Giao lưu trực tuyến "Thầy cô vùng khó sáng tạo dạy học trực tuyến"

“Thầy cô vùng khó sáng tạo dạy học trực tuyến” là chủ đề giao lưu trực tuyến trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử diễn ra từ 9h00 đến 10h00 ngày 23/11/2021.

Giao lưu trực tuyến "Thầy cô vùng khó sáng tạo dạy học trực tuyến"

Tham gia chương trình có các khách mời:

  • Thầy Hồ Trường Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 4, huyện Diễn Châu, Nghệ An; 
  • Cô Lữ Thị Thanh Hải – Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quế Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An

Trước diễn biến của dịch Covid-19, ngành giáo dục các địa phương cũng như mỗi đơn vị trường học đã chủ động chuẩn bị phương án dạy học trực tuyến, trực tiếp và kết hợp. Mục tiêu không để gián đoạn việc học và không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau.

Trong điều kiện nhiều nơi hiện chưa thể thực hiện hình thức dạy học truyền thống, thì dạy học online được xem là giải pháp tối ưu, nhằm đảm bảo tiến độ chương trình, kế hoạch năm học.

Tuy nhiên, việc dạy học trực tuyến ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới... còn gặp nhiều khó khăn cả phía người dạy và người học. Từ cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đến nội dung, phương pháp, thời lượng, hàm lượng kiến thức... dạy học trực tuyến.

Tham gia chương trình giao lưu trực tuyến lần này là thầy hiệu trưởng của trường THPT ở vùng nông thôn, và cô giáo tại trường phổ thông dân tộc nội trú THCS tại tỉnh Nghệ An.

Tại đây, dù điều kiện dạy học trực tuyến chưa thể đảm bảo đầy đủ ngay trong dịp đầu năm học mới, tuy nhiên, từ cán bộ quản lý, đến mỗi giáo viên nhà trường đã có nhiều giải pháp linh hoạt sáng tạo, đưa bài giảng đến từng học sinh. Kể cả những em ở trong bản sâu, vùng biên giới cũng được học online cơ bản đầy đủ.

Những mô hình, cách làm hay trong dạy học trực tuyến sẽ được các khách mời chia sẻ, nhằm mục đích lan tỏa, nhân rộng hơn, để nhiều đơn vị, trường học có thể áp dụng nhân tố phù hợp với thực tiễn dạy học của mình.

Ngay từ bây giờ, bạn đọc quan tâm đến vấn đề này, có thể gửi câu hỏi tới các khách mời theo qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook của Báo www.fb.com/giaoducthoidai.

Thầy Hồ Trường Sơn

Thầy Hồ Trường Sơn

Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 4, huyện Diễn Châu, Nghệ An

Cô Lữ Thị Thanh Hải

Cô Lữ Thị Thanh Hải

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quế Phong, huyện Quế Phong, Nghệ An

Bạn đọc

Bạn thanhphong@gmail...:

Giờ đây việc dạy học đã ổn định, cô mong muốn, cô có kiến nghị gì để việc dạy học của cô trò trường dân tộc nội trú đạt hiệu quả tốt nhất không, thưa cô?
Cô Lữ Thị Thanh Hải

Cô Lữ Thị Thanh Hải

Trước hết, tôi mong muốn học sinh khó khăn của trường có thêm nhiều hỗ trợ, giúp đỡ về trang thiết bị dạy học, đặc biệt là thiết bị dạy học trực tuyến. Với học sinh nội trú, học tập trực tiếp chiếm phần lớn thời gian. Nhưng kỹ năng sử dụng thiết bị trực tuyến, những kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin cũng rất quan trọng để các em được cập nhật để phục vụ cho việc học tập lâu dài sau này.

Giờ sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quế Phong (Nghệ An).

Giờ sinh hoạt ngoại khóa của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quế Phong (Nghệ An).

Tôi cũng mong trường chúng tôi được quan tâm tu bổ cơ sở vật chất, các phòng học chức năng và khu ký túc cho học sinh. Để các em có điều kiện học tập, sinh hoạt đạt hiệu quả và chất lượng tốt nhất.

Bạn đọc

Bạn haitrung@gmail...:

Về phía nhà trường, tổ bộ môn có hình thức sinh hoạt chuyên môn tập huấn gì để nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, thiết kế bài giảng điện tử, thưa cô?
Cô Lữ Thị Thanh Hải

Cô Lữ Thị Thanh Hải

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong cũng như ban giám hiệu nhà trường thường xuyên tập huấn, trao đổi, sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên trong đổi mới dạy học. Bồi dưỡng cho giáo viên có thêm nhiều kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học đáp ứng chương trình mới, nhất là với khối 6 năm nay bắt đầu học sách giáo khoa mới.

Trường cũng kết hợp với các nhà mạng để tập huấn cho chúng tôi về cách dạy học trực tuyến, trao đổi sinh hoạt chuyên môn trực tuyến. Qua đó có thể chủ động dạy học trong bất cứ tình huống nào trong thực tiễn.

Bạn đọc

Bạn tuanphong@gmail...:

Qua việc kết hợp giữa dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp, cô thấy bản thân mình có được nâng cao kỹ năng, phương pháp dạy học?
Cô Lữ Thị Thanh Hải

Cô Lữ Thị Thanh Hải

Qua việc kết hợp đó tôi thấy bản thân nâng cao hơn kỹ năng và phương pháp dạy học nhất là linh hoạt hơn ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin trong dạy học. Tôi cũng bắt đầu tiếp cận chuyển đổi số, soạn giáo án điện tử, tìm kiếm thêm các nguồn thông tin, tài liệu để cập nhật, bổ sung vào bài giảng của mình, đem đến tiết học sinh động cho học sinh.

Bản thân tôi biết đến hình thức dạy học mới, ngoài hình thức dạy học truyền thống. Sự tương tác giữa cô và trò thường xuyên hơn, linh hoạt hơn, mọi lúc mọi nơi. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với giáo viên và học sinh của trường dân tộc nội trú khi giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức mà còn là người dạy các em nhiều kỹ năng khác trong học tập, cuộc sống. 

