Giáo viên cần làm gì để tăng cường năng lực dạy học trực tuyến?

GD&TĐ - Kĩ năng CNTT không phải chỉ là thao tác sử dụng máy tính, mà quan trọng nhất là sử dụng CNTT để thiết kế kế hoạch giảng dạy khoa học, đúng theo tinh thần đổi mới phương pháp, sử dụng hiệu quả, linh hoạt.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - nhấn mạnh điều này trong tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nâng cao hiệu quả dạy và học trực tuyến thích ứng với dịch Covid-19" do Báo Lao động tổ chức chiều 22/12.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết: Ngành Giáo dục đã tổ chức dạy học trực tuyến trong bối cảnh Covid-19 bắt đầu sau khi dịch bệnh bùng phát từ học kì 2 năm học 2019 - 2020 cho đến nay. Giữa các đợt dịch bùng phát, cũng có những giai đoạn học sinh được đến trường, nhưng giải pháp dạy học trực tuyến vẫn được duy trì.

Ban đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các văn bản hướng dẫn để nhà trường triển khai dạy học trực tuyến; tinh thần là “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Sau đó, để chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi, Bộ đã ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT, quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

Sau thời gian đầu có lúng túng nhất định, thầy trò đã dần dần thích nghi, năng lực công nghệ thông tin của thầy cô, học sinh tăng lên vượt bậc. Tại nhiều địa phương, việc học được duy trì. Nhiều địa phương, nhà trường thực hiện vừa dạy học vừa kiểm tra, đánh giá trực tuyến, đảm bảo chất lượng, yêu cầu theo Thông tư 09.

Tất nhiên, trong quá trình triển khai dạy học trực tuyến vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Một số khó khăn được PGS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh là: Cơ sở hạ tầng; nguồn học liệu học trực tuyến; năng lực khai thác, sử dụng của thầy cô; khó khăn về thiết bị, khả năng tự học của học sinh...

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao đổi với phóng viên Báo Lao Động tại tọa đàm.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao đổi với phóng viên Báo Lao Động tại tọa đàm.

Thời gian qua, ngoài văn bản hướng dẫn, PGS Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn tài liệu bồi dưỡng, tăng cường năng lực dạy học trực tuyến cho các thầy cô, triển khai tập huấn cho giáo viên cốt cán và bộ tài liệu đã được gửi đến các nhà trường, thầy cô.

Tài liệu này không chỉ có các bài hướng dẫn, mà còn có cả video clip hướng dẫn thầy cô sử dụng công nghệ thông tin, từ việc tổ chức bài học như thế nào, xây dựng các video bài giảng hỗ trợ ra sao, giao cho học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập như thế nào để trước giờ dạy trực tuyến học sinh đã có sản phẩm thảo luận; mục đích rút ngắn thời gian ngồi trong lớp học ảo, tương tác trực tiếp với thầy cô, bạn bè để giờ học hiệu quả, tích cực hơn, không bê nguyên bài học, thời khóa biểu học trực tiếp sang học trực tuyến.

PGS Nguyễn Xuân Thành mong muốn các thầy cô, nhà trường nghiên cứu kĩ tài liệu hướng dẫn của Bộ Giáo dục và đào tạo, đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy. Trong dạy học trực tiếp cũng không phải hỏi đáp liên tục với học trò. Muốn dạy học sinh phát triển năng lực, giờ học tích cực phải là giờ học cơ bản tĩnh, có thì giờ cho học sinh tư duy độc lập, trả lời câu hỏi thầy cô nêu.

Trong tài liệu hướng dẫn dạy học trực tuyến đã nêu rõ làm thế nào giảm thời gian giảng trên lớp học trực tuyến, cố gắng để học sinh lên lớp không phải chỉ ngồi nghe cô giảng như trên lớp học trực tiếp.

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nâng cao hiệu quả dạy và học trực tuyến thích ứng với dịch Covid-19".
Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nâng cao hiệu quả dạy và học trực tuyến thích ứng với dịch Covid-19".

“Bộ cũng đã hướng dẫn thầy cô sản xuất video clip hỗ trợ học trực tuyến. Các video không cần tốn kém, trong 5, 10 phút gửi học sinh nghiệm thu với những câu lệnh rõ ràng. Như vậy, không phải ngồi trước màn hình để nghe cô giảng; học sinh có thể chủ động nghe trước, khi lên lớp học trực tuyến giảm thiểu được thời gian ngồi nghe cô giảng bài. 1 tiết học 45 phút có thể rút xuống 30 phút.

Lúc đó, học sinh trả bài cho cô trước khi khi vào lớp học trực tuyến, gọi từng em, từng nhóm, có thời gian trình bày, học sinh nhận xét và giáo viên kết luận. Như vậy, có nhiều sự tương tác, khắc phục được hạn chế khi cô hỏi đáp liên tục. Những điều này trong văn bản hướng dẫn đã có. Mong các thầy cô nghiên cứu kĩ, xây dựng kịch bản dạy học trực tuyến phù hợp hơn” – PGS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng nhấn mạnh thêm: Kĩ năng công nghệ thông tin không phải chỉ là thao tác sử dụng máy tính mà quan trọng nhất là sử dụng công nghệ thông tin để thiết kế kế hoạch giảng dạy khoa học, đúng theo tinh thần đổi mới phương pháp, sử dụng hiệu quả và linh hoạt.

Nếu có hệ thống MLS hoặc NCMS, việc học sinh có tài khoản, thầy cô có tài khoản, học sinh có thể truy cập xem video, nguồn tài liệu, các nội dung, đề mục thầy cô giao,... Những điều này chúng ta cũng từng bước phát triển hướng đến việc giảm nhẹ công việc của thầy cô, dần dần sẽ hiệu quả hơn trong việc dạy và học trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