Gỡ khó cho tân sinh viên khi học trực tuyến

GD&TĐ - Bước vào môi trường học tập mới, tân sinh viên phải thích ứng ngay với hình thức dạy - học trực tuyến khiến nhiều em gặp không ít khó khăn và lúng túng.

Giảng viên, tân sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp – thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NTCC
Giảng viên, tân sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp – thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NTCC

Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có giải pháp hỗ trợ tân sinh viên, nhằm giúp các em sớm vượt qua những trở ngại ban đầu.

Lúng túng khi “nhập môn”

Nhà có 3 anh chị em, bố mẹ làm nông dân nên việc học trực tuyến là thách thức với Nguyễn Thế Sơn – tân sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp. Việc học online của Sơn phụ thuộc vào chiếc điện thoại cũ. Hơn nữa, ở quê đường truyền chưa được tốt nên đôi khi việc học của Sơn bị gián đoạn. Điện thoại cũ nên hình ảnh, âm thanh không được chất lượng. Nhiều khi thầy cô giảng những phần quan trọng thì lại không kịp nghe. Bởi vậy, khi học trực tuyến, Sơn thường xin phép giảng viên được ghi lại bài học hoặc nhờ bạn bè có đường truyền tốt ghi lại để có thể nghe bài giảng một cách đầy đủ nhất.

“Phương pháp dạy – học ở đại học khác hẳn so với thời THPT, nên ban đầu em có chút lúng túng khi “nhập môn”. Hiện, em vừa học, vừa rút kinh nghiệm và tự điều chỉnh cách học của mình để sớm bắt nhịp với môi trường học tập và cách dạy – học mới” - Sơn bộc bạch.

Tham gia buổi học đầu tiên với môn Vật lý đại cương, tân sinh viên Võ Thanh An -  ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương - chia sẻ: “Vì dịch bệnh căng thẳng, chúng em chưa được đến trường và đã học online. Môi trường, cách dạy – học mới nên em có chút hồi hộp, lo lắng; nhất là ở quê đường truyền không ổn định nên có  lúc bị “rớt mạng”. Nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình, trách nhiệm của thầy cô, buổi học diễn ra thuận lợi. Em chỉ buồn là không được gặp mặt trực tiếp thầy cô, cũng như được làm quen với các bạn mới”.

Theo TS Lê Xuân Thành - Trưởng phòng Công tác Chính trị Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội), dù tân sinh viên đã quen với việc học trực tuyến ở bậc phổ thông, nhưng khi bước vào môi trường đại học, chắc chắn nhiều em không khỏi lúng túng, chưa thể thích nghi ngay, vì cách dạy – học ở bậc đại học khác xa so với dạy – học ở phổ thông.

Ở phổ thông, khi đã vào lớp Zoom, giáo viên sẽ yêu cầu 100% học sinh phải bật camera để quản lý và bảo đảm các em đang có mặt trong lớp học. Nhưng ở đại học, có thể giảng viên không yêu cầu bật camera, quan trọng là các em có lĩnh hội được kiến thức bài học hay không và kết quả thi như thế nào? Ngoài ra, cũng có sinh viên ám ảnh khi học trực tuyến ở đại học phải đọc sách, làm bài tập liên tục và nhiều hơn so với hình thức truyền thống.

“Nếu học ở trường THPT, học sinh sẽ hoàn thành bài tập về nhà vào phút cuối mà vẫn được điểm cao, nhưng điều đó không xảy ra ở bậc đại học. Vì thế, tân sinh viên hãy tập ngay thói quen đọc lại bài giảng và nghiên cứu tài liệu hằng ngày. Hãy tận dụng thời gian, làm việc sớm để nộp bài tập về nhà đúng hạn. Điều này đồng nghĩa với việc, các em phải rèn kỹ năng tự học, tự tra cứu và nghiên cứu tài liệu, đừng bao giờ ỷ lại sẽ có người “cầm tay chỉ việc” như khi học phổ thông” - TS Lê Xuân Thành khuyến cáo.