Bạn đọc

Bạn baokhang@gmail...:

Sau khi dạy học trực tiếp, cô có tiếp tục duy trì hình thức trực tuyến cho học sinh hay không?
Cô Lữ Thị Thanh Hải

Cô Lữ Thị Thanh Hải

Vì là trường Phổ thông Dân tộc nội trú, vì vậy sau khi dạy học trực tiếp, chúng tôi không duy trì cá bài giảng trực tuyến nữa. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, tôi vẫn thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học, thay đổi phương pháp để học sinh hứng thú hơn với bài học.

Cô Lữ Thị Thanh Hải và học sinh trong giờ học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quế Phong.

Cô Lữ Thị Thanh Hải và học sinh trong giờ học tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quế Phong.

Bên cạnh đó, sau các tiết học trên lớp, cô trò vẫn duy trì tương tác với nhau qua Zoom, Zalo, Facebook, vừa để trao đổi bài, giải đáp thắc mắc cho các em, vừa để quản lý lớp học mà tôi phụ trách.

Bạn đọc

Bạn thuthuy@gmail...:

Sau khi học trực tuyến bao lâu thì nhà trường chính thức quay lại dạy học trực tiếp? Lúc đó, cô đánh giá chất lượng học sinh và tiến độ chương trình năm học của các lớp mình phụ trách thế nào?
Cô Lữ Thị Thanh Hải

Cô Lữ Thị Thanh Hải

May mắn dịch bệnh được khống chế. Sau gần 1 tháng, trường chúng tôi đã dạy học trực tiếp trở lại. Qua kiểm tra, các con nắm vững kiến thức cơ bản, giáo viên không phải dạy lại, chương trình dạy học trực tuyến của nhà trường có kết quả.

Một trong số những hoạt động thể thao của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quế Phong sau khi được trở lại trường học trực tiếp.

Một trong số những hoạt động thể thao của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quế Phong sau khi được trở lại trường học trực tiếp.

 

Bạn đọc

Bạn ngocanh@gmail...:

Khó khăn nhất đối với giáo viên khi dạy học trực tuyến là gì, thưa cô? Là giáo viên, cô đã phải học hỏi, trang bị cho mình kỹ năng gì để có thể đáp ứng yêu cầu hình thức dạy học mới?
Cô Lữ Thị Thanh Hải

Cô Lữ Thị Thanh Hải

Khó khăn lớn nhất của giáo viên dạy trực tuyến là tìm hiểu và vận động học sinh tham gia, trong khi các em ở vùng cao gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bản thân tôi, với sự chuẩn bị và nỗ lực liên lạc với các em, rất may khó khăn này đã kịp thời được giải quyết vào đầu năm học. Các em đi học đầy đủ, không vắng bạn nào, đó là thành công lớn nhất rồi.

Là giáo viên, khi dạy học trực tuyến, tôi phải trang bị đầy đủ các kiến thức ứng dụng công nghệ thông tin. Từ việc soạn bài giảng, thiết kế slide bài giảng phong phú, sinh động, dễ nhìn cho học sinh, tải bài giảng lên hệ thống LMS, hình thành kỹ năng quản lý, kiểm soát lớp học trực tuyến, thu hút sự chú ý học sinh vào bài giảng tăng tương tác cô và trò...

Bạn đọc

Bạn bangtam@gmail...:

Trong thời gian dạy học trực tuyến, cô đã dạy các em những kiến thức gì để học sinh dân tộc thiểu số ở các bản làng có thể tiếp thu hiệu quả, đạt mục tiêu bài giảng?
Cô Lữ Thị Thanh Hải

Cô Lữ Thị Thanh Hải

Thời gian dạy học trực tuyến, giáo viên chúng tôi bám sát công văn hướng dẫn của Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo và chỉ đạo cụ thể của Phòng Giáo dục và Đào tạo Quế Phong. Cụ thể, tôi chủ yếu truyền đạt kiến thức cơ bản, cốt lõi của bài học để các em nắm được vấn đề. 

Đối với học sinh dân tộc thiểu số, nhất là những em lớp 6 mới nhập học và đã phải học online, các em cần làm quen với nhiều phương pháp, kỹ năng mới mẻ. Từ việc thao tác trên máy, lắng nghe, ghi chép bài giảng đều phải chủ động, tự giác. Vì vậy, tôi cố gắng truyền đạt dễ hiểu, tốc độ chậm, có thể dừng lại để lắng nghe thắc mắc của học sinh. 

Cô Lữ Thị Thanh Hải và học sinh lớp 6A1 sau khi các em được đến trường trực tiếp.

Cô Lữ Thị Thanh Hải và học sinh lớp 6A1 sau khi các em được đến trường trực tiếp.

Cũng có trường hợp khi học, sóng điện thoại, kết nối Internet của học sinh chập chờn thì tôi giao cho 1 bạn học tốt, chữ đẹp, ở vùng thuận lợi ghi chép lại toàn bộ bài giảng của cô. Sau đó chụp lại và gửi vào zalo nhóm lớp để những em bị out ra ngoài có thể bổ sung.

Còn kiến thức vận dụng và vận dụng cao tôi chưa triển khai trong thời gian dạy học trực tuyến. Trường chúng tôi là trường nội trú, vì vậy khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, tôi sẽ dành thời gian để rà soát, phụ đạo và dạy các kiến thức ở mức độ khó hơn cho học sinh, sau khi các em đã nắm được cơ bản.

Bạn đọc

Bạn tuanhung@gmail...:

Quá trình dạy học cô đã có biện pháp gì để động viên các em tham gia đầy đủ?
Cô Lữ Thị Thanh Hải

Cô Lữ Thị Thanh Hải

Để có được tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến đầy đủ, giáo viên chúng tôi đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chu đáo. Trước đó, tôi tìm hiểu hoàn cảnh những khó khăn các con gặp phải trong quá trình chuẩn bị học trực tuyến như: Thiếu máy, thiếu thiết bị, chưa thông thạo trong đăng nhập phần mềm học trực tuyến.

Học sinh nào gặp khó khăn, thiếu máy phải học ghép thì báo với nhà trường để vận động các nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi tổ chức, nhà hảo tâm giúp đỡ thiết bị sóng điện thoại cho các em học sinh.

