Tạo “đề kháng” cho tân sinh viên

GD&TĐ - Dễ tin người, thiếu kinh nghiệm sống, muốn trải nghiệm và khám phá… đã khiến nhiều tân sinh viên sa chân vào bẫy bán hàng đa cấp, game online, cờ bạc… nếu không đủ tỉnh táo và bản lĩnh.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trong tuần lễ sinh hoạt công dân đầu khóa, ngoài những nội dung thuộc về quy định chung như các quy chế, chế độ chính sách, quy chế học vụ…, các trường đại học đều có thêm chuyên đề nhằm tăng cường kỹ năng xã hội cho tân sinh viên.

Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, mùa tựu trường khóa tuyển sinh năm 2021 của các trường đại học được khởi động bằng chuỗi hoạt động online. Những hoạt động kết nối của sinh viên năm thứ nhất với thầy cô, bạn bè ở môi trường mới được tiến hành thông qua các ứng dụng trên không gian mạng.

Đã có những cảnh báo từ câu chuyện của nhiều tân sinh viên, chưa kịp nhập học nhưng được rủ rê tham gia dự án kinh doanh “đóng chục triệu, lời trăm triệu”, “việc nhẹ, lương cao, nhanh chóng thăng chức làm quản lý…”. Vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học càng đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến tân sinh viên cần cẩn trọng với những mối quan hệ mới. Trong đó, không loại trừ những lôi kéo từ chính sinh viên khóa trước, dưới danh nghĩa đồng hương, đồng khoa… muốn hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội việc làm cho sinh viên mới.

Ngoài việc đại diện Ban giám hiệu trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với tân sinh viên, Phòng Công tác học sinh, sinh viên của các trường đại học còn tổ chức chuyên đề, mời báo cáo viên là công an. Thông qua những câu chuyện người thật việc thật, tân sinh viên được cung cấp thông tin nhiều chiều để có thể rút ra một số kinh nghiệm cho mình trước các tổ chức đa cấp bất hợp pháp; cạm bẫy, chiêu trò lừa đảo núp bóng trung tâm giới thiệu việc làm… Thậm chí, giấy tờ tùy thân như thẻ căn cước, mã số sinh viên… đều không được cho mượn tùy tiện, tránh trường hợp gánh những khoản nợ trên trời rớt xuống.

Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đã gửi thông điệp đến sinh viên mới nhập học, cần cẩn trọng với những lời chào mời, những công việc làm thêm đầy hấp dẫn như môi trường làm việc thoáng, thu nhập cao, phù hợp với sinh viên. Nhà trường cũng nhấn mạnh rằng, nếu gặp khó khăn trong sinh hoạt, tài chính, trước hết hãy liên hệ với các tổ chức đoàn thể của trường hoặc với giảng viên để được hỗ trợ bước đầu.

Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, các chiêu thức lừa đảo sinh viên, nhất là những bạn mới nhập học càng ngày càng tinh vi. Không ít sinh viên nhận được lời mời tham gia dự án dưới danh nghĩa tổ chức, đội nhóm, thậm chí là phòng ban của trường đại học. Vì vậy, nhiều trường đại học cũng khuyến cáo, khi nhận được lời mời tham gia cần tra cứu thông tin từ nguồn chính thống như sự xác nhận từ lãnh đạo hoặc đại diện các phòng ban, hoặc từ tổ chức Đoàn, Hội.

Để tránh cạm bẫy, đòi hỏi mỗi tân sinh viên phải thực sự tỉnh táo, bản lĩnh và sống có trách nhiệm với bản thân. Những thông tin nhà trường cung cấp cùng các khóa đào tạo kỹ năng mềm, chuyên đề “chống sốc” cho sinh viên năm thứ nhất có tạo thành đề kháng hay không, tùy thuộc vào ý chí của mỗi người. Đại học là một hành trình mà sinh viên sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng cũng giúp người học trưởng thành lên từng ngày nếu biết nắm bắt chuyên môn, tích lũy kỹ năng mềm, biết hoạch định cho mình một kế hoạch hợp lý cho khoảng thời gian này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.