Một lớp học online của tân sinh viên Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC
Một lớp học online của tân sinh viên Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Nhà trường đồng hành, hỗ trợ

Nhấn mạnh, khác biệt lớn nhất giữa môi trường đại học và môi trường THPT là phương pháp giảng dạy và học tập, ông Nguyễn Thành An - Giám đốc Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh - nhìn nhận: Làm quen với môi trường đại học bằng phương thức online khiến các tân sinh viên gặp nhiều khó khăn.

Vì thế, các em cần lưu ý: Luôn chuẩn bị cho mình một tinh thần lạc quan đối với mọi hoàn cảnh để không bị ảnh hưởng đến công việc, học tập; “Lên dây cót”, tập trung nghe giảng và ghi chép hiệu quả; đặc biệt cần ôn lại bài sau mỗi tiết học. Khi có thắc mắc nên trao đổi với giảng viên ngay. Các em cần kiểm tra thiết bị kỹ càng trước mỗi tiết học và vào phòng học sớm để có thể xử lý kịp thời các sự cố xảy ra; giao lưu với bạn bè cùng lớp để tránh cảm thấy nhàm chán, cô độc ở môi trường mới, trao đổi thông tin, bài vở thuận tiện hơn.

Tại Trường ĐH Đồng Tháp, tân sinh viên đã bước vào năm học mới với hình thức học trực tuyến. TS Lương Thanh Tân – quyền Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Để hỗ trợ sinh viên bắt nhịp với học online, trong tuần sinh hoạt công dân, cán bộ giảng viên đã tập huấn, hướng dẫn sinh viên kỹ năng học trực tuyến và làm quen với phương pháp dạy – học mới. Ngoài ra, nhà trường đã đầu tư, nâng cấp máy chủ để có thể liên thông, liên kết trong đào tạo. Có thời điểm, khoảng 5.000 - 6.000 sinh viên cùng vào học trực tuyến nhưng mọi việc vẫn hoạt động tốt.

“Trong trường hợp bị quá tải, chúng tôi có phương án thuê thêm máy chủ ở TP Hồ Chí Minh để bảo đảm mọi hoạt động liên quan đến đào tạo của nhà trường diễn ra ổn định” - TS Lương Thanh Tân trao đổi, đồng thời cho hay: Đến thời điểm hiện tại, việc dạy – học vẫn thuận lợi. Cũng có một số sinh viên bị “rớt mạng” nên bị thoát ra khỏi lớp học.

Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh đã lập các group Zalo hỗ trợ tân sinh viên, giúp các em không bị bỡ ngỡ với việc học trực tuyến ngay từ buổi đầu. Ông Nguyễn Thành An cho hay: Từ ngày 4 - 9/10, nhà trường tổ chức tuần sinh hoạt công dân cho hơn 2.000 tân sinh viên qua hình thức trực tuyến. Nhà trường tạm thời chia thành 10 lớp nhỏ, mỗi lớp có 1 địa chỉ Zoom cố định để các em vào học.

Phòng Công tác sinh viên và Trung tâm Công nghệ thông tin đã cử 6 viên chức chuyên trách hỗ trợ tân sinh viên về gửi email, cấp tài khoản vào lớp học, quản lý tài khoản lớp (host), hỗ trợ giảng viên, báo cáo viên, sinh viên giải quyết sự cố và quản lý lớp. Ngoài ra, nhà trường đã liên kết với FPT Shop triển khai Chương trình ưu đãi mua laptop, điện thoại, máy tính bảng phục vụ học trực tuyến cho sinh viên, tân sinh viên. Liên kết với Viettel để hỗ trợ các em sử dụng dịch vụ 4G với nhiều băng thông để học trực tuyến, giúp khắc phục tình trạng “rớt mạng” khi đang học online.

TS Lương Thanh Tân cho hay: Trường ĐH Đồng Tháp đã chi 700 triệu đồng để hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn; trong đó có tân sinh viên. Cùng với đó, tiến hành khảo sát, thống kê số sinh viên chưa có thiết bị học tập online hoặc những sinh viên ở vùng “lõm sóng” để có phương án hỗ trợ kịp thời, giúp các em ổn định việc học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