“Bà đỡ” công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - HCMUTE) đã mở không gian với tên gọi là Open Lab (phòng thí nghiệm mở).

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh (giữa) và 2 SV xuất thân tại Open Lab nhận giải thưởng SV NCKH năm 2020. Ảnh: Công Chương
PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh (giữa) và 2 SV xuất thân tại Open Lab nhận giải thưởng SV NCKH năm 2020. Ảnh: Công Chương

Từ khi thành lập đến nay, Open Lab chắp cánh cho hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) của SV, trong đó có 18 đề tài được giải thưởng Sinh viên NCKH toàn quốc và Euréka.

Phòng thí nghiệm luôn sáng đèn

Đúng với ý nghĩa phòng thí nghiệm mở, Open Lab luôn sáng đèn cả ngày lẫn đêm, chào đón sinh viên đến giao lưu, truyền thụ kinh nghiệm, triển khai các ý tưởng nghiên cứu.

Chính từ phòng thí nghiệm mở này, nhiều ý tưởng của sinh viên đã hình thành và được chắp cánh, với hàng loạt công trình nghiên cứu hấp dẫn như robot hoa biết nhảy múa, giữ nhà, kiểm tra môi trường; máy giặt dùng tiền xu; robot hái thanh long; máy bán hàng tự động bằng tiền giấy; robot cảnh sát giao thông; máy biến dạng thép bằng từ trường (đề tài cấp Bộ); robot khám bệnh từ xa, máy bán phở…

Bên cạnh những công trình làm theo đơn đặt hàng như robot hái cà chua, robot lễ tân… còn có nhiều đề tài mang tính ứng dụng cao như robot vận chuyển hàng hóa có khả năng tránh vật cản, biết tìm đường đi, có thể ứng dụng tại các nhà ga, sân bay; hệ thống xe buýt thông minh biết xác định vị trí các xe đang đi, tính toán thời gian xe tới trạm, thông báo cho hành khách trạm sắp tới; robot cá phiên bản mới dùng để kiểm tra, giám sát đê điều…

Trưởng thành từ Open Lab, Nguyễn Đào Xuân Hải (cựu SV ngành Cơ khí chế tạo máy HCMUTE ) - giải Nhất NCKH trong SV năm 2019 và giải Nhì NCKH năm 2020 - chia sẻ: “Với tôi, Open Lab là nơi dành cho sinh viên có niềm đam mê tìm tòi cái mới, đam mê khoa học tìm về”. 

Theo Hải, là cơ sở nghiên cứu trong trường ĐH nhưng Open Lab lại có phong cách như công ty start-up thu nhỏ, đòi hỏi toàn diện kỹ năng phát triển. PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh - Trưởng khoa Cơ khí máy, với một tầm nhìn rộng đã dẫn dắt, ươm mầm cho các đề tài NCKH của sinh viên được đi vào cuộc sống. Điển hình như năm vừa rồi khi dịch Covid-19 bùng phát, nhóm nghiên cứu của phòng lab đã phát triển robot hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa. Tiếp nối thành công trên là dự án hỗ trợ bệnh nhân liệt giường trong việc gội đầu tự động... 

Giờ đây, Open Lab không chỉ dành cho SV khoa Cơ khí chế tạo máy mà còn lan tỏa cho SV các khoa khác trong và ngoài trường. Thương hiệu Open Lab không chỉ biết đến ở Việt Nam mà còn lan qua các nước trong khu vực và nhiều nước tiên tiến. Có khá nhiều sinh viên đại học và học viên cao học, nghiên cứu sinh tiến sĩ các nước: Thái Lan, Indonesia, Pháp, Hungary, Mỹ… đã nghiên cứu tại đây. Không chỉ dừng lại ở các đề tài mang tính ứng dụng, số bài báo ISI của Open Lab cũng ngày càng tăng với sự hỗ trợ của các thành viên cũ đang học tập, nghiên cứu ở nhiều nơi trên thế giới. 

