Những chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5/2022

GD&TĐ - Trong tháng 5, nhiều chính sách mới về giáo dục sẽ có hiệu lực. Trong đó có chính sách liên quan đến sinh viên; dạy học trực tuyến; tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa...

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Sinh viên ngành Toán được cấp học bổng 2,4 triệu đồng/tháng

Bộ Tài chính ban hành vừa ban hành Thông tư số 22/2022/TT-BTC hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện Chương trình trọng điểm Quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 - 2030.

Theo đó, tại khoản 2 Điều 6 của Thông tư, sinh viên ngành Toán sẽ được xét cấp học bổng theo các tiêu chí quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để thu hút và nâng cao chất lượng. Mức học bổng bằng mức trần học phí của năm học hiện hành đối với chuyên ngành Toán tại cơ sở giáo dục đại học quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Theo đó, sinh viên ngành Toán có thể được cấp học bổng 2,4 triệu đồng/tháng; cấp theo từng kỳ học và cấp 10 tháng trong năm học.

Thông tư cũng quy định một số nội dung chi đào tạo tài năng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Toán như: Chi đào tạo, bồi dưỡng cho học viên, sinh viên sư phạm ngành Toán, giáo viên môn Toán cốt cán, giáo viên trung học phổ thông chuyên Toán; tổ chức các khóa bồi dưỡng dành cho học sinh, sinh viên; bồi dưỡng giảng viên môn Toán các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; chi hỗ trợ kinh phí đối với nghiên cứu sinh để tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế và đi thực tập ngắn hạn ở nước ngoài trong lĩnh vực Toán ứng dụng và Toán công nghiệp...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/5/2022.

Sinh viên khó khăn được vay vốn tới 4 triệu đồng/tháng

Từ ngày 19/5, Quyết định 05/2022/QĐ-TTg có hiệu lực, đã điều chỉnh quy định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Cụ thể, mức vay vốn tối đa của mỗi sinh viên tăng từ 2,5 triệu đồng/tháng lên 4 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, những học sinh, sinh viên được vay vốn phải nằm trong diện có hoàn cảnh khó khăn như mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo hoặc hộ có mức sống trung bình; gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh…

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Nội dung nguyên tắc dạy học trực tuyến

Nguyên tắc dạy học trực tuyến được quy định tại Điều 4 Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.

Cụ thể: Nội dung dạy học trực tuyến phải đáp ứng mức độ cần đạt hoặc yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; Bảo đảm các điều kiện tối thiểu về hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến và đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu tổ chức dạy học trực tuyến; Tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn thông tin, quy định về dữ liệu, thông tin cá nhân, sở hữu trí tuệ theo các quy định của pháp luật.

Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 16/5/2021.

Tốt nghiệp cử nhân có thể học nghiệp vụ sư phạm để làm giáo viên

Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với cử nhân chuyên ngành phù hợp muốn trở thành giáo viên các cấp.

Đối với cấp tiểu học: Theo Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT , người có bằng cử nhân chuyên ngành Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiểu học. Khối lượng chương trình gồm 35 tín chỉ, trong đó, phần bắt buộc có 31 tín chỉ (TC) và phần tự chọn có 4 TC.

Đối với cấp THCS, THPT: Theo Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT, người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong các môn học của cấp THCS, THPT có nguyện vọng trở thành giáo viên THCS, THPT được tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm THCS, THPT. Thời lượng chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm gồm: Khối học phần chung có 17 tín chỉ và khối học phần nhánh có 17 TC nhánh THCS, 17 TC nhánh THPT.

Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/5/2021.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Sửa đổi quy định về tiêu chuẩn người biên soạn sách giáo khoa

Thông tư 05/2022/TT-BGDĐT sửa đổi Quy định tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa (SGK) ban hành kèm theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 5/5/2022.

Theo đó, người biên soạn SGK phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên theo chuyên ngành phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có SGK được biên soạn; Am hiểu về khoa học giáo dục; Có ít nhất ba năm trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có SGK được biên soạn; Là công dân Việt Nam, có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt.

Thời gian tối đa hoàn thành học trung cấp, cao đẳng

Kể từ ngày 15/5/2022, Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định về tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo tín chỉ chính thức có hiệu lực.

Theo đó, thời gian tối đa để người học hoàn thành chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng sẽ do hiệu trưởng quyết định nhưng phải đảm bảo: không vượt quá 1,5 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ 2 đến 3 năm học; không vượt quá 2 lần thời gian đào tạo đối với chương trình từ một đến dưới 2 năm học. Như vậy, thời gian học trung cấp, cao đẳng tối đa đến 4,5 năm đối với các chương trình đào tạo 3 năm.

Trong khi hiện nay, Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH quy định thời gian tối đa không vượt quá 2 lần thời gian thiết kế cho chương trình từ 2 đến 3 năm học, không vượt quá 3 lần thời gian thiết kế cho chương trình từ một đến dưới 2 năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...