Hoạt động này nhằm phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi của HS trong các mối quan hệ với bản thân, xã hội, môi trường tự nhiên và nghề nghiệp; được triển khai qua bốn mạch nội dung hoạt động chính: Hoạt động hướng vào bản thân, xã hội, tự nhiên và hướng nghiệp.
Triển khai Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, sở GD&ĐT đã cụ thể hóa hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để chỉ đạo cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện. Từ kinh nghiệm tổ chức hoạt động ngoại khóa những năm học trước, các trường đã chủ động, linh hoạt tổ chức Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp phù hợp với chương trình và điều kiện cụ thể.
Tuy nhiên, là hoạt động giáo dục mới, nên dù được giao chủ động lựa chọn hình thức tổ chức nhưng không ít trường còn lúng túng, khó khăn, vướng mắc khi triển khai.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có 105 tiết/lớp/năm học được tổ chức qua buổi Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ. Nhưng hiện nay, không ít trường tổ chức Sinh hoạt dưới cờ chung cho các lớp trong cùng buổi và bố trí thời lượng cố định cho hoạt động Sinh hoạt lớp.
Do đó, thời lượng dành cho hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo chủ đề không nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động; gây khó khăn, lúng túng trong phân công và tính trách nhiệm cho GV phụ trách. Một số cán bộ quản lý, GV nhận thức chưa thật đúng về tầm quan trọng của hoạt động này, dẫn đến tổ chức còn mang tính hình thức, qua loa. Rào cản khác được nhiều trường chia sẻ là không có GV chuyên trách; nhiều thầy cô bỡ ngỡ trong xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức hoạt động...
Trong những khó khăn trên, vấn đề đáng lưu ý liên quan đến phân công GV phụ trách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Trên thực tế, có trường giao luôn cho GV chủ nhiệm đảm nhiệm tiết Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp rồi trừ 2 trong tổng số 4 tiết kiêm nhiệm của GV chủ nhiệm.
Điều này là chưa đúng. Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, GV được phân công đảm nhận nội dung hoạt động nào phải có năng lực chuyên môn phù hợp. GV được phân công đảm nhận các nội dung hoạt động của chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thực hiện đúng yêu cầu; phân định rõ nhiệm vụ thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với nhiệm vụ của GV làm chủ nhiệm lớp theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, cũng có cơ sở giáo dục hiểu chưa đúng khi phân “cứng” 3 tiết Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp một tuần; trong đó buộc phải có 1 tiết Sinh hoạt dưới cờ, 1 tiết Sinh hoạt lớp và 1 tiết Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề.
Về dạy học các môn học, hoạt động giáo dục, Bộ GD&ĐT đã có lưu ý “bố trí thời gian dạy học linh hoạt phù hợp với điều kiện GV và cơ sở vật chất của nhà trường, không bắt buộc phải bố trí số tiết dạy học của môn học đều ở các tuần”. Nhà trường cần phân công GV làm sao tổ chức thuận lợi nhất cho HS. Nếu Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp mà HS ngồi trong lớp, GV thuyết giảng không khác gì các môn học bình thường sẽ thiệt thòi cho trò và không đúng với tinh thần của hoạt động này.
Tổ chức tốt Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trước hết cần hiểu đúng để có thể triển khai đúng, hiệu quả. Bên cạnh trách nhiệm của từng GV, cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý có thể hỗ trợ thầy cô, nhà trường thông qua lập kênh trao đổi thường xuyên, kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức. Các sở GD&ĐT cũng cần thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra việc tổ chức dạy học của đơn vị, trong đó có dạy học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (kiểm tra đầu năm học, kiểm tra thường xuyên). Qua kiểm tra, kịp thời nắm bắt khó khăn, hạn chế, vướng mắc để thảo luận giải pháp khắc phục.