Trước khi bắt đầu vào dạy học chính thức, tôi dành một số buổi hướng dẫn học sinh đăng nhập thành thạo để mỗi tiết học các con vào học đúng thời gian. Khi dạy học, tôi cũng trò chuyện, động viên để học sinh trong lớp cảm nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cô giáo, nhà trường, giúp các em yên tâm học tập.

Ngoài ra, trong quá trình học, tôi cũng để học sinh tương tác, làm quen với nhau, trao đổi trực tiếp với cô, khiến tiết học không nhàm chán.

Bạn đọc

Bạn haiphong@gmail...:

Là giáo viên bộ môn, ngoài lớp chủ nhiệm, cô còn tham gia dạy các lớp khác. Vậy tỷ lệ tham gia học trực tuyến của các lớp mà cô dạy học như thế nào?
Cô Lữ Thị Thanh Hải

Cô Lữ Thị Thanh Hải

Ngoài là giáo viên chủ nhiệm, tôi còn là giáo viên bộ môn dạy học nhiều lớp khác. Nhưng điều khiến bản thân tôi và cả các giáo viên khác trong trường bất ngờ, xúc động là tỉ lệ các con tham gia rất tích cực. Trong tuần đầu tiên là 89%, nhưng sau tuần thứ 2 là 100% tham gia học trực tuyến đầy đủ.

Điều đáng nói, tỷ lệ này cao nhất ở khối 6, khối mới nhập học khi các con còn chưa gặp thầy cô, nhưng tham gia rất nhiệt tình, háo hức.

Đại diện trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quế Phong tặng sách vở, quà cho học sinh lớp 6 có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp đầu năm học mới.

Đại diện trường Phổ thông Dân tộc  nội trú THCS Quế Phong tặng sách vở, quà cho học sinh lớp 6 có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp đầu năm học mới.

Tỷ lệ dạy học trực tuyến như trên, đối với trường vùng thuận lợi là bình thường, nhưng đối với trường vùng cao, đặc biệt là lớp học có học sinh đến từ nhiều xã, bản xa xôi thì là một kỳ tích. Đó không chỉ là cố gắng, trách nhiệm của giáo viên, mà đến từ sự nỗ lực, quan tâm đến con em của phụ huynh và sự cố gắng, ham học của học sinh.

Bạn đọc

Bạn donghung@gmail...:

Sự nỗ lực của học sinh khiến cô có cảm xúc như thế nào trong năm học bắt đầu bằng cách đặc biệt như vậy?
Cô Lữ Thị Thanh Hải

Cô Lữ Thị Thanh Hải

Sự nỗ lực của 2 em Xồng A Thành Và Xồng A Dần đã làm cho tôi xúc động không kìm được nước mắt. Hơn 1 tháng cô trò tìm nhau, nhà trường đã học trực tuyến được một tuần phụ huynh mới liên lạc được với cô vậy mà ngay trong buổi đầu liên lạc, phụ huynh em Dần nói các con đã sẵn sàng, cô bày cho các con vào học với và gửi cho cô tấm hình chụp các con.

Lần đầu tiên tôi được gặp A Thành và A Dần qua điện thoại, rồi qua ảnh thấy các con sạch sẽ tươm tất bên bộ sách giáo khoa lúc đó, cô cũng mới biết là sách vở mình tìm cách gửi vào bản đã đến tay các con. Các con đã dựng lán trên đỉnh núi cao nhất, cách nhà đi 30 phút xe máy để hứng sóng cho con học trực tuyến.

Thời điểm đó, tôi thấy nhiều người ở vùng thuận lợi hơn viện đủ mọi lý do để kêu khó khăn, bất cập dạy học online. Nhưng ở xã biên giới xa xôi hẻo lánh nhất, không điện, đường, phải leo tới tận bìa rừng tìm sóng, thì phụ huynh không hề than vãn. Bố của A Dần chỉ nhờ cô bày cho các con cách làm thế nào để học. Điều đó khiến một giáo viên đã nhiều năm gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số như tôi thấy ấm lòng vô cùng.

Bạn đọc

Bạn khanhhuyen@gmail...:

Đầu năm học 2021-222, có nhiều hình ảnh học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số trên cả nước dựng lán học trực tuyến được chia sẻ rộng rãi thu hút nhiều sự quan tậm của bạn đọc. Trong đó có cả hình ảnh học sinh lớp cô, đúng không ạ?
Cô Lữ Thị Thanh Hải

Cô Lữ Thị Thanh Hải

Đúng là trong số những hình ảnh đó, có hình ảnh hai em Xồng A Thành và Xồng A Dần lớp tôi chủ nhiệm. Đây là 2 trường hợp đặc biệt nhà ở bản Mường Lống, xã biên giới Tri Lễ, tôi mất gần 2 tháng tìm cách liên lạc. Và đây cũng là 2 em nhập học muộn nhất lớp khi cô và các bạn đã dạy học trực tuyến được 1 tuần.

Tôi nhớ hôm đó, vào khoảng 8h sáng, tôi nhận được cuộc điện thoại, trong đó hiện lên số máy “bố của A Dần”, tôi rất mừng. Đầu dây bên kia là anh Xồng Bá Tủa – bố Dần chào cô giáo. Anh thông báo là 2 cháu Xồng A Dần và Xồng A Thành cùng ở Mường Lống nhận được tin của trưởng bản và hôm nay mới gọi được cho cô giáo.

Em Xồng A Thành và Xồng A Dần (lớp 6A1 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quế Phong, Nghệ An), dựng lán học trực tuyến ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, Quế Phong dịp đầu năm học 2021-2022. Ảnh NVCC.

Em Xồng A Thành và Xồng A Dần (lớp 6A1 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quế Phong, Nghệ An), dựng lán học trực tuyến ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, Quế Phong dịp đầu năm học 2021-2022. Ảnh NVCC.

