Dạy học trực tuyến: Thầy cô giúp nhau cùng tiến bộ

GD&TĐ - Trong thời gian dạy học trực tuyến, nhiều giáo viên đã không ngừng tự học, sáng tạo nhằm mang đến những điều mới lạ, bổ ích cho học sinh.

Buổi sinh hoạt chuyên môn của giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung (TX Sơn Tây, Hà Nội).
Buổi sinh hoạt chuyên môn của giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung (TX Sơn Tây, Hà Nội).

Bằng cách này, họ không chỉ trở thành những giáo viên giỏi chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục mà thực sự đã trở thành những tấm gương sáng cho học trò noi theo.

Giúp học sinh nghèo học trực tuyến

Thiệt thòi lớn nhất của học sinh các huyện ngoại thành là nhiều gia đình có điều kiện kinh tế hạn chế nên không được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ hiện đại. Biến hạn chế thành thời cơ, cô Nguyễn Thị Hồng - giáo viên Trường Tiểu học Tân Lập, (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã có nhiều sáng tạo trong dạy và học, kích thích sự say mê, hứng thú của học trò.

Cô Hồng tâm sự: “Học sinh ngoại thành thiệt thòi hơn nhiều so với bạn bè ở khu vực trung tâm thành phố. Ít có điện thoại thông minh, hạn chế hoặc không có máy tính để sử dụng, những thiết bị công nghệ hiện đại đối với nhiều học sinh là niềm ước mơ. Cũng vì sự không đủ đầy ấy khiến tôi nghĩ rằng, các em sẽ rất thích, đặc biệt đam mê nếu được truyền cảm hứng từ những bài học mới mẻ”.

Giải quyết trăn trở ấy, cách đây nhiều năm, khi mà công nghệ thông tin chưa phổ biến và ứng dụng rộng rãi, cô Hồng đã nghĩ đến và thực hiện thiết kế bài giảng điện tử, bài giảng E-learning, thành lập kho tư liệu gồm các bài giảng, clip quà tặng cuộc sống phục vụ cho các tiết học Đạo đức, Tiếng Việt, Kỹ năng sống... để truyền cảm hứng cho học trò và chia sẻ với đồng nghiệp.

Để khích lệ sự thi đua của học sinh, cô Hồng dùng phần mềm Class Dojo trong quản lý, đánh giá. Những học sinh chăm chỉ, tích cực... sẽ được thưởng sao (điểm cộng: Chăm chỉ, tích cực, hăng hái phát biểu, giúp đỡ bạn...), điểm trừ (quên sách vở, nói chuyện, không làm bài...). Cuối tuần, cuối tháng những trò ngoan, học tốt, gương mẫu sẽ được cô giáo thưởng cho những món quà nhỏ để động viên.

Đặc biệt, trong thời điểm học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô đã dùng các trò chơi hiện đại để tạo hứng thú cho học sinh bằng cách sử phần mềm Kahoot.vn; Nerpod.com; Weel of name… Đáp lại sự nhiệt tình đổi mới của cô giáo, học sinh vô cùng thích thú với những tiết học trực tuyến.

Theo cô Hồng, một trong những hạn chế lớn nhất của giáo viên trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để giảng dạy là ngoại ngữ. Do không biết nhiều về tiếng Anh mà các phần mềm phần lớn sử dụng tiếng Anh nhiều khi cô vừa làm vừa nhờ Google dịch hộ. Lúc đầu, chưa quen, mất nhiều thời gian nhưng sau nhờ sự cố gắng, cô  đã vượt qua tất cả.

Trong năm học này, cô Hồng đã khai thác có hiệu quả các trang học tập trực tuyến: olm.vn; vio.edu.vn; hocmai.vn; sử dụng có hiệu quả tài nguyên của sách giáo khoa điện tử; tạo bài giảng, phiếu bài tập online trên Google biểu mẫu giúp tiết học trực tuyến trở nên sinh động, hấp dẫn, tạo động lực và hứng thú học tập cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Hồng - giáo viên Trường Tiểu học Tân Lập (huyện Đan Phượng, Hà Nội).
Cô Nguyễn Thị Hồng - giáo viên Trường Tiểu học Tân Lập (huyện Đan Phượng, Hà Nội).

Chia sẻ cùng tiến bộ

Cô Nguyễn Thị Bích Loan, giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung, (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) năm nay gần 50 tuổi nhưng đã không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ công nghệ thông tin, thiết kế bài giảng sáng tạo giúp học sinh hứng thú với giờ học trực tuyến.

Không những thế, cô còn là hạt nhân của Câu lạc bộ Công nghệ thông tin (CNTT) của nhà trường, cùng chia sẻ các kinh nghiệm về ứng dụng CNTT trong việc dạy và học trực tuyến.

Cô Loan chia sẻ: Các thầy cô thường rất ngại khi gặp vấn đề về công nghệ nên tôi đã động viên, khuyến khích đồng nghiệp bằng cách đề xuất với nhà trường tổ chức các chuyên đề về ứng dụng CNTT; hướng dẫn  đồng nghiệp thông qua hình thức trực tiếp, trực tuyến.

Cô cũng động viên mỗi thầy cô hãy tận dụng lợi thế của mình: Thầy cô có tuổi thì nhờ con cháu; thầy cô trẻ  có sẵn ưu điểm về sự nhanh nhẹn trong việc sử dụng mạng xã hội… Bên cạnh đó, cô còn sưu tầm các video hướng dẫn có sẵn trên Internet để gửi đồng nghiệp tự học.

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của cô Nguyễn Thị Bích Loan cùng tổ CNTT của nhà trường, từ chỗ nhiều thầy cô chưa tận tường về các phần mềm dạy học đến nay, tất cả giáo viên trong trường đã sử dụng thành thạo Zoom - ứng dụng dạy trực tuyến phù hợp với học sinh tiểu học để dạy học.

Kết hợp với đó, là sử dụng có hiệu quả các ứng dụng Qiuizi, Padlet, Educandy, Azota... giúp tăng tương tác và hứng thú cho học sinh. Mỗi buổi học trực tuyến giờ đây là những giây phút vui vẻ, hào hứng của cả thầy - trò.

Cô Trần Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung cho biết: Không chỉ là một giáo viên giỏi chuyên môn, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh, đem đến những bài giảng E-learning hấp dẫn, cuốn hút học trò, cô Loan còn là tấm gương cho tinh thần tự học, sáng tạo.

Ngoài ra, cô đã phổ biến nội dung sử dụng Google Driver trong quản lý giáo án trong giáo viên nhà trường và phổ biến rộng rãi cho giáo viên toàn thị xã Sơn Tây. Nhờ đó giảm rất lớn công sức, tiền bạc của giáo viên khi không phải in giáo án, đồng thời tạo sự thuận lợi cho thầy cô giáo khi sử dụng cũng như cho Ban giám hiệu khi kiểm tra đánh giá giáo viên ở mọi lúc, mọi nơi.

Tăng cường kỹ năng sử dụng CNTT đã giúp nhà trường linh hoạt trong kế hoạch dạy học ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Qua thời gian học trực tuyến, trình độ công nghệ của các thầy cô được nâng lên rất nhiều. Và điều ý nghĩa hơn, thầy cô đã cùng nhau chia sẻ các kiến thức để cùng sử dụng tốt CNTT, tạo hứng thú cho học sinh, giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả dạy học. - Cô Trần Thị Thu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.