Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã nỗ lực xây dựng chương trình để kết nối giúp các em sớm “hội nhập” với môi trường đại học.
Đẩy mạnh kết nối online
Cùng tân sinh viên tìm hiểu về Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI), lãnh đạo trường chia sẻ về việc học tập và nghiên cứu khoa học; Tìm hiểu việc học với cựu sinh viên nhà trường, hoạt động của các CLB, công tác xã hội tình nguyện mùa dịch... Ngoài ra, nhà trường còn có thêm một số hoạt động liên quan đổi mới sáng tạo, như cuộc thi online trên Facebook...
Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông HUFI, những cuộc thi và làm livestream được tổ chức, phát trên YouTube, Facebook và gửi email cho tân sinh viên để các em quen dần với việc học online.
“Những nội dung được livestream trên Facebook sẽ được chuyển tải sang kênh YouTube cho những tân sinh viên chưa nghe được, đồng thời nhà trường gửi email cho từng tân sinh viên để có thể xem livestream và xem lại” - ThS Phạm Thái Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, việc giao lưu với cựu sinh viên được HUFI chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Nhà trường đã mời cựu sinh viên chia sẻ về công việc sau khi ra trường sẽ làm; làm chủ doanh nghiệp thì có khó khăn và áp lực như thế nào... để tân sinh viên biết và chuẩn bị tinh thần.
Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), anh Lê Xuân Thân -Bí thư Đoàn trường cho biết: Trung tâm Dịch vụ sinh viên sẽ tổ chức 5 chương trình trang bị kỹ năng mềm và tham vấn tâm lý dành cho tân sinh viên với chủ đề talkshow đầu tiên là “Thích ứng và Hòa nhập”, đồng thời vận động kinh phí, xây dựng quỹ “Máy tính cũ - Tri thức mới” hỗ trợ sinh viên khó khăn.
Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên HCMUTE tổ chức chương trình Mentoring với mục tiêu xây dựng một cộng đồng hỗ trợ sinh viên năm nhất. Sinh viên năm 3 - 4 trong cộng đồng Mentoring sẽ phụ trách hỗ trợ 1 lớp sinh viên năm nhất ở mọi mặt đời sống, học tập… Đoàn - Hội trường cũng chỉ đạo các Đoàn - Hội cấp khoa tổ chức chương trình Ngày hội tân sinh viên trực tuyến để giới thiệu về nhà trường, khoa, ngành cũng như hoạt động khác của trường để các tân sinh viên không bỡ ngỡ khi bước vào trường.
“Đặc biệt Hội Sinh viên trường sẽ tổ chức Liên hoan Câu lạc bộ, Đội, nhóm trực tuyến để giới thiệu về các CLB/ Đội/ nhóm sở thích trong toàn trường cho tân sinh viên, từ đó các bạn có thể chọn cho mình một môi trường rèn luyện sở thích, kỹ năng trong quá trình học tập tại trường. Bản đồ số 3D không gian trường cũng được chia sẻ đến tân sinh viên để trải nghiệm tham quan trực tuyến khuôn viên trường trong thời gian chưa thể đến trường để học trực tiếp…” - anh Lê Xuân Thân chia sẻ.
Chăm sóc tinh thần
Hỗ trợ và đồng hành cùng các tân sinh viên, Trường ĐH Sư phạm TPHCM (HCMUE) đã thực hiện nhiều hoạt động khác nhau. Trong đó, chương trình “Ngày hội UP” dành cho các tân sinh viên hằng năm luôn tạo được dấu ấn mạnh mẽ. Tân sinh viên khi tham gia ngày hội này được tìm hiểu về những nét văn hóa đặc trưng của nhà trường, khoa đào tạo, giao lưu kết bạn với nhau và với anh chị khóa trước, khoa khác – kết thành những điều rất riêng của HCMUE.
Đặc biệt, trong năm học 2021 – 2022, theo kế hoạch vào tháng 10, nhà trường tổ chức mô hình phòng Tư vấn tâm lý học đường để hỗ trợ, can thiệp và tư vấn cho tân sinh viên vượt qua những cú “sốc” tâm lý ở môi trường mới. Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng HCMUE, phòng được vận hành bởi đội ngũ chuyên gia tâm lý trực thuộc khoa Tâm lý học của trường.
Kết quả kỳ vọng sẽ trang bị cho tân sinh viên sự chăm sóc tinh thần hiệu quả khi bắt đầu học tập ở môi trường mới. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến như hiện này, hình thức tư vấn trực tuyến là một trong những công cụ hiệu quả kết nối các chuyên gia tâm lý với sinh viên.
Thời gian qua, Dự án Psycare – Chăm sóc tinh thần mùa Covid do HCMUE khởi xướng đã gặt hái được một số thành tựu cũng như có sự tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần cộng đồng trong mùa dịch Covid-19.
Ngoài chương trình Sinh hoạt đầu khóa theo quy định, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) cũng thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ nhằm hỗ trợ kỹ năng và phương pháp học tập cho tân sinh viên. Đặc biệt là các buổi giao lưu tân sinh viên với chuyên gia tâm lý như TS Tô Nhi A, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, ThS Chế Dạ Thảo... nhằm giúp trang bị kỹ năng và phương pháp học tập hiệu quả - nhất là phương pháp học tập trực tuyến, cách giao tiếp và xây dựng những quan hệ mới trong môi trường đại học, cách xây dựng thương hiệu cá nhân trong thời đại số… cùng những kỹ năng mềm cần thiết trong thời đại 4.0.
TS Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng HUTECH, cho biết: “Kỹ năng học tập trực tuyến và giao tiếp trên các mạng xã hội không chỉ thiết yếu trong tình hình dịch bệnh hiện nay mà còn cần thiết trong bất kỳ thời điểm nào. Rất có thể hình thức làm việc trực tuyến sẽ là xu thế của thị trường lao động sau dịch Covid-19, nên việc trang bị kỹ năng và thái độ tích cực, chủ động ngay từ bây giờ sẽ góp phần tạo nên lợi thế cho sinh viên.
Thông qua các hoạt động ngoại khóa với nhiều chủ đề khác nhau, mục tiêu của HUTECH hiện tại là mang đến cho sinh viên môi trường học tập, phát triển kỹ năng, định hướng nghề nghiệp và theo đuổi sở thích một cách toàn diện, kể cả khi chưa thể học tập trung tại trường”.