Thương mại hóa nghề truyền thống
“Điện Biên có 19 dân tộc anh em với bản sắc văn hóa hết sức đa dạng và độc đáo. Nghề thêu truyền thống là một trong số đó nhưng lại đang có xu hướng mai một. Là con em đồng bào dân tộc địa phương, chúng em rất trăn trở với điều này, nên quyết định tập hợp những bạn cùng chung ý tưởng để làm một điều gì đó” – Quàng Thị Hím, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên chia sẻ. Đó cũng là lý do Hím xây dựng Dự án khởi nghiệp “Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên”.
Hím hiện là trưởng nhóm dự án, với 5 thành viên tham gia. Các em đều là học sinh, sinh viên nữ người Mông, Thái, Dao, Dạo, Hoa… sinh sống ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Hím tâm sự: Ở quê em, từ nhỏ, các bé gái đã được bà, mẹ cho tiếp cận và học nghề thêu truyền thống, để tự tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của cá nhân, gia đình. Cuộc sống phát triển, mọi thứ đều sẵn có nên nghề cũng mai một dần.
Để gìn giữ nghề, ý tưởng ban đầu của Hím và các bạn là thành lập nhóm cùng chia sẻ sở thích may vá, thêu thùa, phát triển kỹ năng bản thân. Nhưng với suy nghĩ “nếu chỉ tự làm ra các sản phẩm, tự chia sẻ với nhau ở quy mô trong nhóm sẽ khó có sức lan tỏa”. Vì thế, nhóm quyết định giới thiệu các sản phẩm rộng rãi hơn. Khi nhận được những phản hồi tích cực, kế hoạch khởi nghiệp được khởi động.
“Những sản phẩm như trang phục, khăn, đệm… trên thị trường hiện nhiều rồi. Vì thế bọn em chọn sản phẩm túi xách. Trong giới trẻ, túi xách là đồ vật gần gũi, nhất là túi xách handmade được làm bằng chất liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường sẽ được nhiều bạn lựa chọn”, Mùa Thị Liên, thành viên nhóm cho hay.
Cũng theo Liên, để làm ra sản phẩm túi xách tay mang phong cách riêng, thành viên trong nhóm đều tự tay thêu hoa văn, họa tiết trên chất liệu vải thô và may thành các loại túi có kích thước khác nhau.
Họa tiết, hoa văn thêu là những hình tượng đặc trưng, gắn liền với thiên nhiên và đời sống vùng miền, như: Hình quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, con suối, xà tích, lá đơn, lá kép, búp cây, dây leo...
Chia sẻ điểm khác biệt trong sản phẩm, em Giàng Thị Dinh (thành viên nhóm), sản phẩm là kết hợp những nét hoa văn độc đáo trong nghệ thuật thêu của cộng đồng nhiều dân tộc.
“Người Thái là thêu mặt trái nhưng hoa văn lại hiện ra ở mặt phải. Còn người Mông dùng kỹ thuật in sáp, dùng bút vẽ theo các đường có kích thước khác nhau để tạo ra những hoa văn, hình khối độc đáo” – Dinh bộc bạch.
Sau 4 tháng triển khai (từ tháng 4 – 8/2021), dự án không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn nghề thêu truyền thống cho học sinh, sinh viên nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo đang học tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên mà bước đầu đã tạo ra sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường, mang lại thu nhập.
“Nhóm đã mang trực tiếp sản phẩm đi giới thiệu tại một số điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP Điện Biên Phủ. 140 sản phẩm được bán ra và đều nhận được phản hồi tích cực. Mục tiêu hướng đến của chúng em là khách du lịch. Tuy nhiên do dịch bệnh căng thẳng, du lịch đóng cửa nên sản phẩm chưa tiếp cận được với nhiều khách hàng. Vì thế, chúng em đang tiếp cận thị trường online” – Hím cho hay.
Về Điện Biên bằng 4.0
Đó là ý tưởng khởi nghiệp độc đáo đậm chất vùng miền của 5 bạn trẻ đang theo học các chuyên ngành: Du lịch, Tin học ứng dụng… tại Điện Biên.
“Điện Biên là mảnh đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch, trong đó nổi tiếng nhất là du lịch lịch sử. Tuy nhiên, do giao thông chưa thuận tiện và giữa bối cảnh dịch bệnh hiện nay, cơ hội để du khách đến thăm Điện Biên, đặc biệt là du khách lớn tuổi, cựu chiến binh rất khó khăn. Vì thế chúng em xây dựng lên dự án “Ứng dụng du lịch kết nối - về nguồn Điện Biên” phục vụ người lớn tuổi, cựu chiến binh”, Lò Duy Hùng, trưởng nhóm cho biết.
Để tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu hình ảnh, cảnh quan, văn hóa Điện Biên, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng một cách chân thực nhất, dự án đã xây dựng website và ứng dụng (app) du lịch Điện Biên. Trong đó, giới thiệu, kết nối với nhiều đối tượng, trọng tâm là những người lớn tuổi, cựu chiến binh khó có cơ hội đến thăm trực tiếp Điện Biên.
“Trên website, chúng em tích hợp đầy đủ tính năng kết nối, trải nghiệm, như: Tra cứu thông tin khi không đến thăm trực tiếp (du lịch ảo), hoặc trước khi đến thăm vùng đất Điện Biên. Người dùng khi sử dụng có thể tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ; bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc.
Hoặc có thể tra cứu, cập nhật thông tin mới nhất liên quan đến du lịch Điện Biên; các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, nhà cung cấp dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên, điểm vui chơi...) để có lựa chọn phù hợp khi muốn đến thăm trực tiếp Điện Biên” – em Tòng Thị Oanh, thành viên nhóm cho hay.
Đánh giá cao tiềm năng phát triển và khả năng mở rộng quy mô của các dự án này, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Giám đốc Công ty TNHH 1T (Điện Biên) cho biết: Công ty quyết định hỗ trợ tư vấn công nghệ thông tin, giúp các em hoàn thiện dự án mang đi tham dự Cuộc thi Startup Kite 2021. Tôi cũng mong rằng, tại sân chơi này, các em có thể tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp thực sự.