Gặp được phụ huynh, tôi thông báo cho phụ huynh về kế hoạch dạy học trực tuyến của nhà trường. Nhưng tôi không biết ở Mường Lống (xã Tri Lễ) biệt lập, khó khăn như vậy, gia đình có điều kiện cho cháu tham gia được hay không. Thật bất ngờ, bố của Dần khi nói ngay: “Học được, cô bày cho cháu cách vào học với. Bố nhường máy điện thoại cho Dần với bạn là A Thành học”.

Tôi nói bố có thể chụp cho cô nơi học tập của 2 bạn được không. Sau đó, hình ảnh tôi nhận được là 2 em quần áo tươm tất ngồi trên một cái chòi dựng giữa rừng. Thì ra, sau khi nghe tin từ trưởng bản, bố của A Dần chưa gọi cho cô ngay, mà tìm nơi có sóng, dựng lán cho con học. Đến khi chuẩn bị xong xuôi thì mới liên lạc với cô.

Bạn đọc

Bạn nhuegiang@gmail...:

Xin thầy cho biết, trong trường hợp chia lớp giãn cách hoặc dạy học trực tuyến song song với trực tiếp sẽ gặp khó khăn gì (cơ sở vật chất, giáo viên tăng giờ, sắp xếp thời khóa biểu, chất lượng....)?
Thầy Hồ Trường Sơn

Thầy Hồ Trường Sơn

Trên thực tế, việc tổ chức dạy học trực tiếp giãn cách hoặc song song trực tiếp với trực tuyến sẽ có một số khó khăn nhất định. Cụ thể:

Cơ sở vật chất: Thiết bị học tập của học sinh chưa đảm bảo, chủ yếu là sử dụng điện thoại, mạng yếu, mất điện cục bộ các địa phương…

Việc sắp xếp thời khóa biểu sẽ phải để ý nhiều tới yếu tố người dạy học 2 ca, tránh tình trạng dạy tiết 5 buổi sáng và tiết 1 buổi chiều.

Chất lượng giờ dạy không đạt được 100% theo kế hoạch xây dựng bài giảng vì có sự ảnh hưởng của một số yếu tố khác.

Tuy nhiên, Trường THPT Diễn Châu 4 đã cố gắng làm tốt việc chỉ đạo, sắp xếp nên giáo viên không phải bố trí tăng giờ dạy. Tuy nhiên giáo viên phải gửi học liệu bổ sung cho học sinh học trực tuyến, phải sử dụng thiết bị thu phát… Học sinh được hỗ trợ máy điện thoại có sim 4G nên việc học tập đảm bảo. Số lượng học sinh vắng học do thiếu thiết bị không còn…

Bạn đọc

Bạn binhan@gmail...:

Trong lớp cô, có học sinh nào bị thiếu thiết bị học tập trực tuyến không? Nếu có, để giúp các em này có thể theo học, cô và nhà trường đã có những giải pháp gì?
Cô Lữ Thị Thanh Hải

Cô Lữ Thị Thanh Hải

Học sinh dân tộc thiểu số của trường nói chung đều khó khăn, phần lớn là con em hộ nghèo. Nhưng lớp 6A1 mà tôi chủ nhiệm năm nay là lớp có nhiều học sinh gặp khó khăn hơn so với các lớp khác. Trong đó có hơn 15 em không có thiết bị học trực tuyến.

Với những em này, trước hết tôi vận động phụ huynh mượn hoặc nhường điện thoại cho con học trực tuyến. Có em điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà không có sóng điện thoại, lớp và và trường kêu gọi hỗ trợ để tặng điện thoại, sim 4G cho các em. Trong thời gian chờ đợi, để các em theo học kịp chương trình, tôi hướng dẫn phụ huynh chở con em đến vùng thuận lợi, có sóng để học. Hoặc đến học nhóm cùng với 1-2 bạn khác trong xã, để có đủ sóng và dùng chung điện thoại học trực tuyến.

Cụ thể như trường hợp em Hà Thị Ngọc ở bản Na Sành (xã Tiền Phong) và Na Tình (xã Nậm Giải), cô gửi số điện thoại của mình về bản và đã được phụ huynh liên lạc lại trước ngày 5/9. Mỗi ngày, hai bạn được bố mẹ chở đến nhà người quen ở vùng có sóng để tham gia học trực tuyến, xong thì mới về nhà.

Bạn đọc

Bạn khoinguyen@gmail...:

Với học sinh lớp 6, trước đó cô trò chưa từng được gặp nhau do giãn cách, trong khi các em lại ở rải rác khắp các xã miền núi cao, vậy cô làm thế nào để liên lạc và hướng dẫn các em học trực tuyến?
Cô Lữ Thị Thanh Hải

Cô Lữ Thị Thanh Hải

Do là học sinh lớp 6, lại trong điều kiện ảnh hưởng dịch bệnh, không tựu trường, khai giảng tập trung, nên cô trò chưa một lần gặp mặt nhau. Nhất là ở vùng cao, biên giới, cô rất khó khăn trong liên lạc với các em.

Từ tháng 8, khi nhà trường có danh sách học sinh trúng tuyển và phân công tôi chủ nhiệm lớp 6A1, tôi đã tìm mọi cách để gặp học sinh của mình, dù là qua điện thoại. Nhưng việc này cũng không thuận lợi. Ngoài những em ở vùng có sóng liên lạc, thì cô có thể gọi được. Từ đó, hướng dẫn học sinh, phụ huynh cài phần mềm, ứng dụng dạy học trực tuyến.

Còn học sinh ở bản lẻ, vùng sâu, vùng xa, thì không thể nào liên lạc được. Thậm chí, có thể các em còn chưa được biết mình đã trúng tuyển vào trường nội trú.

Với những em này, cô đành phải dùng hình thức truyền tin truyền thống, ghi số điện thoại cô vào giấy để gửi vào bản cho học sinh. Tôi nhờ những người dân đi bán hàng, bất cứ người dân nào ở bản có học sinh của mình. Thậm chí không tìm được người cùng bản với học sinh, thì gửi người ở xã gần đó, rồi nhờ họ tiếp tục tìm cách gửi tiếp. Tôi nhắn họ đưa tờ giấy có số điện thoại của cô đến nhà trưởng bản và nhờ trưởng bản thông tin đến phụ huynh các em học sinh để tìm cách liên lạc với cô.

