham gia cuộc thi, Thứ trưởng có lời khuyên gì dành cho HSSV trên bước đường khởi nghiệp?

- Với các ý tưởng, dự án kinh doanh nói chung, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong HSSV nói riêng, thông thường các bạn SV rất quan tâm đến nguồn lực tài chính, nguồn vốn ban đầu để triển khai. Trên thực tế, nguồn lực tài chính luôn là một trong những vấn đề quan trọng đặt ra cho những ai bắt đầu khởi nghiệp. Nhận thức rõ điều này, nên từ năm 2018, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ ngành liên quan nghiên cứu xây dựng hướng dẫn về cơ chế tài chính để triển khai Đề án 1665.

Sau khi Đề án 1665 được ban hành, ngày 24/5/2018, Bộ GD&ĐT có Công văn số 2101 Hướng dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó hướng dẫn các cơ sở đào tạo chủ động bố trí nguồn thu hợp pháp của nhà trường, đồng thời vận dụng Khoản 5, 6, Điều 12 Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ để hỗ trợ các hoạt động khởi động đổi mới sáng tạo. 

Điều tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ ở đây đó là nguồn lực. Nguồn lực lớn nhất của các bạn khi tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là ý tưởng mới, là chất xám, cái riêng có, cái “độc quyền”, đây chính là lợi thế to lớn nhất. Do đó, các bạn cần chính là “cơ hội” để biến ước mơ thành hiện thực. Vì vậy, việc tích cực, chủ động tìm hiểu thông tin, nhất là tham gia cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” sẽ mang lại cho các bạn nhiều cơ hội để cọ xát với những người có chung đam mê, doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu. 

Một ý tưởng/dự án khởi nghiệp của HSSV lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư, khi đó cơ hội thành công lớn hơn rất nhiều so với việc chỉ tập trung vào nguồn vốn. Hãy chăm chút cho ý tưởng, dự án, sản phẩm của mình và tích hợp tìm hiểu, tham gia cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp”; đó là lời khuyên tôi muốn dành cho các bạn trẻ.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.