Tập trung, tỉ mẩn và thuần thục là cách Nguyên Phương (23 tuổi, nhân viên văn phòng ở TP.HCM) cố gắng chỉnh sửa những bức ảnh của mình trên điện thoại trước khi đăng tải lên mạng.
“Không có ảnh nào tôi không sửa. Không chỉnh sửa mà đăng cũng giống như ra đường mà không tô son, kẻ chân mày vậy”, cô nàng thừa nhận.
Bắt đầu với những bước cơ bản như chỉnh sáng, sửa màu sau đó là đến hàng loạt tính năng trang điểm như làm đẹp da, nhọn cằm, to mắt, bóp eo, kéo chân… Cô thậm chí còn gắn lông mi, đổi màu mắt, tô má hồng, làm trắng răng.
Nghe có vẻ rườm rà, phức tạp nhưng Phương nói tất cả “dễ như chơi” vì đã được tích hợp trong hàng loạt ứng dụng cô tải về.
Sau cả tiếng thao tác chỉnh sửa, thành quả cuối cùng là một bức ảnh chẳng mấy ăn nhập với ngoại hình đời thật của Phương.
Không còn chiếc răng khểnh hay nước da hơi ngăm, tất cả đều đã được “chuẩn hóa” theo kiểu hot girl cằm V-line, mắt to, mũi thẳng. 9X tỏ ra hoàn toàn hài lòng với hình ảnh sau khi chỉnh sửa.
“Thời nay đâu có ai up ảnh thật của mình lên mạng nữa. Đều cà qua cả trăm cái app cả đấy”, Phương quả quyết.
Hình một đằng người một nẻo
“Hot girl lộ mặt thật”, “Người đẹp bị bóc mẽ nhan sắc”, “Nam thần bị bóc phốt ngoại hình”… với những từ khóa này, trong vài giây có thể tìm được hàng nghìn kết quả trên các công cụ tìm kiếm phổ biến.
Với sự phát triển của các filter, app làm đẹp, phần mềm chỉnh ảnh, ai cũng có thể trang bị cho mình một vỏ bọc hoàn hảo bằng những hình ảnh lung linh chia sẻ trên trang cá nhân.
Tuy nhiên, “hình trên mạng một đằng, người thật một nẻo”, không ít lần, dân mạng phải than thở ngày nay những khái niệm “hot boy/hot girl”, “nữ thần/mỹ nam”… trên mạng xã hội đều thật đáng ngờ.
“Nếu không đủ xinh ở ngoài đời, ít nhất tôi cũng có thể chỉnh qua 10 cái app để đẹp trên mạng xã hội”, Tina - một người dùng Instagram, 19 tuổi - nói.
Với Tina và nhóm bạn của cô, đó là những cách định nghĩa khác, cụ thể hơn của từ “xấu”.
Khảo sát trên trang Fit rated năm 2018 chỉ ra rằng hơn 93% phụ nữ luôn bị ám ảnh với khái niệm “cơ thể đẹp” và họ cho rằng bản thân luôn chưa đủ đẹp.
Một cuộc khảo sát năm 2018 tại Hong Kong được công bố trên trang South China Morning Post cho thấy 63% phụ nữ từ 16-24 tuổi không hài lòng với ngoại hình của họ và luôn phải chỉnh ảnh qua các bộ lọc của ứng dụng điện thoại trước khi đăng lên mạng xã hội.
Tina thừa nhận các bức ảnh trên mạng khiến cô “cảm thấy an toàn và hài lòng” với ngoại hình của mình mặc dù biết rằng nó đã được chỉnh sửa.
“Chúng có mặt tích cực khi đóng vai trò như một động lực. Tôi có thể theo kịp xu hướng thời trang và cách trang điểm. Tôi sẽ được thúc giục để đi đến phòng tập thể dục và đạt được cơ thể hoàn hảo. Nhưng đôi khi nó làm tôi cảm thấy xấu hổ về chính bản thân mình”, sinh viên này cho biết.
Mạng xã hội khuếch đại nỗi sợ xấu
Theo Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, sự tự ti và mặc cảm ngoại hình của mỗi người xuất phát từ việc luôn so sánh bản thân với người khác. Việc này kéo theo những suy nghĩ tiêu cực như “mình luôn sai”, “mình có lỗi”, “mình buộc phải hoàn hảo theo tiêu chuẩn ABC”…
Và công cụ rất dễ dàng để mọi người so sánh với người khác trong thời đại số là mạng xã hội. Không gian ảo góp phần khiến Body dysmorphic disorder (BDD) - hội chứng mặc cảm ngoại hình - gia tăng trong giới trẻ. Hiện tượng này ảnh hưởng đến khoảng 1,7-2,4% dân số toàn thế giới ở cả nam và nữ.
“Một điều rất ‘thần kỳ’ của mạng xã hội là nó hiểu được người dùng (thông qua hành vi, thời gian đọc thông tin, xem hình ảnh, số lần nhấn thích, chia sẻ…) để tiếp tục nhồi thêm nhiều thông tin tương tự, dẫn đến suy nghĩ tiêu cực ngày càng tiêu cực hơn, phiến diện ngày càng phiến diện hơn”, tiến sĩ phân tích.