Có em sau đó ít ngày thì bố mẹ đã gọi lại cho cô. Nhưng cũng có bạn ở vùng sâu, vùng xa hơn thì mất cả tháng trời, tin tức mới đến với trưởng bản, phụ huynh và cô trò mới được gặp nhau qua điện thoại.

Bạn đọc

Bạn dinhtam@gmail...:

Được biết, lớp học do cô phụ trách năm nay gồm nhiều học sinh thuộc các dân tộc khác nhau, cô có thể chia sẻ nhiều hơn về đặc thù của lớp mình phụ trách không?
Cô Lữ Thị Thanh Hải

Cô Lữ Thị Thanh Hải

Năm nay tôi chủ nhiệm lớp 6A1, cũng là khóa mới vào trường. Vì đặc thù là trường dân tộc nội trú, nên tổng số lớp 35 em trong lớp đến từ nhiều thành phần dân tộc: Thái, Khơ Mú, H’Mông.

Em Xồng A Thành và Xồng A Dần (lớp 6A1 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quế Phong, Nghệ An), dựng lán học trực tuyến ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, Quế Phong dịp đầu năm học 2021-2022.

Em Xồng A Thành và Xồng A Dần (lớp 6A1 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quế Phong, Nghệ An), dựng lán học trực tuyến ở bản Mường Lống, xã Tri Lễ, Quế Phong dịp đầu năm học 2021-2022.

 

Khác với các trường học tại xã, học sinh của trường nội trú nói chung, và lớp tôi nói riêng ở rải rác khắp 13 xã của huyện biên giới Quế Phong. Nhà các em phần lớn nhà cách xa trường 40 – 50km. Trong đó có 5 em người H’Mông ở bản Mường Lống của xã Tri Lễ, là nơi khó khăn nhất của huyện. Ở đó không có điện thắp sáng không có sóng điện thoại và chưa có đường giao thông đúng nghĩa. Từ trung tâm xã Tri Lễ vào bản Mường Lống chỉ là lối mòn, phải đi xe máy mất gần nửa ngày đường nếu thời tiết thuận lợi. Còn trời mưa, đường trơn trượt, dốc đá hiểm trở, Mường Lống trở nên biệt lập.

Ngoài ra còn có 3 em ở Bản Na Sành xã Tiền Phong không có sóng điện thoại. Em Na Tình, Ngọc Lân Bản Pục (xã Nậm Giải) không có sóng điện thoại, 1 em là người Khơ Mú điều kiện đi lại khó khăn.

Việc liên lạc với các em vô cùng khó khăn, vất vả, thậm chí cho đến tận khi năm học mới bắt đầu vẫn chưa có hồi âm.

Bạn đọc

Bạn giatue@gmail...:

Năm học 2021-2022 có phải là lần đầu tiên cô dạy học trực tuyến? Trước đó cô được tập huấn về phương pháp, hình thức dạy học này chưa?
Cô Lữ Thị Thanh Hải

Cô Lữ Thị Thanh Hải

Đây không phải là năm học đầu tiên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Quế Phong thực hiện dạy học trực tuyến, mà nhà trường đã tiến hành từ năm học trước. Thời điểm đó, là bước vào học kỳ II năm học 2020-2021, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều trường học trưng dụng làm khu cách ly cho người dân từ vùng dịch trở về, nên việc dạy học trực tiếp tạm dừng.

Trong thời gian đó, chúng tôi đã được tập huấn phương pháp dạy học trực tuyến do Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An và Phòng Giáo dục và Đào tạo Quế Phong tổ chức. Cụ thể như tập huấn cách đưa bài giảng, học liệu lên hệ thống LMS; tương tác qua Zoom và mạng xã hội Zalo, Facebook với học sinh, phụ huynh để có được kết nối cao nhất.

Tuy nhiên, năm học trước, việc dạy học trực tuyến chưa bài bản, quy củ như năm nay. Kiến thức giảng dạy chủ yếu là ôn luyện các nội dung đã học. Số lượng học sinh tham gia học trực tuyến cũng chưa đầy đủ. Những em nhà ở bản vùng sâu, vùng xa, không có sóng, thiết bị thì thầy cô in tài liệu, bài tập gửi vào.

Còn năm học này, việc dạy học trực tuyến được triển khai ngay từ đầu năm học và học kiến thức mới. Vì vậy, đòi hỏi số lượng học sinh tham gia phải đầy đủ để đảm bảo các em không bị mất, chậm kiến thức.

Bạn đọc

Bạn baotoan@gmail...:

Nhà trường có mong muốn, đề xuất gì đối với các cấp ngành để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục toàn diện, triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong năm tới, thưa thầy?
Thầy Hồ Trường Sơn

Thầy Hồ Trường Sơn

Năm học tới, theo lộ trình chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và thay sách giáo khoa sẽ bắt đầu áp dụng đối với lớp 10 bậc THPT, trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chắc chắn sẽ khiến cơ sở giáo dục gặp khó khăn, vất vả. Về phía nhà trường, chúng tôi sẽ cố gắng chuẩn bị trên cơ sở vật chất, đội ngũ đang có, chủ động triển khai chương trình.

Nhà trường cũng mong muốn, đề xuất các cấp lãnh đạo, ngành giáo dục một số nội dung sau:

Triển khai các văn bản hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng và kịp thời để các cơ sở giáo dục áp dụng đồng bộ và nhất quán.

Có chính sách tăng cường cơ sở vật chất phù hợp cho các cơ sở giáo dục

Phối hợp với ngành viễn thông nâng cấp hệ thống hạ tầng viễn thông đảm bảo dạy học trực tuyến.

Xây dựng kho học liệu phục vụ dạy học trực tuyến và cấp về cho các nhà trường khai thác, áp dụng.

