Dạy trẻ chào hỏi lễ phép
Trẻ có thể học cách chào hỏi từ rất sớm, thậm chí ngay khi mới biết nói. Vào lúc này, phụ huynh đã có thể dạy trẻ cách nói “xin chào” khi gặp mặt hoặc “tạm biệt” khi chia tay.
Dạy trẻ lễ phép, bắt đầu ngay từ những việc này
Khi trẻ đã lớn hơn, khoảng 3 – 4 tuổi trở lên, phụ huynh nên bắt đầu dạy trẻ chi tiết hơn về cách chào hỏi. Ví dụ như khi chào nên nhìn thẳng vào mặt người mà mình chào, nếu chào người lớn, nên khoanh tay. Thay vì chỉ nói xin chào, nên chào đầy đủ cả tên, địa vị của người mình gặp, như “cháu chào chú A”, hoặc “con chào ông B”…
Dạy trẻ biết nói lời cảm ơn, xin lỗi
Đừng nghĩ rằng trẻ còn nhỏ tuổi mà bỏ qua việc dạy dỗ trẻ những phép tắc này, vì một khi cách cư xử không tốt của trẻ trở thành thói quen bạn sẽ rất khó khăn trong việc uốn nắn trẻ.
Những cách nói kiểu như “Làm ơn”, “Vui lòng”, “Cảm ơn”, “Xin lỗi”, “Con có thể…”, “xin mời”, “vâng”, “dạ”… là những từ ngữ rất quan trọng trong giao tiếp.
Để trẻ hiểu được như vậy, trước hết, chính phụ huynh phải là tấm gương sử dụng đúng lúc, đúng chỗ những từ ngữ này trong cuộc sống hằng ngày. Giải thích cho trẻ hiểu ý nghĩa của từng từ và cách dùng chúng trong từng hoàn cảnh. Nhắc nhở kịp thời nếu trẻ quên hay sử dụng sai.
Dạy trẻ biết tôn trọng người khác
Đây chính là yếu tố rất quan trọng trong việc giáo dục trẻ. Hãy dạy bắt đầu bằng bài học tôn trọng người lớn xung quanh trẻ, bạn bè và cả chính bản thân trẻ.
Phụ huynh nên tôn trọng trẻ, trẻ sẽ biết rằng cảm giác được tôn trọng như thế nào và bắt đầu hiểu tầm quan trọng của việc tôn trọng người khác.
Theo cách dạy trẻ cách ứng xử lễ phép với người lớn, với những hành động biểu lộ tính cách của trẻ, nếu cha mẹ thấy có sự chưa lễ phép hãy nói nhẹ nhàng và giải thích cho con hiểu và có biện pháp chấn chỉnh ngay những hành động không đúng mực của trẻ.
Dạy trẻ nói những từ chuẩn mực
Hãy dạy con lễ phép với ông bà như thế nào, lễ phép với anh chị như thế nào,… Việc làm này cần thực hiện hàng ngày, trong mọi tình huống và hãy thường xuyên nhắc nhở khi trẻ không thực hiện.
Luôn nhắc con nói đủ câu, đủ chủ ngữ vị ngữ, nói với người lớn nên có chữ “ạ” đứng sau. Việc thực hành khá dễ dàng khi trong gia đình chúng ta có quá nhiều tình huống giao tiếp giúp bé học lễ phép.
Trong bữa ăn, những câu nói hàng ngày, khi người lớn đi làm về, khi cho con đi chơi, khi con đi chơi về….Tất cả những tình huống đó đều có thể dạy trẻ tính lễ phép một cách rõ ràng nhất.
Làm gương cho trẻ
Muốn trẻ có thái độ lễ phép trước hết cha mẹ cần làm gương cho con. Trẻ quan sát và học hỏi từ cha mẹ rất nhiều thứ, vì thế phụ huynh cần nghiêm túc làm hình mẫu để trẻ noi theo.
Nhiều khi cha mẹ không để ý đến việc mình làm, mà vô tình đã làm trẻ học theo thói quen xấu. Con trẻ rất nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương, vì thế cha mẹ hãy luôn cư xử đúng mực với nhau trước mặt chúng. Nên nhớ là phụ huynh phải thực sự kiên trì và luôn là hình ảnh mẫu mực để trẻ noi theo.
Luôn nói chuyện hoặc tỏ thái độ nghiêm khắc hoặc yêu quý một cách dứt khoát để con nhận biết được những việc gì nên và không nên.
Hãy luôn là những cha mẹ thông thái và kiên trì dạy con thói quen lễ phép một cách lâu dài. Bởi đây không chỉ là thói quen tốt mà còn là những chuẩn mực xã hội bắt buộc người lớn cần rèn luyện cùng với con trẻ một cách nghiêm túc.