Bằng những trăn trở của một nghệ nhân từng dành nhiều tâm huyết, từng thế chấp cả nhà để theo đuổi con đường lưu giữ, bảo tồn áo dài truyền thống, nhà thiết kế Lan Hương chia sẻ với Buffet Cuối tuần, giữa lúc câu chuyện tranh cãi về trào lưu cách tân áo dài vẫn chưa chấm dứt.
Làm biến chất văn hóa, chẳng khác nào tự đánh vào chúng ta!
Với tư cách là một nhà thiết kế, người đầu tiên ở Việt Nam được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân áo dài, chị nghĩ sao về trào lưu mặc áo dài kết hợp với váy xòe, váy đụp đang gây tranh cãi trong dư luận thời gian qua?
- Khi trào lưu cách tân áo dài ra đời, tôi cũng như nhiều nhà thiết kế khác rất trăn trở, có nhiều nỗi tủi, buồn. Trong khi những người tâm huyết tích cực đi quảng bá, để thế giới đón nhận hình ảnh chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam, thì ở trong nước, các bạn trẻ lại đua nhau cách tân nó, tạo nên những cơn bão quét qua, cuốn phăng đi những thành quả. Quan điểm của tôi là không nên gọi đó là áo dài, kể cả áo dài cách tân. Dù chưa có một quy chuẩn nào cho áo dài truyền thống và cũng không ai có quyền cấm mọi người sáng tạo, mặc theo sở thích, nhưng đừng biến một thứ gắn với quốc hồn, quốc túy trở thành một thứ kệch cỡm, trong khi rất nhiều người đang tích cực vận động để đưa áo dài Việt thành di sản văn hóa, trở thành một thương hiệu văn hóa của Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Nhưng dưới góc độ của một người tiêu dùng, ngoài đẹp, thường sẽ chọn những gì phù hợp và tiện lợi, ít khi quan tâm tới có phải là truyền thống hay không?
- Đúng là lâu nay người sử dụng không có ý thức trong việc gìn giữ bản sắc. Thấy hay thì mặc, thấy đẹp thì mua. Tuy nhiên, tôi nghĩ người tiêu dùng Việt Nam cũng nên có ý thức hơn trong việc dùng sao cho có văn hóa. Đừng quá dễ dãi với tất cả những gu thẩm mỹ về thời trang. Nhà thiết kế cũng không nên vì chạy theo lợi nhuận để cổ xúy cho những thứ kệch cỡm, trái với truyền thống.
Đấy là khi chị đã có thương hiệu, có tên tuổi rồi, còn với những người trẻ, sẽ là khó để cân bằng giữa truyền thống, cách tân, lợi nhuận?
- Khi Lan Hương còn trẻ như họ, ai là người sẽ nghĩ cho Lan Hương. Tôi luôn ủng hộ việc các nhà thiết kế trẻ làm mới, nhưng làm được như thế nào phụ thuộc vào tầm của người thiết kế và các bạn đừng quên đi giá trị nhân văn, nét đẹp văn hóa mà chính chúng ta đang được hưởng. Khi các bạn tâm huyết thì các bạn sẽ hiểu cần phải làm gì. Đưa những điều mới mẻ vào câu chuyện truyền thống là điều tốt, nhưng các nhà thiết kế trẻ cũng không được làm mất đi giá trị văn hóa, nhân văn. Nếu chúng ta làm biến thái, biến chất văn hóa thì không khác nào tự đánh vào chúng ta.
Hội nhập thì bao giờ cũng có sự xung đột. Theo chị, làm thế nào để giữ được truyền thống?
- Sự giao thoa chỉ trong chừng mực nào đó. Quan điểm của tôi là: Bạn hiểu tôi, bạn yêu tôi thì yêu tất cả những câu chuyện mà tôi sẽ mang đến. Nếu du khách quốc tế yêu Việt Nam, thì họ sẽ chấp nhận tất cả thuộc về truyền thống, văn hóa của Việt Nam.
“Tôi làm liều mười mấy năm nay”
Ngay lúc bắt đầu đi theo thiết kế, chị đã chọn áo dài truyền thống, hay ai đó tác động đến suy nghĩ và con đường chị đi?