Bạn đọc

Bạn xuantruong@gmail...:

Theo thầy, kể cả sau này khi dịch bệnh được khống chế, việc dạy học trở lại bình thường, các hình thức dạy học mà nhà trường đã và đang áp dụng có còn ý nghĩa, giá trị?
Thầy Hồ Trường Sơn

Thầy Hồ Trường Sơn

Theo tôi, kể cả sau này khi dịch bệnh được khống chế, việc dạy học trở lại bình thường, các hình thức dạy học mà nhà trường đã và đang áp dụng vẫn luôn có ý nghĩa trong xã hội hiện đại vì chúng ta luôn phải ứng phó với các tình huống xã hội như thiên tai, học sinh - sinh viên ốm điều trị lâu dài ở bệnh viện… với tinh thần “Không bỏ lại học sinh ở phía sau” thì chúng ta cũng có thể áp dụng.

Bạn đọc

Bạn ngochai@gmail...:

Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc các phòng ban chuyên môn có hướng dẫn, bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên hay không, thưa thầy?
Thầy Hồ Trường Sơn

Thầy Hồ Trường Sơn

Sở Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành tổ chức tập huấn đầy đủ cho các trường ở các cấp học như việc tinh giản chương trình, kế hoạch, mục tiêu năm học, chỉ đạo ôn tập chuẩn bị cho các kỳ thi.

Riêng với các trường THPT, ngoài tập huấn chung theo bậc học, khối lớp, thì Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An còn có tập huấn theo nhóm bộ môn. Qua đó, giúp các nhà trường, giáo viên  sớm nắm rõ tinh thần, chủ trương của ngành, chủ động xây dựng chương trình nhà trường phù hợp với tình hình thực tế để kế hoạch triển khai năm học theo bối cảnh mới. 

Bên cạnh đó, tập huấn về, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học, chuyển đổi số... để giáo viên nắm bắt, thích ứng, có ý thức trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Bạn đọc

Bạn kimngan@gmail...:

Có thể nói, 2 năm học vừa qua đã khiến các nhà trường không thể chỉ duy trì hình thức dạy học truyền thống, mà áp dụng nhiều hình thức mới. Vậy nhà trường có tập huấn, tổ chức sinh hoạt chuyên môn như thế nào cho giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, chuyển đổi số, đặc biệt là với cơ sở giáo dục vùng nông thôn?
Thầy Hồ Trường Sơn

Thầy Hồ Trường Sơn

Nhà trường luôn chủ động tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nắm vững ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, trong quản lý và chuyển đổi số. Mặc dù trường học ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn nhừng Trường THPT Diễn Châu 4 cán bộ, giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng tốt trong quản lý và dạy học. 

Giao lưu trực tuyến "Thầy cô vùng khó sáng tạo dạy học trực tuyến" ảnh 50

Dịch bệnh Covid- 19 diễn ra, ngay sau kế hoạch dạy học trực tuyến ứng phó với dịch Covid-19 của Sở, trường Diễn Châu 4 đã chủ động lên lịch tập huấn cho giáo viên cách đăng nhập và sử dụng LMS trong dạy học trực tuyến.

Tập huấn một số kỹ năng, thủ thuật cơ bản để hạn chế tối đa nhất tình trạng các em bên ngoài trà trộn vào lớp học, gây ảnh hưởng đến nề nếp, chất lượng dạy học.

Tập huấn cách đưa bài giảng, học liệu lên LMS cho giáo viên; cách trao quyền host, lấy host từ lớp trưởng.

Tập huấn cho học sinh cách lấy tài liệu từ LMS và cách học tập tốt nhất trong học trực tuyến.

Tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến và kiểm tra, đánh giá trên LMS.

Đồng thời, giáo viên và học sinh còn tương tác qua nhiều trang mạng khác như zalo, mesenger, gmail….để có được kết quả cao nhất.

Bạn đọc

Bạn tiendung@gmail....:

Đối với học sinh THPT, đặc biệt là lớp 12, lượng kiến thức rất nhiều. Nhà trường đang triển khai kế hoạch dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT như thế nào, thưa thầy?
Thầy Hồ Trường Sơn

Thầy Hồ Trường Sơn

Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tiến hành thống kê, phân tích phân tích kết quả thi Tốt nghiệp THPT năm 2021. Từ đó tìm ra nguyên nhân thành công, chưa thành công đối với mỗi bộ môn. Trên cơ sở dữ liệu có được, chúng tôi đặt ra chỉ tiêu, tìm ra biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng dạy học từng bộ môn, đạt được mục tiêu năm học sau luôn tiến bộ hơn năm học đã qua.

Thực hiện giao chất lượng cho Tổ, nhóm chuyên môn, cho giáo viên và thực hiện ký cam kết chất lượng bộ môn với Hiệu trưởng.

Thực hiện ký cam kết giữa nhà trường với Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An về kết quả thi Tốt nghiệp THPT để tạo động lực phấn đấu, cố gắng cho giáo viên, học sinh trong trường.

Tăng cường khai thác học liệu điện tử trong dạy học; xây dựng kho học liệu phục vụ cho ôn tập…

Thực hiện khảo sát ở một số lượt để đánh giá tình hình học tập của học sinh , từ đó có giải pháp phù hợp…

Nhà trường đang triển khai kế hoạch dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12 chuẩn bị thi Tốt nghiệp THPT đảm bảo theo kế hoạch giáo dục của trường.

Tăng cường ôn tập phần vận dụng và vận dụng cao. Kết hợp cả dạy học, ôn tập trực tiếp và tương tác trực tuyến với học sinh trong thời gian tự học ở nhà. 

Bạn đọc

Bạn khanhlinh@gmail...:

Thầy có thể cho biết, đến nay, toàn bộ học sinh Trường THPT Diễn Châu 4 đã đi học trực tiếp đầy đủ chưa ? Đặc biệt là số học sinh mắc kẹt ở vùng dịch trở về, nhà trường có giải pháp gì để rà soát kết quả học tập, phụ đạo cho các em?
Thầy Hồ Trường Sơn

Thầy Hồ Trường Sơn

Đến nay, toàn bộ học sinh Trường THPT Diễn Châu 4 đã đi học trực tiếp đầy đủ.

