Khó khăn trên những bước đi đầu tiên
Khi còn là sinh viên năm hai, Việt Hoàng, quê Thái Bình, sinh năm 1998, được “truyền lửa" từ những bài giảng cụ thể, sinh động ở môn Chi tiết máy của thạc sĩ Đinh Gia Ninh. Ngoài giảng dạy, thầy Ninh còn giúp đỡ sinh viên tìm hiểu và theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Cuối năm học, Hoàng chủ động viết email xin được tham gia nhóm nghiên cứu do thầy phụ trách.
Những ngày đầu cũng là thời điểm Hoàng gặp nhiều khó khăn nhất vì phải tiếp xúc với khối lượng kiến thức chuyên ngành đồ sộ. Hơn nữa, Hoàng mới chỉ học về lý thuyết cơ bản nên phải nhờ thầy và các thành viên trong nhóm giảng giải, đồng thời tự tìm đọc tài liệu chuyên ngành nước ngoài.
Tiếng Anh thông dụng vốn không làm khó chàng trai quê Thái Bình nhưng khi đọc tài liệu, Hoàng vẫn bị “ngợp" trước lượng lớn từ chuyên ngành. Những ngày đầu, vừa đọc sách vừa tra nghĩa của từ nên Hoàng mất nhiều thời gian, kiến thức thu nạp cũng chưa sâu. Nhưng nhờ kiên trì, chàng trai trẻ dần quen với việc đọc hàng trăm trang sách tiếng Anh, mở rộng hiểu biết trong lĩnh vực nghiên cứu.
Việc phải tự học kiến thức chuyên ngành, tham gia thực hiện nghiên cứu đồng thời duy trì học tập trên trường khiến Hoàng gặp áp lực và căng thẳng. Mỗi ngày, Hoàng thức đến 3 giờ sáng, thậm chí là trắng đêm để làm đề tài. Nếp sinh hoạt bị đảo lộn khiến Hoàng mất ngủ, sức khỏe bị ảnh hưởng xấu. Một vài môn học trên trường cũng không đạt điểm số như kỳ vọng.
Say mê với các đề tài khoa học nhưng ít ai biết Hoàng vốn không được gia đình ủng hộ theo đuổi con đường học thuật. Dù gặp nhiều trở ngại, Hoàng chưa từng nản lòng. Chàng trai sinh năm 1998 tự nhủ: “Nghiên cứu khoa học đòi hỏi 99% chăm chỉ, 1% còn lại là yếu tố khác. Người làm nghiên cứu cần đầu tư thời gian và thực sự yêu thích nó”.
Thu về trái ngọt
Đồng hành với Hoàng là giảng viên Đinh Gia Ninh cùng hai cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. 8 nghiên cứu của nhóm được thực hiện trong hai năm rưỡi, chủ yếu tập trung phân tích động lực học phi tuyến của kết cấu làm bằng vật liệu nanocomposite bằng phương pháp giải tích, bán giải tích.
Bắt tay thực hiện nghiên cứu từ tháng 8/2018, đến tháng 6/2019, nhóm của Hoàng mới có bài báo đầu tiên được đăng tải trên tạp chí khoa học nước ngoài ISI-Q1.
Việt Hoàng cho biết: “Ở nghiên cứu đầu tiên, nhóm mất khoảng 2 tháng để xác minh phương pháp, đưa ra kết quả khớp với công trình đã công bố. Nhiều lúc cả nhóm chán nản vì kết quả không khớp nhưng lại tự động viên nhau để hoàn tất các giai đoạn. Đây là bài báo em tâm đắc nhất. Đến giờ, em vẫn nhớ cảm xúc sốt sắng chờ đợi rồi vỡ òa sung sướng khi thấy bài báo được đăng tải".
Tháng 6/2019, Hoàng đăng ký tham gia cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường. Em được chọn làm đại diện tham gia cuộc thi cấp Bộ tổ chức vào tháng 12/2020 tại TPHCM và đạt giải Nhất.
Thạc sĩ Đinh Gia Ninh, giảng viên hướng dẫn, nhận xét thời gian đầu tham gia nghiên cứu, Hoàng hòa nhập nhanh. Từ mục tiêu ban đầu là hoàn thành bài viết khoa học trước khi ra trường, Hoàng ngày càng đam mê, nghiêm túc theo đuổi con đường nghiên cứu.
Thầy Ninh nhận xét: “Hoàng rất chăm chỉ họp nhóm và báo cáo hàng tuần về tiến độ công việc. Em có nhiều ý tưởng mới, lạ. Việc viết báo bằng tiếng Anh với Hoàng bây giờ còn dễ hơn thuyết trình bằng tiếng Việt. Ở Hoàng có tố chất của nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong tương lai. Tôi tin rằng những thành tích và công sức Hoàng đạt được ngày hôm nay là câu trả lời hoàn chỉnh và xứng đáng nhất dành cho tất cả mọi người".
Sau khi hoàn thành chương trình học tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Hoàng dự định tìm kiếm học bổng và trở thành nghiên cứu sinh. Mục tiêu của chàng trai quê Thái Bình là tiếp tục tham gia và đạt nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.