Trường tiểu học Văn Tố (huyện Tứ Kì, tỉnh Hải Dương) là ngôi trường thứ 2 trong 4 trường được dự án “Bé làm khoa học”, tên tiếng Anh là Empower Junior Scientist, năm thứ 2 tổ chức ghé thăm.
250 em học sinh các lớp khối 4, 5 được chia thành 10 nhóm, mỗi nhóm có 20 em cùng 1 giảng viên đến từ dự án,1 trưởng nhóm và 1 trợ giảng của EJS. Các nhóm luân phiên tham gia các tiết học Khoa học.
Hoạt động 1 có chủ đề "Ô tô bóng bay". Các em học sinh sử dụng những nguyên liệu đơn giản như bìa, ống hút, que tre,… để làm chiếc ô tô bóng bay, chạy bằng sức của không khí thay vì chất đốt, nhiên liệu. Qua hoạt động này, các em tìm hiểu về sự chuyển hoá các dạng năng lượng trong đời sống, tìm tòi cách thay thế năng lượng đối với một số loại máy móc cụ thể.
Hoạt động 2 có chủ đề Nhà làm phim thông thái. Các em quan sát hoạt động của "vòng xoay kỳ diệu". Sau đó, các em tự sáng tạo, tập làm phim hoạt hình cùng với "con quay kỳ diệu" của riêng mình. Qua hoạt động này, các em được tìm hiểu về phim hoạt hình với nguyên lý về sự lưu ảnh ở mắt
Hoạt động 3 có chủ đề: Máy cơ đơn giản. Các em ứng dụng nguyên lý đòn bẩy để làm chiếc máy bắn giấy từ que kem và dây chun.
Qua đây, các em tìm hiểu về nguyên lý của hai trong số các loại máy cơ đơn giản: đòn bẩy và ròng rọc; những ứng dụng của hai nguyên lý này trong đời sống.
Hoạt động 4 có tên: Bảy nổi ba chìm. Các em học sinh ứng dụng nguyên lý về tỷ khối để làm thí nghiệm đèn lava, thí nghiệm chiếc cốc cầu vồng và làm mô hình tàu ngầm từ vỏ chai nhựa. Mục đích của hoạt động này nhằm tìm hiểu về sự chênh lệch tỷ khối giữa các vật khiến cho vật chìm, nổi khác nhau trong chất lỏng
Hoạt động 5 có tên gọi: Giọt nước trong. Các học sinh thí nghiệm làm máy lọc nước đơn giản từ nguyên liệu dễ kiếm như: chai nhựa, than, sỏi, cát, giấy lọc. Qua đó, các em có thể tìm hiểu về nguyên lý lọc nước của chiếc máy lọc nước trong đời sống, giúp các em hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nước.
Về ý nghĩa của các hoạt động khoa học đối với các em học sinh, bạn Trần Thủy Tiên- tình nguyện viên của chương trình Bé làm khoa học chia sẻ: Bọn em từng trải qua những tiết học khoa học khi còn là học sinh, sinh viên. Vào mỗi tiết thực hành, được làm thí nghiệm hay được đi dã ngoại, ghi chép, trải nghiệm thì tất cả đều rất hào hứng.
Em còn nhớ những buổi quan sát tế bào quả cà chua, cả lớp xếp hàng dài đợi đến lượt nhìn vô cái kính hiển vi hiếm hoi của trường; những buổi thực hành mô giun đất, cặm cụi ghim cố định con giun trên tấm xốp, run run dùng dao mổ vạch 1 đường thật ngọt...
Thực tế, những tiết học thực hành như vậy ở Việt Nam chưa nhiều. Đặc biệt với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, cơ hội tiếp cận với khoa học thực tế là rất thấp.
Dự án “Bé làm khoa học” được thành lập dựa trên bối cảnh như vậy, với mục đích xây dựng và thực hiện những hoạt động khoa học có tính tương tác, sáng tạo và gần gũi hơn đối với các em học sinh.
Mong muốn lớn nhất của dự án là nâng cao hiểu biết của các em học sinh về thế giới xung quanh, từ đó đánh thức niềm đam mê khoa học, phát huy tài năng và áp dụng được các kiến thức vào đời sống thường nhật.
"Dự án hiện đang mong chờ sự chung tay giúp sức từ các nhà hảo tâm. Mọi thông tin vui lòng tham khảo: http://tinyurl.com/p8g5aoy hoặc liên hệ Ban Truyền thông đối ngoại: 01655080888"