Hướng đào tạo mới trong giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Lần đầu tiên, cuộc thi về “Thiết kế dạy học trực tuyến” trong ngành giáo dục nghề nghiệp đã được tổ chức nhằm thúc đẩy đổi mới phương pháp giảng dạy và ứng phó hiệu quả với dịch bệnh Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng và Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng thực hiện nghi thức phát động cuộc thi
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng và Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng thực hiện nghi thức phát động cuộc thi

Đây là một nội dung trong hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành giáo dục nghề nghiệp.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của hơn 500 đại biểu tại các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề trên toàn quốc, cùng đại diện các ban ngành liên quan.

 Thiết kế dạy học trực tuyến

Cuộc thi nhằm thúc đẩy phong trào đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi từ hình thức dạy học truyền thống sang giảng dạy thông qua nền tảng công nghệ số hóa.

Áp dụng hình thức dạy học từ xa, trực tuyến theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học đáp ứng xu thế công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.

Đặc biệt, đây được xem là giải pháp hiệu quả trong việc bảo đảm công tác đào tạo tại cơ sở trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Hợp tác phát triển kỹ năng

Một sự kiện đáng chú ý khác tại hội nghị là lễ ký kết hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với và Grab Việt Nam trong việc triển khai chương trình hợp tác, hỗ trợ phát triển, nâng tầm kỹ năng cho đối tác tài xế.

Hai bên đặt mục tiêu trang bị đầy đủ kỹ năng và năng lực cần thiết cho đối tác tài xế sử dụng nền tảng đặt xe như Grab thông qua các chương trình đánh giá và đào tạo, nâng cao kỹ năng. Phối hợp xây dựng, chuẩn hóa tài liệu tập huấn, và tiến hành thực hiện các công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển kỹ năng cho cộng đồng đối tác tài xế.

Lễ ký kết hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với và Grab Việt Nam được tổ chức trực tuyến
 Lễ ký kết hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp với và Grab Việt Nam được tổ chức trực tuyến

Tiến sĩ Trương Anh Dũng- Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: "Đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, và các tài xế công nghệ cũng không tránh được những ảnh hưởng này. Hợp tác này góp phần giải quyết bài toán lâu dài cho các tài xế công nghệ, giúp họ trang bị các kỹ năng cần thiết để duy trì, cải thiện sinh kế, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình; sự kiện này góp thêm một hoạt động thiết thực nữa thể hiện sự đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ”.

Nhiều ngành nghề tuyển sinh tốt

Về các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã kịp thời chỉ đạo các địa phương, cơ sở đào tạo trên cả nước quán triệt và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đến học sinh, sinh viên, cán bộ, nhà giáo và người lao động.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP  về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngành đã kịp thời, chủ động tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động và chính sách hỗ trợđào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gặp khó khăn, để họ duy trì được việc làm.

Các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh. Một số ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt như: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Du lịch...

Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó tiếp cận với các trường THCS, THPT, công tác tư vấn hướng nghiệp trực tuyến chưa thu hút được nhiều người tham gia... bên cạnh đó, năm 2021 là năm đầu tiên của giai đoạn 2021-2025, nhiều địa phương còn chưa phê duyệt kế hoạch thực hiện.

Vì vậy, kết quả tuyển sinh còn hạn chế, trong 6 tháng đầu năm tuyển sinh mới chỉ đạt 645 nghìn người, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2020.

Hội nghị đã đi thẳng vào những vấn đề được và chưa được để đưa ra những giải pháp, đánh giá, nhận diện những khó khăn của giáo dục nghề nghiệp đang phải đối mặt.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho rằng, trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại, ngành đã phát huy tinh thần tự lực- tự cường nhằm tạo khí thế mới trong thi đua thực hiện Nghị quyết 13 của Đảng. Những kết quả bước đầu đã tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu lao động sản xuất thích ứng với CMCN 4.0.

Quá trình công tác cũng cho thấy nhiều bất cập trong định hướng và phân luồng học sinh còn chưa đạt được. Hợp tác cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp chưa bền vững. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và địa phương cần nghiên cứu, tranh thủ thời cơ thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra.

“Trong tình hình dịch bệnh, công tác tuyển sinh rất khó khăn, không trực tiếp được, cần tập trung xây dựng thể chế để tháo gỡ khó khăn. Tiếp tục tích cực triển khai các chương trình, sự kiện thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp,…”- Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