Công bố đáp án các môn thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Chiều 6/7, Bộ GD&ĐT công bố đáp án các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 và Chương trình GDPT 2006.
Năm nay, đáp án được công bố muộn hơn. Trước đó, sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin lan truyền đáp án môn Ngữ văn. Thời điểm đó, Bộ GD&ĐT đã ra thông báo khẳng định chưa công bố đáp án chính thức của bất kỳ môn thi nào.
Theo kế hoạch chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, kết quả thi sẽ được công bố vào 8 giờ ngày 16/7.
Trước đó, công tác tổ chức chấm thi, tổng kết công tác chấm thi, gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GD&ĐT, đối sánh kết quả thi sẽ hoàn thành chậm nhất 17 giờ ngày 13/7.

Kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT
Tuần qua, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng – Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cùng đoàn công tác đã kiểm tra công tác chấm thi tại một số địa phương.
Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác ngày 2/7, Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong bối cảnh sáp nhập chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7, Sở đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và Hội đồng chấm thi tỉnh Bắc Ninh, trên cơ sở tận dụng nguồn lực từ Ban Chỉ đạo thi của hai tỉnh Bắc Giang (cũ) và Bắc Ninh (cũ). Theo đó, hai Ban chấm thi vẫn tiếp tục được tổ chức tại hai địa điểm như trước.
Công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức chấm thi được triển khai đúng tiến độ, bám sát kế hoạch của Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Công tác tập huấn, phổ biến nội dung và quán triệt quy chế chấm thi được thực hiện nghiêm túc, bài bản.
Trong những ngày đầu triển khai chấm thi, nhìn chung, các cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn; độ chênh lệch điểm số giữa hai giám khảo nằm trong giới hạn cho phép và chưa phát sinh trường hợp phải mời giám khảo thứ ba. Công tác chấm thi được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các thí sinh.
Trao đổi tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng nhận xét cơ sở vật chất tại các điểm chấm thi được chuẩn bị tốt, các bộ phận được bố trí bài bản, khoa học và đúng quy chế; từ hệ thống biển chỉ dẫn, nhân lực cho đến phương pháp triển khai đều được thực hiện nghiêm túc.
Về công tác chuyên môn, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện đầy đủ theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tổ chức tập huấn kỹ lưỡng cho cán bộ tham gia chấm thi.
Đối với môn tự luận, đã có sự trao đổi, thảo luận và thống nhất phương pháp chấm thi trong suốt quá trình thực hiện. Những bất cập, vướng mắc phát sinh được kịp thời phát hiện và báo cáo để điều chỉnh, xử lý, nhằm đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh.
Thứ trưởng nhấn mạnh, công tác chấm thi phải phản ánh đúng thực chất kết quả làm bài của thí sinh, đồng thời cần ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của các em.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng lưu ý một số nội dung quan trọng, đó là tiếp tục thực hiện chấm thi theo đúng kế hoạch đề ra. Quy trình làm phách, chấm thi trắc nghiệm và tự luận phải được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy chế, đúng quy trình...

Ngày 3/7, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đoàn công tác kiểm tra công tác chấm thi tại Ninh Bình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Hà Lan Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tỉnh cho biết: Thời gian qua, dù trong quá trình chuyển giao, sắp xếp chính quyền địa phương hai cấp với khối lượng công việc rất lớn, nhưng tỉnh xác định, công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt là giai đoạn chấm thi, có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Do vậy, ngay khi có quyết định sáp nhập vào ngày 1/7, tỉnh đã kịp thời kiện toàn Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Hội đồng thi và các Ban thuộc Hội đồng thi, tiếp tục triển khai nhiệm vụ và làm việc tại các địa điểm đang triển khai công việc.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình Nguyễn Tiến Dũng, đến thời điểm hiện tại, công tác chấm thi tại Hội đồng thi Nam Định đảm bảo an toàn, đúng quy chế. Dự kiến hoàn thành công tác chấm thi vào 10/7, với tinh thần không ép tiến độ, chấm thi nghiêm túc, công bằng, đúng quy chế và đặt quyền lợi của thí sinh lên hàng đầu.
Ghi nhận công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Ninh Bình được triển khai kịp thời, sâu sát, Thứ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo thi của tỉnh tiếp tục duy trì sự chỉ đạo toàn diện, thống nhất giữa 3 Ban chấm thi. Phân công rõ ràng đầu mối, chế độ thông tin báo cáo minh bạch, đồng bộ, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất về tiến độ và nội dung chấm thi.
Thứ trưởng đồng thời lưu ý kiểm soát tiến độ một cách chặt chẽ nhưng tuyệt đối không được ép tiến độ, không làm qua loa, đại khái gây ra sai sót. Cần bám sát kế hoạch đề ra, phát huy tối đa vai trò điều tiết của tổ trưởng từng tổ chấm, tránh tình trạng làm quá nhanh dẫn đến thiếu cẩn trọng…

Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 53
Trong hai ngày 1/7 và 2/7/2025, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu của Bộ GD&ĐT Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á lần thứ 53 tại Brunei Darussalam.
Tham dự Hội nghị lần này có đại diện Lãnh đạo Bộ Giáo dục của 11 quốc gia thành viên cùng Ban thư ký Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO), Giám đốc 26 Trung tâm trực thuộc SEAMEO và đại diện các quốc gia tổ chức đối tác khu vực và quốc tế.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục Brunei Darussalam chính thức được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO) nhiệm kỳ 2025–2027 và đảm nhiệm vai trò Chủ tọa Hội nghị lần thứ 53. Bộ GDĐT Việt Nam được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng, qua đó từng bước chuẩn bị cho việc đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên nhiệm kỳ 2027–2029.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã điều hành Phiên 2 - Đối thoại Chiến lược Giáo dục lần thứ 7 với chủ đề “Giáo dục xanh”. Tại đây, Thứ trưởng đã chia sẻ với các đại biểu về chiến lược giáo dục xanh của Việt Nam trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam đang tích cực triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021–2030, trong đó xác định giáo dục là yếu tố then chốt trong việc chuyển đổi tư duy và hình thành lực lượng lao động có kỹ năng, sáng tạo, thích ứng với nền kinh tế xanh. Bộ GD&ĐT đã phát động chương trình “Giáo dục xanh - Thể thao xanh” với nhiều hoạt động cụ thể như: Tiếng nói Xanh, Ngôi trường Xanh, thúc đẩy phong trào trồng cây, tiết kiệm năng lượng, lồng ghép giáo dục môi trường vào chương trình học và hoạt động ngoại khóa.
Trong đó, mô hình “Ngôi trường Xanh” được dựa trên nguyên tắc 7R, đó là: Rethink (thay đổi tư duy); Refuse (từ chối); Reduce (giảm); Reuse (tái sử dụng); Recycle (tái chế); Repair (sửa chữa) và Replace (thay thế). Những “Ngôi trường Xanh” đang được nhân rộng không chỉ giảm bớt gánh nặng môi trường, mà còn giúp nâng cao hiệu quả học tập, giúp thế hệ trẻ nhận thức được giá trị bền vững của môi trường sống.
Đối với bậc Đại học và Giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo đang được đổi mới theo hướng phát triển nguồn nhân lực xanh, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế bền vững. Bộ GD&ĐT cũng chú trọng thúc đẩy hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhằm tăng tính thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo và khả năng thích ứng của người học với thị trường lao động xanh.

Tại buổi Đối thoại, các đại biểu đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh cam kết ưu tiên giáo dục xanh như một chiến lược chuyển đổi vì tương lai bền vững.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã tham dự các phiên họp chuyên đề, chia sẻ về những đổi mới trong giáo dục Việt Nam thời gian qua. Đoàn đã giới thiệu kết quả nổi bật của học sinh Việt Nam tại các chương trình đánh giá năng lực quốc tế như SEA-PLM và PISA, đồng thời nhấn mạnh định hướng phát triển mô hình “trường học hạnh phúc” nhằm chăm lo sức khỏe tinh thần cho học sinh, đặc biệt trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19.
Kết thúc sự kiện, Trưởng đoàn Việt Nam kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á tăng cường hợp tác, cùng chung tay triển khai kế hoạch hành động giáo dục xanh, hướng tới xây dựng không gian học tập và cộng đồng bền vững vì tương lai khu vực. Các đại biểu thống nhất sẽ gặp lại nhau tại Việt Nam vào năm 2027, khi Bộ GD&ĐT Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên và chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á.

Hà Nội công bố điểm thi, điểm chuẩn vào lớp 10
Điểm chuẩn lớp 10 được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố tối ngày 4/7. Đây là tổng điểm ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Đây là năm đầu tiên Hà Nội công bố điểm chuẩn ngay khi có điểm thi.
Theo công bố, có 17 trường THPT tăng điểm chuẩn so với năm trước. Trong đó, Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng tăng mạnh nhất với 2,17 điểm.
Có 95 trường giảm điểm chuẩn; hầu hết mức giảm dưới 1 điểm. Trường THPT Thọ Xuân và Trường THPT Phúc Lợi có mức giảm mạnh hơn. Đặc biệt, một số trường học sinh chỉ cần đạt trên 3 điểm mỗi môn là đỗ.
Điểm chuẩn cao nhất thuộc về Trường THPT Kim Liên và Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông với 25,5 điểm. Tiếp đến là Trường THPT Việt Đức và Trường THPT Phan Đình Phùng với 25,25 điểm.
Giống Hà Nội, Lai Châu cũng đồng thời công bố điểm chuẩn cùng với điểm thi.
Trước đó, nhiều địa phương đã có công bố điểm thi vào lớp 10. Bạc Liêu là địa phương đầu tiên hoàn tất và công bố điểm thi sớm nhất vào tối 3/6. Lai Châu, Quảng Trị và Điện Biên cũng lần lượt công bố kết quả vào các ngày 8 và 9/6.
Tại TP.Hồ Chí Minh, điểm chuẩn lớp 10 năm 2025 của 109 trường THPT được công bố chiều 26/6. Nhiều trường giảm điểm chuẩn khoảng 0,25-4,75.