Nếu trước đây hình ảnh những cô nàng nóng bỏng trên các tạp chí, anh chàng lịch lãm trong các bộ phim truyền hình định hình tiêu chuẩn cái đẹp, ngày nay, mạng xã hội có thể làm thay điều đó.
Không giống tạp chí, phim truyền hình, theo ông Đào Lê Hoà An, mạng xã hội có tác động thường xuyên hơn. Tuy nhiên, những bức ảnh trên mạng đang góp phần định hình tiêu chuẩn về ngoại hình không trung thực như nhiều người nghĩ.
Các bức ảnh trên mạng hầu hết đều là của những người ta không có cơ hội gặp mặt. Thế nhưng, chúng có sức ảnh hưởng còn hơn cả những gì họ thấy và nghe từ người xung quanh.
Đồng ý với quan điểm này, giáo sư tâm lý học tại ĐH Liên bang Australia Danielle Leigh Wagstaff nhận định: "Chúng ta tiếp cận với toàn hình ảnh lý tưởng hóa, chúng không đại diện cho cuộc sống thực. Mọi người chỉ đăng những hình ảnh đã qua chỉnh sửa lên mạng, sử dụng các ứng dụng, bộ lọc để ảnh được đẹp hơn. Chúng khiến ta hiểu sai về mức trung bình, từ đó cảm thấy bản thân tồi tệ".
"Đập mặt xây lại" để giống ảnh chỉnh sửa
Bằng cách thúc đẩy, lan truyền những quan niệm về cái đẹp, tiêu chuẩn hoàn hảo, những ứng dụng chỉnh sửa ảnh và mạng xã hội đang khoét sâu vào sự mặc cảm về ngoại hình của giới trẻ. Không chỉ dừng lại ở việc chạy theo các xu hướng, nhiều người còn tìm đến các giải pháp phẫu thuật thẩm mỹ như một cứu cánh thoát khỏi sự tự ti ngày một lớn dần.
Theo các bác sĩ phẫu thuật và nhà nghiên cứu, bệnh nhân không còn mang theo hình ảnh của những người nổi tiếng khi tìm đến trung tâm làm đẹp. Ngày càng có nhiều người mang theo ảnh tự sướng và yêu cầu được phẫu thuật để trông giống như chính họ ở trong hình.
Tiến sĩ Neelam Vashi, Giám đốc Trung tâm Mỹ phẩm và Laser thuộc ĐH Boston, cho biết: “Một trong những biểu hiện của chứng bệnh mới Snapchat Dysmorphia đó chính là việc nhìn nhận các bức ảnh selfie như chính phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân".
Snapchat Dysmorphia được Tiến sĩ Tijion Esho (bác sĩ thẩm mỹ) định nghĩa là một dạng của hội chứng mặc cảm ngoại hình (BDD). Người mắc hội chứng này bị ám ảnh hay bận tâm quá mức với một khuyết điểm nhỏ nào đó trên cơ thể mình và luôn ở trong trạng thái bi quan, tiêu cực.
Theo kết quả của một cuộc khảo sát đối với các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ vào năm 2017, có 55% các bệnh nhân muốn cải thiện ngoại hình của họ dựa theo ảnh selfie. Năm 2013, tỷ lệ này chỉ chưa đầy 13%. Cùng với con số đáng ngạc nhiên này là tình trạng gia tăng nhanh các trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ ở độ tuổi dưới 30.
Tiến sĩ Vashi khuyến cáo rằng những người bị BDD cần tìm kiếm các biện pháp tư vấn tâm lý thay vì can thiệp dao kéo trên cơ thể, bởi vì phẫu thuật chỉ làm cho chứng bệnh tâm lý này trở nên trầm trọng hơn.
“Ảnh tự chụp đã được xử lý có thể khiến mọi người mất liên lạc với thực tế, tạo ra kỳ vọng rằng chúng ta phải trông thật hoàn hảo như hình. Điều này đặc biệt có hại cho thanh thiếu niên và những người mắc BDD", tiến sĩ nói thêm.
Còn theo Nhà tâm lý học Andrew Adler, nhà trường và phụ huynh có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp giới trẻ "ít phụ thuộc vào truyền thông xã hội để tự phán xét bản thân" và không bị ám ảnh bởi ngoại hình của mình.
“Người lớn có thể giáo dục thanh thiếu niên về những sự thật của truyền thông xã hội và những bức ảnh phổ biến trên mạng. Ngoài ra, thầy cô, cha mẹ có thể đóng vai trò là những mô hình tích cực luôn đánh giá con cái, học sinh dựa trên nhiều khía cạnh mà không tập trung vào vẻ bề ngoài như sự khác biệt, năng lực, phẩm chất, đạo đức, sở thích cá nhân...", ông Adler phân tích.