Hoạt động trải nghiệm:

Tăng hoạt động trải nghiệm để giảm áp lực

GD&TĐ - Với học sinh cuối cấp, nhiều trường đặc biệt chú trọng đến việc giảm áp lực học tập qua hoạt động trải nghiệm.

Buổi học của học sinh lớp 12 Trường THPT Văn Giang (Hưng Yên). Ảnh: NT
Buổi học của học sinh lớp 12 Trường THPT Văn Giang (Hưng Yên). Ảnh: NT

Lắng nghe nguyện vọng

Chuẩn bị cho năm cuối cấp, Nguyễn Lan Anh, học sinh lớp 9 Trường THCS Phúc Đồng (quận Long Biên, TP Hà Nội) dành toàn bộ thời gian nghỉ hè đi học thêm. Ngay khi bước vào năm học mới, nữ sinh đã xây dựng kế hoạch học tập để phấn đấu đậu vào Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.

Lan Anh chia sẻ: “THPT Nguyễn Gia Thiều là trường điểm ở quận Long Biên. Em tham khảo điểm chuẩn mấy năm nay khá cao, nếu không có kế hoạch học tập cụ thể thì cơ hội vào trường sẽ hẹp; chưa kể để dành một suất vào lớp 10 công lập ở Hà Nội nhiều người ví khó hơn thi đại học nên em áp lực vô cùng”.

Cũng giống như Lan Anh, Ngô Thanh Hà, học sinh lớp 9 Trường THCS Quang Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) đặt mục tiêu thi đậu vào Trường THPT Nghèn. Vì vậy, ngoài thời gian học ở trường, Hà xin bố mẹ đi học thêm ở ngoài với mong muốn chạm vào cánh cửa trường THPT công lập.

Thấu hiểu lo lắng và áp lực của học trò cuối cấp, ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu, các tổ chuyên môn Trường THCS Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) đã sắp xếp thời khóa biểu sao cho hợp lý; xây dựng kế hoạch dạy học đảm bảo trọng tâm kiến thức; hàng tháng có kiểm tra, rà soát kiến thức của học sinh và có thông báo kết quả đến phụ huynh.

Theo cô Hoàng Thị Vân Anh, Hiệu trưởng nhà trường, sau mỗi đợt kiểm tra, đánh giá, thầy cô sẽ phân loại năng lực học sinh. Đối với những em có kết quả chưa tốt, nhà trường tổ chức dạy phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức. Bên cạnh đó, nhà trường cũng hướng dẫn, hỗ trợ học sinh xây dựng kế hoạch, mục tiêu học tập từ đầu năm học; xác định điểm mạnh, điểm yếu để có thời gian biểu hợp lý.

“Năm học cuối cấp, các em cần kết hợp học tập, nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động ngoại khóa một cách khoa học. Đặc biệt, chúng tôi phân công những giáo viên có kinh nghiệm để giảng dạy và ôn luyện cho các em khối 9”, cô Vân Anh nhấn mạnh.

Không chỉ chú trọng vào giảng dạy, Trường THCS Nhật Tân còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm như: Tham quan, ngoại khóa, Festival tiếng Anh, câu lạc bộ em yêu khoa học, thi đấu thể dục thể thao để học sinh có môi trường sinh hoạt, giảm áp lực trong quá trình học tập cuối cấp qua đó lồng ghép các hoạt động hướng nghiệp, tăng trải nghiệm cho học sinh.

“Tổ tư vấn tâm lý của nhà trường luôn đồng hành và hỗ trợ tối đa cho học sinh khi gặp các vấn đề trong cuộc sống và học tập. Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức các chuyên đề và mời chuyên gia tư vấn tâm lý đến nói chuyện với học sinh về cách giảm áp lực, xây dựng lối sống lành mạnh…, suy nghĩ tích cực”, cô Vân Anh cho biết thêm.

