Học sinh “đưa” thực phẩm sạch ra thị trường

GD&TĐ - Dự án “Chuỗi cung ứng và sơ chế thực phẩm sạch” của nhóm học sinh (HS) Trường THPT số 1 Lào Cai vừa đoạt giải Ba tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp quốc gia”.

HS tham gia dự án “Chuỗi cung ứng và sơ chế thực phẩm sạch” sẽ được học hỏi nhiều kĩ năng sống bên cạnh kiến thức. Ảnh: NTCC
HS tham gia dự án “Chuỗi cung ứng và sơ chế thực phẩm sạch” sẽ được học hỏi nhiều kĩ năng sống bên cạnh kiến thức. Ảnh: NTCC

Hướng dẫn nhóm là cô giáo Hoàng Thị Thanh Huyền.

Kết nối nhà trường – gia đình – xã hội

Ý tưởng của dự án bắt đầu từ thực tế dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa khiến việc cung cấp thực phẩm của không ít phụ huynh HS gặp khó khăn, sản phẩm làm ra không có đầu ra tiêu thụ. Mặt khác, nhiều vườn rau sạch của HS các nhà trường tại Lào Cai tự tay vun trồng nhưng không dùng hết, đổ bỏ hoặc bán ra thị trường với giá rẻ gây lãng phí và thiệt hại. Tất cả yếu tố đó ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế, thu nhập gia đình, nhà trường và HS.

Vì vậy, khi triển khai mô hình “Chuỗi cung ứng và sơ chế thực phẩm sạch” sẽ giải quyết hiệu quả việc tiêu thụ thực phẩm sạch trong gia đình HS, một số nhà trường tự sản xuất nuôi trồng. Đặc biệt, nguồn lợi nhuận thu được các nhà trường sẽ có thêm điều kiện để tăng cường thêm bữa ăn cho HS bán trú; HS có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội đến trường và một số hoạt động thiện nguyện xã hội khác - cô Hoàng Thị Thanh Huyền, người hướng dẫn triển khai mô hình cho biết.

Đến nay dự án đã triển khai hơn 6 tháng, mặt hàng kinh doanh là thực phẩm sạch (rau, củ quả, thịt lợn, cá tầm, cá hồi…) được nuôi trồng theo quy trình VietGap nhập từ 64 phụ huynh HS nhà trường cam kết cung cấp và một số trường PTDTNT tại các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Bát Xát.

Cũng từ các sản phẩm sạch, nhóm triển khai dự án còn tạo ra liên kết thành phần chuỗi gồm sơ chế đồ tươi sống, đóng gói từng hộp hút chân không (nguyên liệu, gia vị, các bước chế biến) và phục vụ theo nhu cầu của từng nhóm khách hàng. Với một số sản phẩm tươi sống tồn sau mỗi ngày sẽ được nhóm chế biến cơm buffet cung cấp cho người tiêu dùng, có giá thành phải chăng.

Hiện, chuỗi cung ứng và sơ chế thực phẩm sạch của nhóm HS Trường THPT số 1 Lào Cai được khách hàng ghi nhận về sự đa dạng sản phẩm, phong phú về hình thức và sản phẩm, đồng thời mang đến tiện ích cho người nội trợ bởi các quầy thực phẩm đều đi kèm tư vấn dinh dưỡng của bác sĩ.

Mặt khác, trên thị trường Lào Cai chưa có mô hình kinh doanh tương tự, nên việc cung ứng thực phẩm sạch ra thị trường đã thu hút được sự quan tâm với lượng khách hàng ổn định (GV, PHHS, công chức…) có nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch. 

Một cách hướng nghiệp cho HS từ trong trường phổ thông. Ảnh: NTCC
Một cách hướng nghiệp cho HS từ trong trường phổ thông. Ảnh: NTCC 

Đằng sau giá trị thương mại

Có thể thấy, bên cạnh yếu tố lợi nhuận, dự án “Chuỗi cung ứng và sơ chế thực phẩm sạch” được đánh giá cao bởi hướng đến những giá trị nhân văn như tạo công ăn việc làm cho phụ huynh, HS có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu thụ giúp các nhà trường trong địa bàn tỉnh sản phẩm tự nuôi trồng; tạo ra nguồn kinh phí nhất định để nhà trường hỗ trợ bữa ăn bán trú của HS. Đặc biệt, một phần lợi nhuận từ dự án sẽ được nhà trường phục vụ cho hoạt động thiện nguyện xã hội khác khi cần.

Tuy nhiên mục tiêu trọng tâm mà dự án đặt ra được cô Hoàng Thị Thanh Huyền nhấn mạnh: Giúp HS có cơ hội trải nghiệm và tiếp cận thực tế. Các em được học tập và rèn luyện nhiều kĩ năng sống, hun đúc ý tưởng khởi nghiệp và hình thành phẩm chất năng lực cá nhân toàn diện...

Em Hoàng Hương Ly – HS lớp 10D4, một trong những thành viên dự án hào hứng chia sẻ: Từ lâu em đã quan tâm và có sở thích khởi nghiệp ở một lĩnh vực nào đó, bởi vậy tham gia dự án là cơ hội để học hỏi nhiều kinh nghiệm, kĩ năng mà trên sách vở hoặc tại gia đình không có. Từ những tích lũy quý giá đó HS có thể ứng dụng vào công việc, cuộc sống hiện tại và sau này. Mặc dù thời gian chính của chúng em phải dành cho học tập, song vẫn có thể bố trí để tham gia dự án vào cuối giờ học hoặc các ngày nghỉ. Em nghĩ đây là tiết học trải nghiệm thực tế bổ ích và cần thiết với HS.

Cô Phạm Thị Tuyết Thanh – Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Lào Cai cho biết: Trong định hướng công tác khởi nghiệp cho HS nhà trường đã có 2 dự án khởi nghiệp khá thành công mang tên “LC1. Da - Tóc - Nail” đoạt giải Ba cấp tỉnh cuộc thi “Startup – Ideas” năm 2018; và “LC1 pha chế Bartender” đoạt giải Ba và Bằng khen của BCH Đoàn TNCS HCM tỉnh Lào Cai năm 2019. “Chuỗi cung ứng và sơ chế thực phẩm sạch” là dự án khởi nghiệp thứ 3 được triển khai với sự tham gia trực tiếp của HS, hướng dẫn của GV đã đoạt giải Ba toàn quốc.

Theo cô Phạm Thị Tuyết Thanh: “Để kinh doanh ở quy mô lớn, thu lợi nhuận, GV và HS cần có thêm thời gian nhưng bước đầu triển khai dự án đã thu hút đông đảo sự quan tâm của HS, phụ huynh. Nhiều phụ huynh khi tìm hiểu dự án mong muốn con tham gia để được học hỏi kiến thức, kĩ năng trên nhiều lĩnh vực…

Nhiều HS học chưa giỏi nhưng tham gia vào dự án khởi nghiệp “Chuỗi cung ứng và sơ chế thực phẩm sạch” đã phát huy được ưu điểm, tư duy nhạy bén với công việc kinh doanh. Như vậy, dự án không chỉ mở ra nhiều hướng đi mới trong khởi nghiệp cho HS mà còn trở thành “sân chơi” hiệu quả, giúp HS phát triển đầy đủ năng lực, phẩm chất mà đổi mới giáo dục đã đặt ra. - Cô Phạm Thị Tuyết Thanh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