Số học sinh mắc kẹt ở vùng dịch cũng đã trở về trường. Nhà trường cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn trực tiếp dạy rà soát kết quả học tập của các em. Từ đó có biện pháp, hình thức, thời gian phụ đạo giúp các em theo kịp chương trình với các bạn trong lớp. Bên cạnh đó, bổ sung học liệu cho các em để đảm bảo kiến thức kiểm tra giữa kỳ.

Giao lưu trực tuyến "Thầy cô vùng khó sáng tạo dạy học trực tuyến" ảnh 55
Bạn đọc

Bạn vanduc@gmail...:

Trường THPT Diễn Châu 4 có phải là đơn vị đầu tiên của Nghệ An triển khai hình thức dạy học này không, thưa thầy? Sức lan tỏa của mô hình này trong tỉnh và đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo ra sao?
Thầy Hồ Trường Sơn

Thầy Hồ Trường Sơn

Ý tưởng livestream do tôi đưa ra từ thực tế dạy học và đặc điểm học sinh nhà trường. Vì vậy, có thể nói Trường THPT Diễn Châu 4 là đơn vị đầu tiên của Nghệ An triển khai hình thức dạy học này.

Thầy và trò Trường THPT Diễn Châu 4 chuẩn bị thiết bị livestream trong một tiết học.

Thầy và trò Trường THPT Diễn Châu 4 chuẩn bị thiết bị livestream trong một tiết học.

Mô hình này được lãnh đạo các trường đánh giá cao, có sức lan tỏa rộng lớn. Hiện nay có nhiều trường ở các cấp học trong tỉnh đang áp dụng mô hình này trong dạy học vì kinh phí thấp, hiệu quả cao và dễ thực hiện.

Mô hình này cũng đã được Sở giáo dục và Đào tạo Nghệ An kết hợp đánh giá cao và tuyên truyền nhân rộng mô hình cho toàn tỉnh.

Bạn đọc

Bạn baolinh@gmail...:

Qua triển khai livestream, thầy đánh giá hình thức này giải quyết được những vướng mắc nào trong bối cảnh năm học đặc biệt này?
Thầy Hồ Trường Sơn

Thầy Hồ Trường Sơn

Qua triển khai livestream, hình thức này đem lại hiệu quả nhìn thấy được. Đó là không phải tăng tiết dạy của giáo viên, đồng nghĩa với việc không phải tăng kinh phí trả tiền thừa giờ cho giáo viên. Giải quyết được vấn đề về đội ngũ trong điều kiện dạy học kết hợp nhiều hình thức.

Việc dạy học qua livestream cũng đơn giản, dễ thực hiện và đạt hiệu quả cao trong dạy học. Đặc biệt, đảm bảo tiến độ chương trình học tập của học sinh khi bị cách ly.

Hình thức này cũng giải quyết linh hoạt và giúp nhà trường luôn chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong những tình huống phát sinh bất ngờ.

Bạn đọc

Bạn tueminh@gmail...:

Thầy đánh giá phương án gom học sinh diện liên quan đến các F, chưa thể tới trường trực tiếp vào thành 1 lớp và tổ chức dạy học trực tuyến thế nào?
Thầy Hồ Trường Sơn

Thầy Hồ Trường Sơn

Thầy cô Trường THPT Diễn Châu 4 thảo luận nhằm lên phương án dạy học trực tiếp và trực tuyến cho học sinh tốt nhất.

Thầy cô Trường THPT Diễn Châu 4 thảo luận nhằm lên phương án dạy học trực tiếp và trực tuyến cho học sinh tốt nhất.

Ngay khi triển khai dạy học trực tiếp, nhà trường cho thống kê tất cả các học chưa thể đến trường. Bao gồm những em do ở vùng mắc kẹt ở vùng dịch chưa về; học sinh trong vùng phong tỏa; học sinh thuộc diện F... theo đơn vị khối lớp.

Ghép tất cả các em cùng khối vào thành 1 hoặc 2 lớp học do Ban giám hiệu, Công đoàn, Đoàn trường trực tiếp phụ trách. Lấy số điện thoại, đưa các em vào một nhóm Zalo để kết nối và gửi đường link chung cho khối lớp. 

Đặt máy livestream tại 1 lớp học ở mỗi khối (có lựa chọn yếu tố học sinh, vị trí lớp học để phù hợp.

Các em sẽ được học tất cả các môn học theo chương trình.

Điểm danh học sinh mỗi buổi qua Lms hoặc trực tiếp, qua dự giờ 

Giáo viên trực tiếp dạy học theo đơn vị lớp phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, ban cán sự lớp gửi tài liệu cho các bạn nghiên cứu, tìm hiểu thêm.

Bạn đọc

Bạn trangnhung@gmail...:

Việc tiếp nhận kiến thức của học sinh qua livestream bài giảng có đạt hiệu quả như mong đợi không, thưa thầy?
Thầy Hồ Trường Sơn

Thầy Hồ Trường Sơn

Qua thăm dò và lấy ý kiến học sinh, cơ bản việc tiếp nhận kiến thức của học sinh qua livestream bài giảng có đạt hiệu quả như mong đợi. Tuy nhiên không hoàn toàn là 100% vì trên thực tế có lúc các em bị gián đoạn do thiết bị học tập, đường truyền chưa đảm báo, sự cố mạng lưới điện cục bộ.

Dù vậy, đây là phương án tối ưu, hiệu quả đối với việc tiếp nhận kiến thức của học sinh, vừa đảm bảo công tác dạy học trực tuyến kết hợp với trực tuyến trong nhà trường.

Một tiết học vừa giảng dạy vừa livestream ở Trường THPT Diễn Châu 4.

Một tiết học vừa giảng dạy vừa livestream ở Trường THPT Diễn Châu 4.
Bạn đọc

Bạn quocnam@gmail...:

Trong năm học này, nhà trường có ý tưởng livestream các buổi học cho học sinh đang mắc kẹt ở vùng dịch chưa thể đến trường cũng có thể theo dõi và học tập. Thầy có thể nói rõ hơn ý tưởng này xuất phát từ đâu?
Thầy Hồ Trường Sơn

Thầy Hồ Trường Sơn

Ý tưởng này xuất phát từ thực tiễn số lượng học sinh chưa thể đến trường tại các đơn vị khối lớp không nhiều. Vậy làm thế nào để các em không thể đến trường nhưng vẫn được học tập mà không phải giải quyết chế độ dạy thêm giờ cho giáo viên. Bởi việc dạy tăng tiết, thêm giờ cho học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch là tình huống phát sinh xuất phát từ sự quan tâm, lo lắng của nhà trường, giáo viên cho học sinh, chứ không có nguồn kinh phí ngân sách chi trả. Nhưng nếu dạy liên tục trong thời gian dài, thì cường độ làm việc của giáo viên rất lớn, mệt mỏi.

