Giáo dục nghề nghiệp: Nhiều mục tiêu chưa đáp ứng kỳ vọng

GD&TĐ - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phải hứng chịu tác động xấu, nhất là vấn đề tuyển sinh.

Tuyển sinh GDNN bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19. Ảnh minh họa
Tuyển sinh GDNN bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, nhiều mục tiêu đặt ra chưa đạt được như kỳ vọng.

Lúng túng trong tuyển sinh

Theo báo cáo của Tổng cục GDNN, trong 6 tháng đầu năm cả nước chỉ tuyển được 645 nghìn người (đạt 27,2% kế hoạch năm 2021, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2020).

Về nguyên nhân khiến tỷ lệ tuyển sinh đạt thấp, ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN lý giải: Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở GDNN khó tiếp cận với các trường THCS, THPT. Vì vậy, công tác tư vấn hướng nghiệp, hình thức tuyển sinh trực tuyến chưa thu hút được nhiều người tham gia.

Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm không phải là thời điểm tuyển sinh, “mùa” tuyển sinh của GDNN. Thời điểm này chưa kết thúc năm học của giáo dục phổ thông và chưa qua kỳ thi tuyển sinh đại học. Tuyển sinh GDNN chỉ thực sự bắt đầu cao điểm trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 11 hàng năm.

Ngoài ra, nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương trong các chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phê duyệt. Đa số các địa phương chưa tự cân đối ngân sách nên việc bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo gặp khó khăn...

Theo ông Trương Anh Dũng, trong bối cảnh dịch bệnh, đào tạo GDNN về lý thuyết đã khó, thực hành còn khó hơn. Hiện, các cơ sở GDNN phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và nay là các tỉnh phía Nam. Dự kiến kế hoạch tuyển sinh của các cơ sở GDNN ở 2 địa phương lớn nhất cả nước là Hà Nội và TPHCM bị ảnh hưởng lớn. Đây là 2 địa phương chiếm 1/2 tổng chỉ tiêu tuyển sinh GDNN của cả nước, kéo theo tỉ lệ tuyển sinh thấp của cả hệ thống GDNN.

Chuyên gia cho rằng, từ những vướng mắc về tuyển sinh, đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giải pháp chuyển đổi số được đặt ra cấp thiết hơn lúc nào hết.

Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông (TPHCM) cho biết, hiện nhà trường đang rất lúng túng trong vấn đề tuyển sinh. Bởi phần lớn sinh viên đến từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Với tình hình giãn cách như hiện nay, tâm lý phụ huynh học sinh rất lo lắng và không muốn xa nhà. Ông Hải đề xuất cần có biện pháp quyết liệt hơn trong tuyển sinh từ nay đến cuối năm mới có thể đảm bảo được kế hoạch tuyển sinh năm 2021.

Theo ông Trần Thanh Hải, hiện nay Bộ GD&ĐT đã có Thông tư 09 quy định việc học và thi trực tuyến, trong đó có đề cập nội dung thi online 30%. Nhưng bên GDNN chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

“Trong thời gian tới cần thể chế hóa đặc biệt những môn lý thuyết và lý thuyết kết hợp thực hành. Theo đó, cho phép phần lý thuyết đi vào kiểm tra online trước, sau đó đi thực hành, thực tập lấy điểm sau tại các doanh nghiệp” – ông Hải nêu quan điểm.

Trong khi đó, ông Hoàng Quang Đạt - Hiệu trưởng Trường CĐ Lào Cai cho biết, năm nay, trường tuyển sinh được 1.300 em sau THCS và gần 1.000 sinh viên cao đẳng. Với mức độ tuyển sinh này, nhà trường vẫn chưa tự chủ được và khó hoàn thành chỉ tiêu đặt ra.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cơ điện Hà Nội cho biết vừa qua, trường đã phải tập trung 400 sinh viên chất lượng cao để giảng dạy. Đồng thời lên kế hoạch chuẩn bị tổ chức thi tốt nghiệp cho gần 1.000 sinh viên hệ cao đẳng của trường.

Theo ông Ngọc, để bảo đảm mục tiêu kép, phương châm của nhà trường là bảo đảm điều kiện “3 tại chỗ”: Đào tạo tại trường, ăn ở tại chỗ và phòng, chống dịch an toàn. Ông Ngọc cho rằng, trường nào có đủ điều kiện về đào tạo tại chỗ thì hoàn toàn có thể tổ chức được.

Trong điều kiện sắp tới, nhà trường cũng đã lên các kịch bản khác nhau để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ kép đó là chuẩn bị các cuộc thi, sơ kết tổng kết tổ chức mọi hoạt động… trong điều kiện an toàn dịch bệnh và khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ông Ngọc cho rằng, nếu trong tháng 8 và 9 tới đây, các cơ sở GDNN không đạt được mục tiêu tuyển sinh là thất bại. “Giải pháp là phải tiếp cận chuyển đổi số. Bởi sẽ rất khó tuyển sinh trực tiếp. Đề nghị Tổng cục GDNN hỗ trợ các trường tăng cường kết nối với thí sinh, gia đình” - ông Ngọc đề xuất.

Kỳ vọng lớn nhưng mục tiêu chưa đạt được

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho rằng, trong thời gian nghỉ vì dịch bệnh Covid-19, các cơ sở GDNN cần dành thời gian nghiên cứu, tập trung tháo gỡ vướng mắc.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định đến thời điểm này, kỳ vọng lớn nhưng mục tiêu chưa đạt được. Từ những bất cập cũng đã được nhìn nhận như mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp có tính bền vững chưa cao. Cần tăng cường liên hệ với các trung tâm giới thiệu việc làm là giải pháp cần gắn kết hơn nữa, đặc biệt ở các địa phương.

Nguồn lực đầu tư cho GDNN tuy tăng dần qua các năm nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. “Trong thời gian tới, cần tập trung nỗ lực tối đa để hoàn thành mục tiêu đặt ra, kiên định kiên trì mặc dù khó khăn. Bên cạnh tháo gỡ vướng mắc từ thể chế trong việc tuyển sinh, đào tạo online... các hoạt động, sự kiện của GDNN cần nghiên cứu tiếp tục triển khai để phù hợp với tinh thần phòng chống dịch. Đồng thời tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế trong GDNN, cần tiếp cận và phát huy tối đa” – Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chỉ đạo.

Ông Trương Anh Dũng cho biết, việc hoàn thiện thể chế trong đào tạo trực tuyến đang được Tổng cục xem xét. Đặc thù của GDNN là bên cạnh đào tạo lý thuyết, thực hành chiếm một khối lượng lớn nên cần nghiên cứu kỹ.

Ông Dũng cũng cho rằng, việc kiểm soát chất lượng đào tạo thế nào, làm sao để xóa nhòa ranh giới giữa trực tiếp và trực tuyến cũng sẽ được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và đưa vào chính sách.

“Chính sách sẽ phải đi trước một bước. Tuy nhiên, với các trường có năng lực, điều kiện, các trường xin thí điểm thì chúng tôi sẵn sàng đề xuất với Bộ để cùng làm và rút kinh nghiệm” - ông Trương Anh Dũng khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Con trai Ronaldinho lọt tầm ngắm của MU.

Man United hỏi mua con trai Ronaldinho

GD&TĐ - Theo Mundo Deportivo, Man United có ý định hỏi mua Joao Mendes, khi Jim Ratcliffe rất ngưỡng mộ tài năng của sao trẻ người Brazil.