Sau khi Iran và Israel leo thang quân sự, các hệ thống phòng không một lần nữa thu hút sự chú ý của quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh Tehran chưa đủ khả năng bảo vệ không phận của mình khỏi các cuộc tấn công của Israel.
Kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ Haber 7 đã dành một phóng sự nói về hệ thống phòng không do nước này phát triển, có tên là Celik Kubbe (Steel Dome - Vòm thép), họ đã mời chuyên gia an ninh - Tiến sĩ Iray Gozler đến phân tích khả năng của vũ khí này.
Ông Gozler tuyên bố rằng một kịch bản như từng xảy ra tại Iran là không thể đối với Thổ Nhĩ Kỳ do công nghệ cảnh báo sớm và radar tiên tiến do Ankara phát triển.
Nhà phân tích lưu ý rằng Iran gặp thất bại là do các hệ thống phòng không bị "phân mảnh", một số trong đó đã bị phá hủy, và sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài lỗi thời, khiến nước này dễ bị máy bay tàng hình như F-35 tấn công.
Ngược lại, các hệ thống radar của Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng phát hiện F-35 từ khoảng cách 500 km và xác định rõ chủng loại từ cự ly 400 km, mang lại lợi thế chiến lược.

Tiến sĩ Gozler đã trích dẫn một ví dụ về việc hệ thống radar của Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi máy bay Israel bay qua Syria đến Iraq ngay từ khi chúng cất cánh và các tiêm kích của nước này đã được điều động để chứng minh sự sẵn sàng.
Hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm radar Eralp, có thể bám bắt mục tiêu cách xa tới 400 km, trong khi tên lửa phóng từ trên không của Israel có tầm bắn khoảng 230 km, khiến phương tiện mang chúng trở nên dễ bị tấn công.
Hệ thống này sử dụng radar chủ động nhiều lớp, bao phủ tới 1.500 km và tích hợp cả công nghệ laser, phạm vi của vũ khí laser đã tăng từ 1,5 lên 50 km.
Tiến sĩ Gozler nhấn mạnh rằng Vòm thép không chỉ bảo vệ không phận mà còn cả đất liền và vùng biển lãnh hải, tạo ra một mạng lưới không thể xuyên thủng, cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ "chủ quyền trên không" mà Iran đã mất và biến nước này trở thành một trong những quốc gia an toàn nhất khu vực.
Theo Breaking Defense, Steel Dome là một hệ thống tập trung vào mạng lưới với trí tuệ nhân tạo, tích hợp các radar tinh vi như hệ thống điều khiển RADNET và HAKIM, cũng như tên lửa Hisar, Siper và Gurz.
Chuyên gia Can Kasapoglu lưu ý rằng Vòm thép được thiết kế để phòng thủ chống lại máy bay không người lái, tên lửa và chiến đấu cơ ở mọi độ cao và tầm bắn, điều này phân biệt nó với Iron Dome của Israel, tập trung vào việc đánh chặn tên lửa tầm ngắn.
Các tập đoàn Aselsan, Roketsan và TUBITAK SAGE đang phát triển các thành phần, bao gồm cơ sở hạ tầng đám mây và hệ thống định vị vệ tinh KASIF, sẽ được ra mắt vào tháng 12 năm 2024. Việc hệ thống được tích hợp các nền tảng trên biển và trên bộ, tạo ra một bức tranh thống nhất về tình hình trên không theo thời gian thực.