- Tôi trở thành nhà thiết kế áo dài chỉ vì lúc đó tôi không chấp nhận nổi mẫu áo dài đang có trên thị trường. Nếu kể lại câu chuyện của hơn 10 năm trước, đó là những ngày thực sự chông gai, gian nan. Lúc đó tôi nghĩ mình làm liều và đúng là liều trong mười mấy năm nay rồi. Ngày đó, tôi là một người chẳng có tên tuổi gì, chẳng nghĩ mình là nhà thiết kế, chỉ là một cô gái tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp, một cô thợ may thôi.
Với hai bàn tay trắng, với tất cả những ý tưởng mình ấp ủ, tôi không chấp nhận được những giá trị truyền thống bị mất đi. Tôi đi van nài từng khách hàng, xin họ sử dụng hàng Việt Nam, hàng lụa Việt. Ai nghe tôi nói đến lụa, thêu tay cũng kêu già lắm, cổ lắm, nhất định không mặc. Tôi khẳng định với họ rằng sẽ làm cho áo dài lụa không cổ, không quê, không già, rất thời thượng, hiện đại, thời trang, hợp xu hướng.
Tôi không dám nghĩ mình sẽ làm nên một câu chuyện nào đó, nhưng mình đã chắc chắn phải kể câu chuyện về áo dài một cách nhân văn nhất. Nó nhân văn ở đâu, ở sự kết hợp với những yếu tố truyền thống khác. Và tôi đã nghĩ chỉ có lụa Việt, thêu tay mới kể nên câu chuyện áo dài của Lan Hương. Tôi tìm về những làng nghề trăm tuổi, vận động từng nghệ nhân giữ lại nghề tầm tang và nhiều nghề truyền thống khác.
Trong quá trình đi thuyết phục các nghệ nhân, tôi chứng kiến những câu chuyện rất buồn. Làng nghề bây giờ thì bị biến thành các khu công nghiệp, bị bêtông hóa, trở nên chật chội hơn. Người thợ thủ công bỏ làng lên thành phố làm hết. Các nghệ nhân bảo: “Con tôi phải học kế toán, giáo viên chứ, bám nghề làm gì”. Tức là chính bản thân người gắn bó bao năm với nghề họ đã thay đổi suy nghĩ và quay lưng lại. Tôi phải xoay họ lại: Không - nghề quý lắm, đừng bỏ, bằng cách là làm đi, tôi mua tất. Tôi đâu có tiền, tôi vay tiền ngân hàng để mua, giúp họ giữ nghề.
Nhiều lần tôi cũng thế chấp nhà để lấy tiền trả cho nhân viên. Tất cả những khó khăn đó tôi đều đã trải qua. Các bạn trẻ bây giờ không thể nói thấy khó khăn là lẩn tránh, kêu ca. Một tín hiệu vui là hai năm trở lại đây, nhiều nhà thiết kế đi theo con đường của Lan Hương, để khôi phục áo dài và các làng nghề truyền thống.
Gia đình có ủng hộ những việc chị làm?
- Rất may ông xã hiểu và cùng làm với tôi. Chúng tôi đã đồng cam cộng khổ từ khi còn hai bàn tay trắng, trải qua những ngày vất vả cùng nhau. Bản thân tôi là người phụ nữ hài hòa giữa công việc với gia đình, đối nội, đối ngoại. Anh ấy ghi nhận những điều đó.
Các con có muốn theo nghề thiết kế của chị không?
- Hiện tại hai con trai tôi đều có say mê riêng. Tôi có dạy hai con một câu thế này: “Con có thể làm bất cứ nghề gì con thích, nhưng nên nhớ nếu là người quét rác thì hãy là người quét rác giỏi. Làm gì cũng được, miễn là phải say mê thực sự”. Cơ duyên không biết thế nào, kể cả một người ngoài nếu yêu công việc, thì tôi đều có thể chân truyền, để cùng tôi viết tiếp câu chuyện về áo dài truyền thống.
- Cảm ơn chị đã chia sẻ!