Gương mặt Bí thư đoàn cơ sở xuất sắc ngành GD-ĐT

Gương mặt Bí thư đoàn cơ sở xuất sắc ngành GD-ĐT

(GD&TĐ)- Ở các độ tuổi khác nhau, là giáo viên, học viên hay còn đang ngồi trên ghế nhà trường, những Bí thư đoàn cơ sở tiêu biểu, xuất sắc chúng tôi đề cập ở đây đều nhiệt tình, năng động cống hiến cho tổ chức đoàn, chung một lý tưởng rèn luyện đạo đức, lối sống cho đoàn viên thanh niên cùng tiến bộ.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bí thư thứ Nhất TƯ Đoàn trao giải 26-3 cho 10 Bí thứ đoàn cơ sở xuất sắc. Ảnh, gdtd.vn
 Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và Bí thư thứ Nhất TƯ Đoàn trao giải 26-3 cho 10 Bí thứ đoàn cơ sở xuất sắc. Ảnh, gdtd.vn

Những Sinh viên- học viên- Bí thư đoàn nhiệt tình, năng động

Là Bí thư đoàn cơ sở xuất sắc, trẻ tuổi nhất trong số 10 Bí thư đoàn cơ sở xuất sắc được TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh, trao giải thưởng 26-3, Đỗ Ngọc Nhung (sinh năm 1994)- Bí thư Đoàn Trường THPT Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) nhiều năm nay đã có sáng kiến và tổ chức, duy trì hoạt động mô hình “Câu lạc bộ tình nguyện Mùa xuân”. 

Nhằm tạo nguồn kinh phí cho hoạt động của CLB, hàng năm, vào ngày đầu tiên đi học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán CLB đều phát động gây quỹ “từ thiện mùa xuân”. Hình thức gây quỹ này hết sức hiệu quả và có ý nghĩa. 

Nhung cho biết, các đoàn viên, học sinh trong CLB đều rất hào hứng khi tham gia hoạt động từ thiện thông qua các hoạt dộng của CLB. Do vậy, “Câu lạc bộ tình nguyện Mùa xuân” thu hút ngày càng nhiều đoàn viên trong trường tham gia. 

   Đỗ Ngọc Nhung. Ảnh, gdtd.vn 
   Đỗ Ngọc Nhung. Ảnh, gdtd.vn 

Hoạt động của CLB hướng đến hai đối tượng chính là trẻ em nghèo và các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong nhà trường. Hàng năm, Đoàn trường và CLB tình nguyện tổ chức các hoạt động đi  thăm, giao lưu và tặng quà trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật trên địa bàn thành phố Hà Nội và đặc biệt quan tâm đến các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong nhà trường với hình thức là tặng quà và trợ cấp thường xuyên.

Ngoài ra, Đoàn trường còn chú trọng tổ chức tốt các hoạt động phong trào như: Hội thi "Tiếng hát học sinh trường THPT Phan Đình Phùng 2011". Thành lập CLB Wa Dance Studio. Tổ chức Đêm dạ hội "Back to school". Tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, vì cuộc sống cộng đồng…

Về lý tưởng sống, theo Nhung, học sinh là Đoàn viên phải không ngừng phấn đấu, trau dồi đạo đức, kiến thức, kĩ năng, có suy nghĩ tích cực, chủ động tham gia các hoạt động xã hội, làm nhiều việc có ý nghĩa cho người thân, bạn bè, nhà trường và xã hội.

Là Bí thư Đoàn trường, 12 năm là học sinh giỏi, là cán bộ Đoàn xuất sắc cấp quận năm 2010, xuất sắc cấp thành phố năm 2011, Nhung còn nhiều danh hiệu học tập, và thể thao thành tích cao học đường: Giải khuyến khích thi học sinh giỏi khối 12 môn Tin học cấp Thành phố năm 2010. Học sinh giỏi Thủ đô tiêu biểu 2 năm 2009, 2011, HCĐ môn bóng rổ tại HKPĐ Toàn quốc 2008, HCB giải trẻ Toàn quốc năm 2011. 

Là một Đảng viên, Đỗ Tiến Tường (sinh năm 1982), Bí thư Đoàn Thanh niên Tiểu đoàn 6, Học viện Phòng không- Không quân, Quân chủng Phòng không-Không quân) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức được nhiều hoạt động phong trào bề nổi, tạo sân chơi, học tập cho đoàn viên thanh niên yên tâm công tác. Đặc biệt là phong trào thi đua: học tập và nghiên cứu khoa học ở Đoàn cơ sở Tiểu đoàn 6 đã đi vào chiều sâu. Năm 2011 đã triển khai 7 đề tài nghiên cứu khoa học và 7/7 đề tài của các đoàn viên đạt loại giỏi và xuất sắc đã được lãnh đạo Học viện đánh giá cao.

