Giữ truyền thống bằng… trang phục

GD&TĐ - Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tỉnh Thừa Thiên - Huế gây chú ý với hình ảnh các cán bộ, nhân viên mặc áo dài truyền thống trong buổi lễ chào cờ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Không chỉ riêng nữ giới mà cả nam giới từ nhân viên đến lãnh đạo tham gia buổi lễ đều mặc áo dài ngũ thân, khăn đóng và đi giày Tây.

Đại diện Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế cho biết, đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của bộ “quốc phục” từ bao đời nay của dân tộc, góp phần khẳng định “Huế - Kinh đô áo dài” của Việt Nam. Theo đó, đơn vị này sẽ áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ Hai đầu mỗi tháng nhưng không áp dụng đối với những người thường đi ra ngoài làm việc. Đây cũng là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban đơn vị.

Nhiều ý kiến tán dương cho rằng, việc làm của Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế rất đáng khuyến khích. Đây không phải là bộ trang phục hằng ngày của công chức Nhà nước mà là lễ phục, được mặc trong ngày chào cờ đầu tiên của tháng. Đồng thời, nam nữ cán bộ mặc áo dài ngoài tính chất trang trọng, còn để quảng bá và khẳng định bản sắc văn hóa. “Tuyệt đẹp, đúng với nền văn hóa Việt. Mặc bộ này sẽ nhẹ nhàng, vui vẻ hơn, không bị gò bó trong trang phục công sở. Nên triển khai diện rộng, vì nền văn hóa Việt”.

Tuy nhiên, Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế cũng phải đón nhận vô số “gạch đá” của cộng đồng mạng. Họ đưa ra nhiều ý kiến như: “Các công chức đi làm mặc áo ngũ thân giống như những liền anh đi hát quan họ”, “mặc áo dài mà đi giày Tây, sao không đi guốc mộc”, “công sở chứ đâu phải chỗ hát chèo, hát bội, cải lương”, “trang phục công sở Nhà nước đã có quy định rõ ràng, không thể làm như vậy được. Mặc như vậy thì ảnh hưởng đến công việc”…

Trước đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế từng phát động nhiều chương trình để lan tỏa nét đẹp văn hóa Huế qua trang phục áo dài truyền thống; Đồng thời phát thư ngỏ vận động cán bộ công sở, giáo viên, học sinh, sinh viên toàn tỉnh cùng mặc áo dài ít nhất 2 ngày/tuần; miễn phí vé tham quan di sản Huế đối với phụ nữ mặc áo dài truyền thống, nhất là vào Ngày Quốc tế Phụ nữ và Ngày Phụ nữ Việt Nam...

Một lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, áo dài truyền thống đã được phụ nữ Huế sử dụng như một trang phục thường xuyên, tôn lên vẻ đẹp duyên dáng của người con gái Huế. Những kỳ Festival với sự kiện Lễ hội Áo dài đã “đánh thức” nét kiêu sa, đài các của phụ nữ Huế nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung. Do đó, tỉnh này đã xây dựng đề án Ngày hội Áo dài Huế nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế là nội dung quan trọng của Festival Huế 2020 và cũng là cơ sở để tiến tới xây dựng đề án “Huế - Kinh đô áo dài”.

Thiết nghĩ, Thừa Thiên - Huế là vùng đất hiện còn lưu giữ được những giá trị đặc trưng nhất của áo dài truyền thống, không bị ảnh hưởng bởi các trào lưu cách tân. Ngoài ra, địa phương này cũng là nơi hội tụ nhiều nghệ nhân may áo dài chuyên nghiệp với tay nghề điêu luyện, tạo ra những “tác phẩm áo dài” tinh tế và đầy hấp dẫn. Trong điều kiện bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống còn đang mỗi nơi một kiểu thì việc giữ gìn văn hóa truyền thống bằng trang phục áo dài của Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên - Huế là rất cần thiết, cần nhân rộng. Làm sao để khi nói đến áo dài thì người dân, du khách sẽ nghĩ ngay đến Huế và sẽ tới Huế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.