Tuy nhiên, làm thể nào để chúng ta có những công bố quốc tế. Dưới đây là những chia sẻ tâm huyết của GS.TS Phùng Đắc Cam - Phó Hiệu trưởng - Trưởng khoa Y Dược Trường ĐH Thành Đô, người công bố 3 cuốn sách chuyên ngành và 65 bài báo công bố trên các tạp chí khoa học Châu Âu và Mỹ.
Điều quan trọng nhất là ý tưởng khoa học
Theo GS.TS Phùng Đắc Cam, muốn có một công bố quốc tế, điều quan trọng nhất là mỗi nhà nghiên cứu phải có một ý tưởng khoa học. Sau khi có ý tưởng (scientific idea), nghiên cứu viên lập một đề cương nghiên cứu (scientific proposal).
Đề cương nghiên cứu bao gồm: mục tiêu nghiên cứu, mục tiêu đòi hỏi phải rõ ràng và có tính khả thi. Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, hàng loạt các vấn đề được đặt ra là dùng phương pháp nghiên cứu nào trên đối tượng nào và trong thời gian nào.
Như vậy, một nội dung nghiên cứu phải được sắp đặt kỹ càng và logic và không quên tính khoa học và khách quan.
“Để thực thi hàng loạt những nhiệm vụ trên, nhà nghiên cứu phải tính đến đội ngũ tham gia, tiền tài trợ và nếu đề tài nghiên cứu có động chạm đến sức khoẻ con người và môi trường sống thì bắt buộc đề cương phải được thông qua Hội đồng y đức về nghiên cứu y sinh học và môi trường. Vì nếu điều này không được trôi chảy thì bài báo chúng ta viết ra không được chấp nhận in” – GS Cam chia sẻ.
GS.TSKH.BS Phùng Đắc Cam |
“Nhắm” trước địa chỉ đăng trước khi viết báo
Về các tác giả tham gia trên bài báo công bố, GS.TS Phùng Đắc Cam cho rằng phải được sắp xếp chặt chẽ và đúng luật, người đứng tên thứ nhất là người tham gia chính, tiếp đó là những người thứ hai, thứ ba… tuỳ theo sự đóng góp của họ, người đứng sau cùng là người trưởng nhóm, người thầy nghĩ ra ý tưởng. Tuyệt đối không cho ai đứng tên nếu họ không hề tham gia thậm chí cả người tài trợ nghiên cứu.
Trước và sau khi viết báo, nghiên cứu viên phải nhắm trước các đích là đăng ở báo nào (ở khu vực, châu Âu, châu Mỹ), báo đó nổi tiếng cỡ nào (thường dựa vào chỉ số ảnh hưởng impact factor-IF). Đa số các trường đại học danh tiếng, các nghiên cứu viên thích đăng báo của mình trên các tạp chí có IF từ 3 trở lên.
Sau khi chọn báo hoặc tạp chí khoa học mà chúng ta muốn, chúng ta trực tiếp liên hệ với ban trị sự của báo để tìm hiểu các thủ tục và giá của trang được in.
Nếu họ chấp nhận bài báo, họ sẽ đưa bài đó cho 3 đến 4 phản biện (peer review) làm việc ở nhiều nơi khác nhau. Các nhà phản biện có quyền đòi hỏi mình trả lời các câu hỏi hoặc thay đổi phương pháp,…
Nghiên cứu viên phải trả lời họ cho đến lúc họ thoả đáng. Sau đó, toà báo sẽ chấp nhận đăng và thông báo bài báo được đăng vào số nào, thời gian nào.
GS.TS Phùng Đắc Cam đồng thời nhấn mạnh: Để có được một bài báo quốc tế có chất lượng đòi hỏi phải có nhóm nghiên cứu mạnh, thầy có nhiều ý tưởng hay, đòi hỏi phải có kinh phí cho các hoạt động ở thực địa, phòng thí nghiệm.
“Vì chúng ta thường mắc rào cản về tiếng Anh, tuy nhiên chúng ta không tự ti mà hãy mạnh bạo đi qua các khó khăn. Nghiên cứu viên bắt buộc tự viết tiếng Anh dù người đó ở trình độ nào, tuyệt nhiên không nhờ người khác viết thay.
Tất nhiên, bao giờ cũng vậy, sau khi viết xong phải nhờ một người giỏi tiếng Anh chỉnh sửa, hiệu đính (proofreader) lại trên cốt lõi và tư duy của tác giả” – GS ngành Y cho hay.