Bản thân Tường đã có sáng kiến triển khai sáng tạo, có hiệu quả mô hình "Chi đoàn kiểu mẫu" ở Chi đoàn mình. Cụ thể là tập trung xây dựng 1 Chi đoàn vững mạnh về mọi mặt như: học tập và rèn luyện, học viên nghiên cứu khoa học, giáo dục, rèn luyện Đoàn viên thanh niên, tạo nguồn cho công tác phát triển Đảng viên... sau đó tổng kết rút kinh nghiệm trong toàn đơn vị rồi nhân rộng triển khai mô hình ở các chi đoàn khác. Mô hình này đã được cấp ủy đơn vị và Đoàn cấp trên ghi nhận đánh giá tốt. 

 Đỗ Tiến Tường. Ảnh, gdtd.vn  
 Đỗ Tiến Tường. Ảnh, gdtd.vn  

Theo Tường, đây không phải là một mô hình mới, nhưng Chi đoàn Tiểu đoàn 6 đã triển khai một sách sáng tạo mô hình này. Cụ thể là: tập trung giáo dục, rèn luyện đoàn viên, thanh niên, tổ chức các hoạt động, phong trào bề nổi, đoàn viên thanh niên xung kích thực hiện phần việc của thanh niên như ngày Chủ nhật xanh, thứ 7 tình nguyện, vườn rau thanh niên, ao cá thanh niên... đã đảm bảo cải thiện tốt đời sống của các học viên; trong học tập, rèn luyện và nghiên cứu, Chi đoàn đã thành lập các CLB học viên giỏi, CLB học viên nghiên cứu khoa học thu hút đông đảo các học viên tham gia rèn luyện và nghiên cứu.

Với đặc thù của đơn vị là quản lý, rèn luyện học viên nên là một cán bộ Đoàn cơ sở, với Đỗ Tiến Tường, việc xây dựng CLB học viên giỏi, CLB học viên nghiên cứu khoa học và các tổ, nhóm học tập để các học viên cùng giúp đỡ nhau tiến bộ trong quá trình học tập và rèn luyện là mấu chốt thành công trong công tác đoàn của mình cũng như xây dựng phong trào Đoàn toàn đơn vị vững mạnh.

Bản thân Tường đã có cố gắng nỗ lực rất lớn để phát động, duy trì các hoạt động bề nổi cũng như các phong trào thi đua ở đoàn cơ sở của mình đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành tích, góp phần vào hoàn thành chung nhiệm vụ công tác toàn đơn vị. 

Năm 2011, Đoàn cơ sở Tiểu đoàn 6 đã được Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tặng cờ "Đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc", 48 đoàn viên được tặng danh hiệu "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác xứng danh Bộ đội Cụ Hồ". Cá nhân Tường đạt 5 năm liền danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 01 Bằngkhen; 08 Giấy khen các cấp. 

Tổ chức đoàn có vai trò quan trọng trong giáo dục kĩ năng sống cho học sinh là đoàn viên

Giáo viên Trần Thị Hằng (sinh năm 1985) trường THPT Nam Phù Cừ, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) là Bí thư Đoàn nhiệt tình, sáng tạo trong mọi hoạt động của nhà trường cũng như các hoạt động của Đoàn. 

Hằng chia sẻ, tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội- Khoa sư phạm tiếng Anh, năm 2007 về công tác, giảng dạy tại trưởng, Hằng đã tham gia vào hoạt động Đoàn của nhà trường. 

Trong công tác chuyên môn, Hằng cho biết, khi mới nhận công tác, là một giáo viên trẻ, mình luôn học hỏi các đồng nghiệp đi trước trong tổ bộ môn và các đồng nghiệp khác trong nhà trường. Theo thời gian, bản thân dần dà có thêm kinh nghiệm giảng dạy. Năm 2009, Hằng đã đạt giải Ba giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.  