Học sinh Trường THCS Nhật Tân (Hà Nội) tham gia hội nghị tư vấn chọn trường và hướng nghiệp cho lớp 9. Ảnh: NT

Học sinh Trường THCS Nhật Tân (Hà Nội) tham gia hội nghị tư vấn chọn trường và hướng nghiệp cho lớp 9. Ảnh: NT

Giải đáp mọi khúc mắc

Không chỉ học sinh lớp 9, trò lớp 12 hiện cũng đã bắt đầu “cuộc đua” cuối cấp. Phạm Hồng Khánh - học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm (Hà Nội) cho biết: “Để có một tấm vé vào trường đại học mình mong muốn, ngoài sử dụng điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ để xét tuyển, em còn tập trung luyện tiếng Anh để thi IELTS”.

Theo Khánh, khi sở hữu chứng chỉ IELTS, cơ hội vào các trường đại học tốp đầu cao hơn. Mặc dù ngay khi vào trường THPT, Khánh đã có kế hoạch và mục tiêu học tập cho bản thân. Nhờ đó, hai năm lớp 10 và 11, em đều đạt học sinh giỏi, “thế nhưng bước vào lớp 12 em vẫn rất lo lắng, áp lực”, Khánh nói.

Tại Trường THPT Văn Giang (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), ngay sau khi nghỉ hè, Ban giám hiệu đã phối hợp với tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch học tập cho học sinh cuối cấp. “Ngoài chú trọng giảng dạy kiến thức, trường còn lồng ghép thêm hoạt động hướng nghiệp, định hướng chọn trường, nghề cho học sinh. Chúng tôi nghiên cứu xu hướng nghề nghiệp, nhu cầu của xã hội hiện nay để từ đó có định hướng tư vấn cho các em”, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Ngân thông tin và chia sẻ:

Phụ huynh có xu hướng cho trò cuối cấp đi học thêm nhiều nơi để bổ sung kiến thức phục vụ cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học. Điều này khiến các em không có thời gian nghỉ ngơi, quá tải trong học tập ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, nhà trường phải làm công tác tư tưởng cho phụ huynh, để làm sao giúp học sinh cân bằng giữa thời gian học tập và nghỉ ngơi không bị áp lực nhưng không được lơ là.

Bên cạnh đó, ban giám hiệu cũng yêu cầu mỗi giáo viên, tổ chuyên môn phải đảm bảo được kiến thức cơ bản cho học sinh để tham gia các kỳ thi. Sắp xếp thời gian giữa các môn học làm sao học sinh ôn luyện cuối cấp nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe, nghỉ ngơi khoa học và được tham gia các hoạt động ngoại khóa, vui chơi.

Cùng với tổ chuyên môn, tổ tư vấn tâm lý, tư vấn nghề nghiệp cũng làm việc “hết công suất” để giải đáp những vấn đề tâm lý, hướng nghiệp mà học sinh thắc mắc. Các câu lạc bộ, hoạt động đoàn cũng xây dựng kế hoạch phù hợp từng đối tượng. Với học sinh cuối cấp chú trọng vào việc sinh hoạt chuyên đề, nhóm liên quan đến nghề nghiệp các em lựa chọn, tăng trao đổi để có thêm kiến thức, kỹ năng hay học hỏi phương pháp học hay, xây dựng tình bạn đẹp… “Chúng tôi khuyến khích mỗi giáo viên chủ nhiệm là một tư vấn viên. Giáo viên bô môn là chuyên gia về kỹ năng sống hỗ trợ cho học sinh”, cô Ngân cho biết thêm.

“Hằng năm, Trường THPT Văn Giang đều mời các chuyên gia, cựu học sinh đã thành công tham gia các hoạt động hướng nghiệp do trường tổ chức. Các chuyên gia, cựu học sinh sẽ đưa ra những tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tạo động lực cho các em phấn đấu, vươn lên theo đuổi ước mơ của bản thân”, cô Nguyễn Thị Hồng Ngân – Hiệu trưởng Trường THPT Văn Giang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.