Hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp: Vẫn khiêm tốn

GD&TĐ - Theo chuyên gia, cần nhân rộng hiệu quả các mô hình đào tạo, xây dựng đội ngũ nhà giáo nòng cốt trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cần nhân rộng hiệu quả các mô hình đào tạo, xây dựng đội ngũ nhà giáo nòng cốt trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh minh họa
Cần nhân rộng hiệu quả các mô hình đào tạo, xây dựng đội ngũ nhà giáo nòng cốt trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ảnh minh họa

Điều này nhằm nâng cao năng suất lao động và bắt kịp xu hướng thay đổi, phát triển của thế giới.

Hiệu quả từ các chương trình hợp tác

Thông qua triển khai các dự án hợp tác quốc tế, bà Vũ Lan Hương, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết đã có khoảng 5 nghìn lượt nhà giáo, cán bộ quản lý được đào tạo. Khoảng 200 lượt giáo viên, cán bộ quản lý tham gia các khóa đào tạo nước ngoài (Malaysia, Úc, Đức, Pháp, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc). 655 nhà giáo được đào tạo theo chương trình chuyển giao từ Úc, Đức, các khóa đào tạo ngắn hạn tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Hương thẳng thắn nhìn nhận, con số trên vẫn còn khiêm tốn nếu so với sánh với gần 90 nghìn nhà giáo đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Do vậy, cần nhân rộng hiệu quả các mô hình đào tạo, xây dựng đội ngũ nhà giáo nòng cốt.

Về định hướng hợp tác quốc tế thời gian tới, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi. Mục đích để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia phát triển giáo dục nghề nghiệp. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp và các cuộc thi kỹ năng nghề.

Về nâng cao chất lượng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, bà Hương cho hay sẽ mở rộng quan hệ hợp tác với các nước phát triển trong khu vực và thế giới. Đào tạo ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam, đào tạo nâng cao năng lực ngoại ngữ.

Bà Trần Thị Mai Yến, Giám đốc Trung tâm Pháp ngữ châu Á - Thái Bình Dương, cho biết nhiều kinh nghiệm từ dự án hợp tác quốc tế “Thúc đẩy hội nhập nghề nghiệp thông qua đào tạo nghề cho giới trẻ Việt Nam, Lào, Campuchia”. Dự án định hướng công tác đào tạo nghề theo phương pháp tiếp cận năng lực (APC).

Bà Mai Yến cho hay, kết quả khi kết thúc Chương trình dự án đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động (REG100) vào năm 2016, có 470 giảng viên và cán bộ quản lý được đào tạo về APC; 2.953 sinh viên đăng ký theo học các niên khóa 2012 - 2016…

Giai đoạn 2017 - 2020, thêm 1.525 giảng viên và cán bộ quản lý được tập huấn về phương pháp APC. 74 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và 5 trường đại học sư phạm kỹ thuật được huy động tham gia…

Bà Mai Yến cho biết từ năm 2021, chương trình tiếp tục huy động thêm các nguồn lực để đào tạo giảng viên về phương pháp APC. Biên soạn các bộ chuẩn, tăng tính tự chủ trong việc phát huy các thành quả sẵn có.

Đổi mới phương thức đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp

Thời gian qua, các tổ chức quốc tế đánh giá cao việc hợp tác với Việt Nam trong nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Ông Chékou OUSSOUMAN, Đại diện OIF tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho hay qua thăm dò thanh niên thuộc nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, họ nói rằng ưu tiên đầu tiên là tìm việc làm.

Chương trình đào tạo cần phù hợp với công ăn việc làm của thanh niên, hướng tới nền giáo dục có chất lượng. Thanh niên cũng nói rằng, muốn có điều kiện làm việc ở châu Âu, châu Phi và các vùng khác trên thế giới. Do vậy, nâng cao chất lượng giảng dạy giáo dục nghề nghiệp rất quan trọng.

Đại diện OIF khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo ông Chékou OUSSOUMAN, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến 80% công việc của năm 2030 không còn tồn tại nữa. Đồng thời, 80 triệu việc làm mới sẽ tạo ra trong các ngành kinh tế xanh. Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi đào tạo thanh niên có khả năng tham gia thị trường lao động, đáp ứng đúng nhu cầu mà thị trường cần.

Ông Jugen Hartwig (Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức) bày tỏ mong muốn được hỗ trợ Việt Nam tăng cường đổi mới, nâng cao năng lực của hệ thống dạy nghề. Từ đó đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, tăng năng suất lao động, tính cạnh tranh để gia nhập thị trường lao động trước bối cảnh dịch Covid-19, cách mạng Công nghiệp 4.0...

Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, cần đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới phương thức đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, đưa hệ thống giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với tri thức, kỹ năng, mô hình, quản lý giáo dục mới.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cũng cần tranh thủ nguồn lực bên ngoài để theo kịp xu hướng mới của nền giáo dục thế giới. Sự hỗ trợ, hợp tác với tổ chức giáo dục quốc tế, nâng cao năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam là rất quan trọng.

Về chất lượng đào tạo, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, thời gian qua, nhiều học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp có thành tích cao trong kỳ thi tay nghề ASEAN hay của thế giới. 80% học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp có việc làm, thu nhập tốt sau khi ra trường. Bên cạnh đó, chủ sử dụng lao động đánh giá cao chất lượng đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

Chứng tỏ rằng, việc phát triển đội ngũ nhà giáo, đổi mới phương pháp sư phạm trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn liền với nhu cầu thực tế của Việt Nam là rất quan trọng. Điều này giúp phục hồi, giữ ổn định thị trường lao động trong bối cảnh dịch Covid-19. Đồng thời tăng năng suất lao động, tăng cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...