Công bố chuẩn đầu ra, sinh viên có cái đích đến trong quá trình học tập của mình |
Lương giảng viên: Năm sau cao hơn năm trước?
Rất nhiều trường trong phần công khai mức lương của giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên đều gặp chung một điểm: mức lương ước tính năm 2009 luôn cao hơn khá nhiều so với mức lương năm 2008. Thêm nữa, mức lương giữa các trường cũng chênh lệch nhau không ít.
Theo công bố của trường đại học ngoại thương, thu nhập bình quân/ tháng của giáo viên năm 2008 là 4.600.000 đồng; ước thực hiện năm 2090 là 5.200.000 đồng; thu nhập bình quân/ tháng của cán bộ quản lý là 4.000.000 đồng, ước thực hiện năm 2009 là 4.500.000 đồng; thu nhập bình quân/ tháng của nhân viên phục vụ là 1.200.000 đồng và ước năm 2009 là 1.500.000 đồng.
Mức thu nhập của các giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của Đại học Bách khoa thấp hơn. Năm 2008, thu nhập bình quân/tháng của giảng viên: 2,8 triệu đồng/ tháng; quản lý và hành chính: 2,1 triệu đồng/ tháng. Ước thực hiện năm 2009: giảng viên: 3,15 triệu đồng/ tháng; quản lý, Hành chính: 2,8 triệu đồng/ tháng.
Tại đại học Cần Thơ, thu nhập của cán bộ giảng dạy lại cao hơn gần 2 lần cán bộ quản lý. Năm 2008, thu nhập của cán bộ giảng dạy tại trường được công bố là 4.735.782 đồng, của cán bộ quản lý là 2.864.575 đồng; năm 2009 lần lượt theo thứ tự trên là 4.910.098 đồng và 3.127.304 đồng.
ĐH dân lập Hải Phòng, thu nhập giảng viên năm 2008 là 3.848.540 đ/ tháng; ước tính năm 2009 là 6.970.000 đ/ tháng; cán bộ quản lý, năm 2008: 4.331.816 đồng/ tháng, ước tính năm 2009: 6.335.000 đồng/ tháng; nhân viên phục vụ: 2.848.525 đồng/ tháng, ước năm 2009: 4.263.000 đồng/ tháng.
Đại học Nông lâm – đại học Huế, thu nhập bình quân đầu người/1 tháng của giảng viên: 3.279 ngàn; của cán bộ quản lý: 7.240 ngàn và của nhân viên phục vụ: 3.060 ngàn đồng (năm 2008 và ước thực hiện năm 2009).
Đại học KHXHNV (Đại học QG TP.HCM) công khai thu nhập bình quân/1tháng của giảng viên là 6,279,269 đồng; thu nhập bình quân/1tháng của cán bộ quản lý và của nhân viên phục vụ: 5,203,322 đồng. Ở Học viện tài chính, thu nhập bình quân giảng viên: 6.214 triệu đồng/người/ tháng; cán bộ quản lý và phục vụ: 4.346 triệu đồng/người/ tháng.
Một trong những trường đại học có mức thu nhập thấp nhất là Đại học dân lập Hà Hoa Tiên, giảng viên thu nhập bình quân không đến 2 triệu đồng trên tháng. Cụ thể mức thu nhập trường công bố là: năm 2008, thu nhập bình quân của giảng viên trong trường là 1.520.000đ/tháng; CB quản lý: 2.737.000đ/tháng; NV phục vụ: 1.130.000đ/tháng. Năm 2009, ước mức thu nhập bình quân của giảng viên là 1.832.000đ/tháng; CB quản lý: 3.880.000đ/tháng; NV phục vụ: 1.384.000đ/tháng
Sinh viên phải "đầu tư" thực chất cho ngoại ngữ
Yêu cầu về ngoại ngữ trong chuẩn đầu ra không giống nhau giữa các trường. Tuy nhiên, hầu hết các trường đều lấy bằng TOEIC để quy định trình độ tiếng Anh sinh viên trường mình khi ra trường. Nhiều sinh viên cho rằng, với yêu cầu về tiếng Anh mà trường đề ra họ sẽ phải “cày” thật lực, may ra có thể đáp ứng.
Như Đại học Bách khoa, yêu cầu chuẩn đầu ra tiếng Anh của các chương trình cử nhân kỹ thuật và các chương trình kỹ sư là kỹ năng sử dụng tiếng Anh hiệu quả trong công việc, đạt điểm TOEIC ≥ 450. ĐH Bách khoa TP.HCM cũng lấy mức điểm tối thiểu tương đương 450 TOEIC cho các ngành trong trường.
Ngày 15/1/2010 là hạn chót Bộ GD & ĐT yêu cầu các trường hoàn thành “3 công khai” (Công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, Chất lượng giáo dục thực tế và Thu chi tài chính). |
ĐH dân lập Hải Phòng yêu cầu chuẩn đầu ra cụ thể hơn và cũng cao hơn so với ĐH Bách Khoa. Cụ thể: Chuẩn đầu ra môn ngoại ngữ được quy định, sinh viên tốt nghiệp trường ĐHDLHP có khả năng viết biên bản ghi nhớ và các báo cáo ngắn, có khả năng đọc, dịch các tài liệu liên quan đến công việc như biên bản ghi nhớ, thư điện tử, tin tức, có khả năng trình bày quy trình sản xuất, tham gia một cách chủ động và trao đổi trong các cuộc họp đồng thời có thể đàm phám qua điện thoại với người nước ngoài, tương ứng với điểm TOEIC đạt 500-600 (đối với ngành kỹ thuật là 500-600 đối với ngành kinh tế xã hội).
Tại Đại học nông lâm – Đại học Huế, chuẩn đầu ra môn Anh Văn của hầu hết các ngành đào tạo là có trình độ Anh văn B, hoặc IELTS: 4,0 ; TOEFL, 350; TOEIC: 300. ĐH KHXH&NV cũng yêu cầu sinh viên ra trường phải có bằng B ngoại ngữ.
Một số trường như ĐH Kiến Trúc TP.HCM lại không đưa ra một mức đánh giá cụ thể nào. Yêu cầu đầu ra ngoại ngữ cho sinh viên của trường được quy định là có kỹ năng sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp. Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM thì cho đến nay vẫn chưa đưa ra loại công cụ, mức đánh giá trình độ cho chuẩn đầu ra ngoại ngữ.
Hiếu Nguyễn