  Trần Thị Hằng. Ảnh, gdtd.vn  
  Trần Thị Hằng. Ảnh, gdtd.vn  

Trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, nhiều học sinh được Hằng giảng dạy, bồi dưỡng, đã có 3 em đạt giải Nhất và Khuyến khích cấp tỉnh. Hằng nhận định, đây thực sự là một cố gắng rất lớn của cả cô và các trò. Bởi với THPT Nam Phù Cừ, trường có chất lượng học sinh đầu vào lớp 10 thấp thì đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh là thành tích đáng khen ngợi, có tác động to lớn, khích lệ phong trào giảng dạy và học tập của toàn trường, được BGH nhà trường đánh giá cao. 

Với một giáo viên, theo Hằng, về mặt chuyên môn, điều cần thiết nhất để có được nhiều thành quả trong giảng dạy là phải có sự đầu tư về thời gian, công sức. Quá trình học trong trường sư phạm, giáo sinh được cung cấp kiến thức nền để giảng dạy, trên thực tế, giáo viên phải bỏ công sức, nghiên cứu tìm ra những phương pháp phù hợp để giảng dạy, chuyển tải kiến thức cho nhiều đối tượng HS khác nhau.

Với giáo viên trẻ, như bản thân trong những năm đầu mới tốt nghiệp ra trường, phải có sự nhiệt tình trong công tác. theo Hằng nếu theo quan niệm: "dạy hết giờ, hết tháng lĩnh lương" thì không bao giờ có thành tích cao. Giáo viên trẻ phải nhiệt tình, có trách nhiệm trong giảng, dạy trang bị kiến thức cơ bản nhất cho học sinh, khi đó các em mới nhiệt tình trong học tập, phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao. Đây là hai yếu tố cơ bản nhất, quan hệ mật thiết hữu cơ của nghề giáo mà theo Hằng, để có được thành công, giáo viên không thể thiếu. 

Là một Đảng viên, Bí thư Đoàn trường cơ sở, Trần Thị Hằng luôn ý thức phải tự rèn luyện trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong của người Đảng viên, người giáo viên nhân dân, do vậy luôn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội. Hằng đã tham gia và đạt giải Ba "Hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cấp huyện; đạt giải Ba cấp tỉnh Cuộc thi tìm hiểu “80 năm truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh”, tham gia cuộc thi "Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ", đạt giải Ba cấp tỉnh cuộc thi "tìm hiểu thân thế sự nghiệp cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh" 

Để thực hiện phong trào: "xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", theo Hằng, trong môi trường giáo dục hiện nay, một số đoàn viên thanh niên có lối sống không lành mạnh, sống theo chủ nghĩa cá nhân, một bộ phận không nhỏ khác có tư tưởng tiêu cực, tư tưởng không lành mạnh, thiếu lý tưởng sống để phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống; do vậy để rèn luyện đạo đức cho học sinh, trang bị kĩ năng sống cho các em, vai trò của Đoàn trường đặc biệt quan trọng. Bản thân các cán bộ đoàn, đặc biệt là các giáo viên là cán bộ đoàn phải có nhận thức đúng đắn, khoa học về việc giáo dục đạo đức cho học sinh; phối kết hợp với các lực lượng trong và ngoài nhà trường để quản lý giáo dục các em, tăng cường giáo dục kĩ năng mềm cho các em thông qua các hoạt động Đoàn.  

Vũ Kim Phượng. Ảnh, gdtd.vn   
Vũ Kim Phượng. Ảnh, gdtd.vn   

Đoàn trường THPT Nam Phù Cừ luôn chú trọng đổi mới phương thức hoạt động; đã tổ chức thành lập đội Thanh niên xung kích giữ gìn trật tự ATGT và xây dựng thành công mô hình Cổng trường ATGT. Thành lập và duy trì hoạt động mô hình CLB Sức khỏe sinh sản vị thành niên, mỗi tháng tổ chức sinh hoạt 1 lần giúp ĐV, học sinh nâng cao hiểu biết về sức khỏe giới tính; 

Xây dựng các công trình thanh niên với tổng trị giá là 31.780.000 đồng. Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: "Một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức cho học sinh" được cấp ủy và lãnh đạo nhà trường đánh giá tốt... 

Kết quả BCH Đoàn trường THPT Nam Phù Cừ được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen các năm học từ năm 2007 đến 2010; Tỉnh Đoàn tặng Giấy khen năm học 2010-2011. 

Giáo viên Vũ Kim Phượng (sinh năm 1980), Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) cho biết, hiện lực lượng tại trường có 1500 đoàn viên/2.200 học sinh toàn trường. Tất cả các hoạt động phong trào văn-thể-mỹ đều do Đoàn trường đóng vai trò nòng cốt. 

