Học sinh biết chào hỏi, lễ phép - nền tảng của nhân cách tốt đẹp

GD&TĐ - Từ xa xưa, cổ nhân đã dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn” để nhấn mạnh việc học sinh khi bước chân vào trường, phải biết học về lễ nghĩa, đạo đức rồi mới học tri thức. 

Học sinh biết chào hỏi, lễ phép - nền tảng của nhân cách tốt đẹp

Từ xưa đến nay, ý nghĩa của lời dạy trên vẫn còn nguyên giá trị và trở nên cần thiết đối với học sinh ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc chào hỏi, lễ nghĩa ở một số bộ phận học sinh các nhà trường đã bị buông lỏng khiến cho nhiều học sinh đã ít nhiều thờ ơ, không quan tâm đến việc chào hỏi người lớn tuổi, chào hỏi thầy cô mỗi khi gặp ở trường hay bên ngoài nhà trường.

1. Có một thực tế trong những năm gần đây, nhiều nhà trường ở các cấp học đã thực sự coi trọng việc giáo dục đạo đức, nhân cách của học sinh, coi đây là yếu tố quan trọng trong giáo dục học sinh. Từ những việc nhỏ như lời chào hỏi, cách đi đứng, ăn mặc, nói năng lễ phép sẽ góp phần hình thành và rèn cho cá nhân mỗi học sinh một nhân cách tốt, sự thanh lịch trong một trường học thân thiện.

Tuy nhiên, khi xã hội càng phát triển thì ở đâu đó, có nhà trường đã khá buông lỏng việc dạy lễ nghĩa cho học sinh. Có khá nhiều yếu tố được các nhà trường coi lỏng như chuyện ăn mặc của học sinh khi đến trường. Ngoài những buổi quy định mặc đồng phục thì học sinh được tự do, tùy tiện ăn mặc những kiểu quần áo không đúng tác phong của học sinh.

Rồi một quy định đạo đức bắt buộc đối với học sinh đó là phải biết chào hỏi người trên, chào một cách lễ phép với thầy cô kể cả ở trong trường hay ngoài trường đã không được chú trọng ở nhiều nhà trường.

Từ việc buông lỏng về lễ nghĩa chào hỏi của học sinh đã dẫn đến những thực tế đáng buồn ở nhiều nhà trường hiện nay như nhiều học sinh không thực hiện việc chào hỏi khi gặp người lớn tuổi, gặp thầy cô. Có nơi thì học sinh chỉ chào thầy cô dạy mình còn thầy cô không dạy thì coi như không quen biết dù có thể gặp nhiều lần ở hành lang hay sân trường.

Có học sinh khi gặp các thầy cô giáo ở trường khác về công tác tại trường mình cũng không chào hỏi vì trong suy nghĩ của các em, các thầy cô trường khác không hề dạy mình, hoàn toàn xa lạ nên không cần phải chào hỏi.

Mặc dù được nhắc nhở và đưa vào nội quy nhà trường về chào hỏi, lễ phép đối với học sinh nhưng không ít học sinh đã thực hiện quy định này một cách chiếu lệ, qua quýt.

Nhiều em coi việc chào hỏi thầy cô, người lớn tuổi như một nghĩa vụ phải thực hiện để được đánh giá tốt trong quá trình học tập chứ không coi đó là sự xuất phát từ tình cảm, tấm lòng, lễ nghĩa của mình với thầy cô. Vì thế, nhiều kiểu chào chỏng lỏn, không chủ ngữ vẫn thường diễn ra như cô ạ, thầy ạ…

Trong các hội nghị giao ban, hội nghị sơ kết, tổng kết năm học, nhiều Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm đến việc chào hỏi của học sinh, đặc biệt là học sinh các cấp THCS, THPT.

Các Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nếu nói rằng các nhà trường đã đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, nhân cách, rèn kỹ năng sống cho học sinh nhưng học sinh không biết chào hỏi một cách lễ phép khi gặp thầy cô và người lớn tuổi thì mọi nội dung giáo dục trên đều không mang lại hiệu quả đối với học sinh.