Nhìn lại chặng đường 10 năm của Open Lab, PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh không giấu được niềm vui đồng thời chia sẻ: Hàng trăm công trình NCKH của SV là một con số thật ấn tượng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là niềm đam mê nghiên cứu của SV được khơi lên. Các em đã làm cho các đồ án trên giấy đi vào thực tiễn của cuộc sống.

Lương Hữu Thành Nam và Nguyễn Đào Xuân Hải (SV Khoa Cơ khí chế tạo máy HCMUTE) đang hoàn thiện công đoạn cuối đề tài “Robot hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa” tại Open Lab. Ảnh: C.Chương
Lương Hữu Thành Nam và Nguyễn Đào Xuân Hải (SV Khoa Cơ khí chế tạo máy HCMUTE) đang hoàn thiện công đoạn cuối đề tài “Robot hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa” tại Open Lab. Ảnh: C.Chương

Hạnh phúc với thực tại

Sinh ra tại Hà Nội nhưng lớn lên tại Phú Yên, PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh chọn thi vào ngành Cơ khí chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM một cách rất tình cờ vì có người quen học ngành này. “Lúc đó việc tư vấn ngành nghề gần như không có, mình không rõ có sở thích, khả năng ngành gì cũng như mình chưa có nhiều kiến thức hay cơ hội để tìm hiểu ngành mình theo học” - anh chia sẻ. 

Trong thời gian học ĐH, anh từng là một trong số 20 sinh viên xuất sắc nhận học bổng của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; liên tục nhận được học bổng của Hội Sinh viên Việt Nam, học bổng của các công ty. Đồng thời, nhờ đam mê nghiên cứu khoa học, anh còn nhận được học bổng hỗ trợ nghiên cứu của giải thưởng Euréka thuộc Thành đoàn TPHCM (tiền thân của giải thưởng Euréka ngày nay).

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh cũng là tác giả chính của 130 bài báo khoa học đăng trên tạp chí trong và ngoài nước; đoạt giải Ba, Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật TPHCM năm 2010, 2011; hướng dẫn nhóm sinh viên đoạt giải Nhì, Giải thưởng Start Up do Bộ GD&ĐT tổ chức; hướng dẫn sinh viên đoạt giải Nhất và nhiều giải thưởng sinh viên NCKH các năm 2012, 2017, 2018, 2019. Đồng thời anh còn là chủ nhiệm của 8 đề tài NCKH cấp Bộ và tương đương được nghiệm thu và tác giả của 6 tài liệu tham khảo, giáo trình đã được xuất bản…

PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh cho biết: Chọn lựa đi dạy không phải là ý định ban đầu của tôi. Sau khi tốt nghiệp đại học được trường giữ lại làm GV, tuy nhiên với suy nghĩ cần phải đi ra ngoài tiếp cận thực tế anh đã từ chối và đi làm ở công ty nước ngoài, sau đó về làm cán bộ thuộc Sở LĐ,TB&XH TPHCM. Sau đó, duyên nợ lại đưa đẩy anh quay trở về ngôi trường cũ và làm việc cho tới bây giờ. 

18 năm dạy học, PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh làm tốt vai trò truyền lửa đam mê NCKH cho sinh viên và cùng các em khám phá những công nghệ, những lĩnh vực mới. “Cuộc đời tôi không biết sẽ như thế nào nếu không chọn nghề này. Tôi hạnh phúc với những gì mình đang theo đuổi. Tôi luôn nghĩ mình được như hôm nay vì có những thế hệ đi trước đã dìu dắt. Và bây giờ trách nhiệm của tôi phải dìu dắt các lớp tiếp theo để từ đó tạo dựng lực lượng các nhà khoa học, kỹ sư đam mê và hăng say với lĩnh vực công nghệ cao” - PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh tâm sự.

Gần 50% sinh viên sau khi nghiên cứu tại Open Lab đều tiếp tục học cao hơn ở nước ngoài và sau khi tốt nghiệp đều quay trở về để cống hiến. Nói như PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Nguyễn Trường Thịnh là giảng viên, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý có năng lực. Anh luôn đổi mới sáng tạo, đam mê nghiên cứu, cống hiến hết mình cho GD, thương yêu SV như con mình, được đồng nghiệp, SV trong trường quý mến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.