Nhiều hoạt động trong năm được BCH Đoàn trường tổ chức: tháng 9 có phong trào thanh niên xung kích ra quân tham gia tháng ATGT, tháng 10 có Hội diễn văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tháng 11 tổ chức Hội khỏe Phù Đồng (2011) tuyển chọn VĐV cấp tỉnh, tháng 12 Hội trại hình ảnh mùa xuân. Nhiều trò chơi của Hội trại: trò chơi dân gian, văn nghệ, thi khéo tay, ẩm thực, thể thao...đã thu hút tất cả đoàn viên, học sinh tham gia các trò chơi giúp phát triển các kĩ năng cho các em.

Về rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh, Phượng cho biết, năm 2012, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đưa ra "chương trình khi tôi 18" nhằm giáo dục, rèn luyện kĩ năng cho thanh niên, học sinh. Đoàn trường đã tổ chức tốt hoạt động này để khi tốt nghiệp THPT, học sinh của trường có đạo đức tác phong cũng như kĩ năng sống để bước vào cuộc sống hay các giảng đường trường CĐ-ĐH.

 Lê Thị Mai Lương. Ảnh, gdtd.vn  
 Lê Thị Mai Lương. Ảnh, gdtd.vn  

Triển khai công trình thanh niên làm theo lời Bác bảo vệ môi trường. Đã phát động trong toàn trường tham gia thu gom giấy vụn, vỏ chai trong trường gây quỹ được trên 2.000.000đ hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó; triển khai cuộc thi Rung chuông vàng trong học sinh toàn trường thi đua giữa các Chi đoàn nhằm nâng cao kiến thức cho đoàn viên thanh niên. Triển khai chương trình Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ giao lưu với các danh nhân, nhà khoa học, trao học bổng khuyến học 526 triệu đồng; 

Với những hoạt động có ý nghĩa trên tập thể đoàn trường đã nhận được nhiều danh hiệu thi đua của Thành phố Mỹ Tho và của tỉnh Tiền Giang. Cá nhân Bí thư Vũ Kim Phượng đã được UBND thành phố Mỹ Tho, Tỉnh đoàn Tiền Giang, Hội Chữ Thập đỏ tỉnh tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua.

Lê Thị Mai Lương, (sinh năm 1978), dân tộc PaHi, Bí thư Đoàn Trường THPT Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên -Huế chia sẻ: mỗi một nhà giáo phải có tác phong chuẩn mực để học sinh cũng như Đoàn viên thanh niên học tập, noi theo. 

Bên cạnh đó, giáo viên tham gia các hoạt động Đoàn lại càng phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Với các đoàn viên trẻ, tổ chức đoàn phải gắn đoàn viên với các buổi sinh hoạt tập thể để thu hút các em vào hoạt động tập thể. 

Với sáng kiến kinh nghiệm: Ban Thường vụ Đoàn trường với việc quản lý nền nếp học sinh góp phần nâng cao chất lượng học tập của học sinh, Lê Thị Mai Lương đã được Trung ương Đoàn tặng bằng khen 3 năm liền từ năm 2007 đến 2011 và nhiều danh hiệu thi đua khác của các cấp bộ đoàn, chính quyền các cấp. 

Trong số 10 gương mặt Bí thư đoàn cơ sở tiêu biểu xuất sắc được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh, trao giải 26- 3 vừa qua có tới 3 gương mặt tiêu biểu trong ngành GD-ĐT, gồm: Đỗ Ngọc Nhung, Đỗ Tiến Tường và  Lê Thị Mai Lương. Trong số 81 Bí thư đoàn cơ sở tiêu biểu nhận giải 26- 3 có 5 Bí thư là giáo viên các trường THPT, 1 Bí thư là SV-HV, 1 Bí thư đang là học sinh lớp 12.

Đứng ở cương vị nào, giáo viên, học sinh-sinh viên hay ở cán bộ Đoàn cơ sở thì các Bí thư này đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn và công tác đoàn. Ở họ, có một điểm chung nữa là luôn tổ chức các hoạt động tập thể cho đoàn viên, thông qua đó, trang bị kĩ năng sống cho học sinh, đoàn viên. Cũng thông qua các hoạt động của tổ chức đoàn, các phong trào thi đua, các hoạt động bề nổi của nhà trường, đơn vị đi vào chiều sâu. 

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