Việc chào hỏi, lễ phép của học sinh tuy là một việc nhỏ trong nhân cách, đạo đức của các em nhưng lại vô cùng quan trọng, nó vừa thể hiện nhân cách, đạo đức của học sinh là biết lễ phép với thầy cô và người lớn tuổi, vừa thể hiện sự “Tôn sư trọng đạo” của mỗi học sinh.

2. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chào hỏi của học sinh các nhà trường trong những năm gần đây bị coi nhẹ. Đầu tiên phải kể đến trách nhiệm của mỗi nhà trường, trong đó, vai trò của Ban giám hiệu, Đoàn Thanh niên, giáo viên chủ nhiệm chưa phát huy hiệu quả trong việc rèn luyện, giáo dục đạo đức, nhân cách của học sinh.

Nhiều nhà trường đã tổ chức nhiều chương trình, với những nội dung giáo dục phong phú nhưng lại gần như lãng quên những phẩm chất, kỹ năng quan trọng, thiết thân với mỗi học sinh, trong đó có dạy học sinh lễ nghĩa chào hỏi, cách chào hỏi thầy cô và người lớn tuổi.

Nếu các nhà trường không chú trọng, không nhắc nhở thường xuyên, không tác động vào nhận thức của học sinh thì ít nhiều các em sẽ vô tình không để ý.

Việc không biết chào hỏi cũng xuất phát từ chính bản thân học sinh. Có em sẽ nhận thức đơn giản là cần chào hỏi thầy cô dạy mình, còn thầy cô không dạy và người lạ thì không cần phải chào. Đồng thời, nhiều học sinh có tâm lý e ngại khi gặp thầy cô, ngại giao tiếp với thầy cô nên có hành động lẩn tránh hoặc cúi đầu đi qua coi như không gặp.

Bên cạnh đó, gia đình cũng là một yếu tố có sự tác động đến việc chào hỏi, thói quen chào hỏi của học sinh. Trên thực tế, nhiều gia đình đã có sự buông lỏng nề nếp chào hỏi của con em mình khi ở nhà, khi đi học, khi đi học về, khi ăn cơm…Vì vậy, có thể đến trường, nhiều em vẫn giữ thói quen xấu đó mặc dù đã được thầy cô nhiều lần nhắc nhở.

3. Giáo dục sự lễ phép của học sinh thông qua việc chào hỏi thầy cô, người lớn tuổi là một công việc quan trọng trong sự hình thành và rèn luyện nhân cách của học sinh. Vì vậy, trong công tác giáo dục đạo đức, mỗi nhà trường ở các cấp học cần đặc biệt chú trọng đến công việc này.

Để mỗi học sinh thực sự là những học sinh ngoan, lễ phép với cha mẹ, thầy cô và người lớn tuổi, các nhà trường cần đưa yếu tố này vào tiêu chí đầu tiên mang tính quy định trong rèn luyện đạo đức của học sinh, trong nội quy nhà trường. Vào đầu mỗi năm học, các nhà trường cần tổ chức cho học sinh học tập nội quy nhà trường một cách đầy đủ.

Cần có kế hoạch cụ thể để dạy học sinh kỹ năng chào hỏi thầy cô và người lớn tuổi thông qua các hoạt động ngoại khóa chuyên đề, sân khấu hóa với các tiểu phẩm để các em nhận thức được sự cần thiết của chào hỏi, cách thức chào hỏi, cách thể hiện sự lễ phép của học sinh đối với thầy cô và người lớn tuổi.

Lời chào, sự lẽ phép của học sinh đối với thầy cô, người lớn tuổi là một phẩm chất, một kỹ năng không thể thiếu đối với học sinh ở tất cả các cấp học. Đó là yếu tố đặc biệt quan trọng trong nhân cách học sinh và có ảnh hưởng lớn đế kỹ năng giao tiếp công việc, hoạt động xã hội của học sinh trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.