(GD&TĐ) - Mới đây vụ việc học sinh (HS) một trường THCS ở TP. Bạc Liêu sử dụng thuốc ho có chất gây nghiện nhằm mục đích gây phê và ảo giác làm dấy lên dư luận ở ĐBSCL. Sự việc như hồi chuông cảnh báo, đã đến lúc nhà trường, chính quyền địa phương và phụ huynh cần quan tâm hơn đến vấn đề an ninh trường học cũng như tình trạng chất kích thích, chất gây nghiện có dấu hiệu len lỏi vào môi trường học đường...
Khi học trò thích tìm cảm giác lạ
Vụ việc được phát giác tại Trường THCS Trần Huỳnh, phường 3, TP Bạc Liêu vào cuối tháng 3/2013. Nhà trường cho biết, thầy cô đã phát hiện HS sử dụng thuốc ho hiệu Recotus có hoạt chất gây nghiện. Sau khi phát giác, nhà trường mời HS này và phụ huynh cùng ngành chức năng vào cuộc để làm rõ vụ việc. Qua điều tra đã làm rõ, các HS sử dụng thuốc ho để tạo ảo giác hưng phấn… HS sử dụng loại thuốc ho này khi nghe bạn bè rủ dùng thử, và cái tên được truyền tai trong HS là thuốc ho cẩm thạch (vì thuốc Recotus có màu xanh như cẩm thạch).
Từ vụ việc này nhà trường, phụ huynh mới giật mình vì trước đây đã có nhiều trường hợp HS ở TPHCM, Bình Thuận cũng sử dụng thuốc ho nhãn hiệu Recotus để gây phê, ảo giác… Hậu quả là đã có hàng chục em HS phải nhập viện vì lạm dụng loại thuốc này để tìm cảm giác lạ.
Trường THCS Trần Huỳnh, phường 3, TP. Bạc Liêu, nơi xảy ra vụ việc HS sử dụng thuốc ho gây nghiện |
Đặc biệt theo thông tin đi kèm từ loại thuốc ho Recotus, thuốc có chứa 30 gr Dextromethorphan - một hoạt chất gây nghiện, ảnh hưởng lớn tới hệ thần kinh và sức khỏe con người nếu sử dụng quá liều. Thuốc này chỉ được bán khi có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt chất Dextromethorphan HBr 30mg, dẫn xuất của Morphin, có tác dụng chống ho bằng cách ức chế trung tâm ho ở hành tủy. Theo đó Dextromethorphan tuy ít gây nghiện hơn heroin, morphin, ma túy tổng hợp (thuốc lắc) nhưng lạm dụng có thể gây hậu quả lâu dài dẫn đến lệ thuộc vào thuốc. Kế tiếp Diprophyllin HCl có tác dụng trực tiếp lên tim, huyết áp nên dùng quá liều sẽ gây loạn nhịp tim, tăng huyết áp rất nguy hiểm… Do đó, dùng quá liều Recotus có thể gây ảo giác và đây chính là một trong các lý do các đối tượng sử dụng để gây “phê”…
Nhà sản xuất cũng cảnh báo thuốc có thể gây buồn ngủ, không được dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi, người bị bệnh gan, suy hô hấp, người có tiền sử mắc bệnh suyễn hay nhạy cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc. Dùng Recotus quá liều có thể bị ngộ độc với các triệu chứng buồn nôn, ngủ gật, rung giật nhãn cầu và giảm thị lực, lơ mơ, ảo giác, có thể dẫn đến suy hô hấp, co giật và thậm chí tử vong...
Cũng ở Bạc Liêu, trước đây vào năm học 2011-2012, tại Trường THPT Hiệp Thành, phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu cũng đã phát hiện một nhóm HS lén hút cần sa và nguyên nhân được xác định do phần tử xấu bên ngoài rủ rê, lôi kéo và dụ dỗ HS hút thử. Theo các cơ quan chức năng, vụ việc HS sử dụng chất gây nghiện, chất kích thích trong thời gian qua không loại trừ khả năng các phần tử xấu bên ngoài dụ dỗ các em HS sử dụng chất kích thích và gây nghiện.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Tuy loại thuốc ho Recotus quy định bán theo chỉ định của bác sĩ nhưng trước đây ngoài thị trường có thể dễ dàng mua với bất kỳ số lượng nào. Đến khi sự việc xảy ra, ngành Y tế Bạc Liêu đã vào cuộc và tình hình đã được chấn chỉnh, song song đó các biện pháp nghiệp vụ được ngành công an triển khai. Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay để mua loại thuốc ho nhãn hiệu Recotus ở Bạc Liêu không phải dễ và các nhà thuốc cũng thận trọng hơn khi bán loại thuốc này và cần phải có chỉ định của bác sĩ.
Ông Vũ Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Huỳnh cho biết, ngay sau khi sự việc HS sử dụng thuốc ho gây nghiện được phát giác, trường đã yêu cầu các em HS viết cam kết không sử dụng loại thuốc ho này. Song song đó trường quyết liệt thực hiện biện pháp tuyên truyền để toàn thể HS hiểu biết tác hại của các loại thuốc có chứa chất gây nghiện hoặc thuốc kích thích...
Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng HS sử dụng thuốc ho gây nghiện và các loại chất gây nghiện, ngày 2/5/2013, Sở GD&ĐT Bạc Liêu đã ra công văn tuyên truyền, nhắc nhở HS cảnh giác với thuốc ho gây nghiện và gây ảo giác. Công văn yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thường xuyên liên hệ với công an địa phương nhằm làm tốt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy và các tệ nạn khác xâm nhập học đường. Ngoài ra các phòng GD&ĐT huyện, thành phố đã chỉ đạo các trường trực thuộc thực hiện… Ông Trác Văn Đây, Phó GĐ Sở GD&ĐT Bạc Liêu cho biết, Sở GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo các Phòng GD và các trường cũng như thầy cô giáo, đặc biệt trong giờ sinh hoạt dưới cờ và các hoạt động khác cần hướng dẫn HS hiểu biết tác hại của loại thuốc ho gây ảo giác và gây phê để phòng tránh kịp thời…
“Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”, đã đến lúc cần chấn chỉnh ngay tình hình an ninh trường học và làm sao để HS các cấp hiểu biết và phòng tránh trong khi chất gây nghiện, chất kích thích đang có dấu hiệu tiêm nhiễm vào môi trường học đường.
Nguyễn Quốc Ngữ