Một tiết học được livestream cho các học sinh ở vùng dịch chưa thể đến trường. Ảnh: NTCC.

Một tiết học được livestream cho các học sinh ở vùng dịch chưa thể đến trường. Ảnh: NTCC.

Về phía lãnh đạo nhà trường, nếu yêu cầu giáo viên dạy thêm giờ mà không trích kinh phí hỗ trợ sẽ rất khó, mà trích ngân sách không có văn bản hướng dẫn.

Thứ 2, ngân sách nhà trường có hạn, nếu đầu tư phòng học có gắn trực tuyến có gắn camera, thiết bị dạy học trực tuyến như một số trường ở thành phố lớn thì kinh phí quá lớn, không đáp ứng được. Nhưng nếu không triển khai gì, sẽ khiến học sinh không được học. Lương tâm và trách nhiệm không cho phép chúng tôi làm điều đó.

Thứ 3 là làm thế nào để “Không bỏ rơi học sinh lại phía sau”, học sinh được học, được trao đổi trực tiếp với giáo viên là vấn đề làm tôi suy nghĩ. Chính vì vậy, ý tưởng thực hiện livestream tiết học nảy sinh.

Hai ngày đầu, việc thực hiện chỉ diễn ra ở khối 12. Nhưng sau thăm dò ý kiến phản hồi từ học sinh, phụ huynh, chúng tôi thấy việc thực hiện là khả thi. Vì vậy ở khối 11 và khối 10 đã tiến hành thực hiện.

Bạn đọc

Bạn hongduy@gmail...:

Thưa thầy, đến nay nhà trường đã tính đến các phương án dạy học như thế nào để ứng biến với mỗi tình huống thực tế?
Thầy Hồ Trường Sơn

Thầy Hồ Trường Sơn

Với quan điểm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nhà trường đã phối hợp với chính quyền các địa phương, phụ huynh và học sinh thực hiện nghiêm túc 5K theo khuyến cáo của Ban phòng chống dịch huyện Diễn Châu. Đồng thời thực hiện nghiêm túc công tác nắm bắt thông tin hàng ngày đối với học sinh – giáo viên, kịp thời xử lý nếu có trường hợp bất thường.

Nhà trường đề ra nhiều phương án dạy học để ứng biến với mỗi tình huống thực tế như: 

Thứ nhất: Nếu địa phương trường đóng và giáo viên - học sinh nhà trường không có F0, F1 sẽ thực hiện dạy học trực tiếp toàn trường. 

Thứ 2: Nếu địa phương trường đóng có F0 cộng đồng và giáo viên - học sinh nhà trường không có F0, F1 sẽ thực hiện rà soát, nếu đảm bảo sẽ dạy học trực tiếp toàn trường nhưng học phân ca và phân luồng lối đi vào, ra.

Thứ 3:  Nếu có học sinh bị F1, F2 sẽ thực hiện cách ly một học sinh, một nhóm học sinh, cách ly theo lớp học, cách ly theo khối học và cách ly toàn trường (tùy vào mức độ khoanh vùng học sinh). Về vấn đề này, thực tế Trường THPT Diễn Châu 4 đã làm rất tốt công tác khoanh vùng theo lớp học. Cụ thể, đầu tháng 11, có 1 học sinh của trường là F1 tại lớp 11A12. Nhà trường đã chỉ đạo cho lớp này nghỉ đến trường và chuyển sang học trực tuyến đến thời điểm xác định an toàn sẽ cho học trực tiếp trở lại). Các lớp còn lại trong trường vẫn đi học bình thường.

Thứ 4 nếu giáo viên thuộc diện F phải cách ly thì học sinh vẫn đến trường học bình thường, các tiết của giáo viên bị cách ly được lớp học trực tuyến tại lớp và được kết nối với tivi của lớp.

Bạn đọc

Bạn baotrang@gmail...:

Thưa thầy, hiện Trường THPT Diễn Châu 4 đang triển khai hình thức dạy học nào cho học sinh?
Thầy Hồ Trường Sơn

Thầy Hồ Trường Sơn

Nhà trường chính thức cho học sinh tới trường trực tiếp từ đầu tháng 10/2021, sau 1 tháng dạy học trực tuyến để đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch bệnh bùng phát tại địa phương. 

Học sinh Trường THPT Diễn Châu 4, huyện Diễn Châu, Nghệ An đã đến trường học trực tiếp từ đầu tháng 10/2021. Ảnh: NTCC.

Học sinh Trường THPT Diễn Châu 4, huyện Diễn Châu, Nghệ An đã đến trường học trực tiếp từ đầu tháng 10/2021. Ảnh: NTCC.

Trường chúng tôi có số lượng học sinh lớp với hơn 1.500 em vì vậy công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là khoanh từng “vùng xanh” trong mỗi lớp học được thực hiện tích cực. Nhà trường dạy học 2 ca sáng – chiều để giãn cách. Học sinh ở các khối sẽ đi thành hai cổng riêng và vào học, tan trường ở hai khung giờ khác nhau nên hầu như không gặp nhau. 

Nhà trường cũng thường xuyên chuẩn bị sẵn khẩu trang y tế để cung cấp cho các học sinh và thường xuyên tuyên truyền để học sinh nâng cao ý thức phòng dịch.

Dù đã dạy học trực tiếp, nhưng từ đó đến nay, chúng tôi vẫn kết hợp dạy học trực tuyến theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đạo tạo Nghệ An. Mục tiêu duy trì thói quen, phương pháp trực tuyến và chủ động chuyển đổi hình thức day học tùy theo thực tế địa phương. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...