Cô trò cùng vượt khó dạy học trực tuyến mùa dịch

GD&TĐ - Trước tình hình dịch Covid-19, nhiều trường học của Thái Nguyên khần trương chuyển sang dạy học trực tuyến. Để bảo đảm chương trình, giáo viên đã chủ động kết nối với phụ huynh, linh hoạt tổ chức lớp học online.

Các cô giáo trường Tiểu học Văn Lăng số 2 (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đến khu dân cư hướng dẫn học sinh học tập trực tuyến theo nhóm.
Các cô giáo trường Tiểu học Văn Lăng số 2 (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đến khu dân cư hướng dẫn học sinh học tập trực tuyến theo nhóm.

Những “lớp học buổi tối”

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, TP Thái Nguyên một lần nữa chuyển sang dạy học trực tuyến trong năm học này. Đáng chú ý, nhiều trường đã phải tổ chức lớp học trực tuyến vào các buổi tối. Việc bố trí khung thời gian này phù hợp theo nguyện vọng của phía gia đình, bởi ban ngày đa số phụ huynh học sinh phải đi làm, không thể hỗ trợ con em sử dụng thiết bị học trực tuyến.

Giáo viên trường Tiểu học Núi Voi (phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên) với một lớp học trực tuyến vào buổi tối
Giáo viên trường Tiểu học Núi Voi (phường Chùa Hang, TP Thái Nguyên) với một lớp học trực tuyến vào buổi tối

Tại trường THCS Phú Xá, mặc dù điều kiện học sinh đều có thể tham gia lớp học ban ngày, nhưng do trước đó trường có 85 học sinh phải thực hiện cách ly tập trung trong 14 ngày, nên có thời điểm bị gián đoạn theo chương trình. Nhà trường đã bố trí các buổi học tối để bổ sung kiến thức cho học sinh lớp có trường hợp bị cách ly.

Với trường Tiểu học Chiến Thắng, nhà trường đã bố trí 22/23 lớp học vào buổi tối. “Do thực hiện dạy trực tuyến vào buổi tối và chỉ học tối đa 180 phút, nên các lớp thường bắt đầu từ 18 giờ và kết thúc vào lúc 20 giờ 30 phút. Có lớp bắt đầu muộn hơn từ 19 giờ 30 phút và kết thúc buổi học lúc 22 giờ do phụ huynh khi đó mới chuẩn bị xong thiết bị, điều kiện cho con học” - cô giáo Trần Thị Bích Tình, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết.

Để phụ hợp với tình hình điều kiện thực tế, về nội dung học trực tuyến, nhà trường tập trung dạy các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh và một số môn có ít tiết trong tuần như Mỹ thuật, Âm nhạc... Nội dung bài giảng được giáo viên chuyển tải bằng video đã được thu hình từ trước, sau đó kiểm tra, đánh giá bằng cách hỏi - đáp trực tuyến với học sinh.

Cô trò lặn lội “dò sóng”

Đối với các nhà trường ở địa bàn vùng núi cao, vấn đề khó khăn nhất khi dạy học trực tuyến là thiết bị và khả năng kết nối mạng. Ở nhiều nơi, các thầy cô giáo phải phân chia theo cụm dân cư để đến tận nơi giao bài, hướng dẫn thêm tại chỗ cho học trò. Cũng có nơi, do thiếu thiết bị, nhóm các em ở gần nhau sẽ sử dụng chung điện thoại để duy trì việc học.

Các em học sinh trường Tiểu học Văn Lăng số 2 (huyện Đồng Hỷ) dùng chung điện thoại để học tại nhà
Các em học sinh trường Tiểu học Văn Lăng số 2 (huyện Đồng Hỷ) dùng chung điện thoại để học tại nhà

Với trường Tiểu học Văn Lăng số 2 (huyện Đồng Hỷ), trong số hơn 380 học sinh thì có tới 2/3 học ở điểm trường lẻ, trên 90% con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng nói hơn, có tới hơn 250 học sinh là con em các gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.

“Với khu vực điểm trường Liên Phương, hoàn toàn không có sóng. Điểm trường Bản Tèn thì cũng chỉ một số hộ gia đình có sóng thôi. Nói chung, việc học trực tuyến chỉ thuận lợi tại trường trung tâm, còn với các điểm trường lẻ là rất khó khăn” - cô giáo Đinh Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.

Để khắc phục điều kiện, với quyết tâm không để các em bị đứt mạch học tập, các thầy cô giáo ở đây đến tận khu xóm bản, giao bài và hướng dẫn học tập. Không chỉ dặn dò và nhắc nhở học sinh việc “vào lớp” trực tuyến, các thầy cô cũng rất kĩ lưỡng trong việc trao đổi để có sự phối hợp, hỗ trợ từ phía các phụ huynh.

Nhà trường đã tính toán để phân phối đều 20 chiếc điện thoại được tặng từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” đến các khu vực, để các em cùng nhau sử dụng học trực tuyến theo nhóm. Từng nhóm nhỏ học sinh ở các khu vực tìm đến các điểm thuận lợi để dò sóng, cố gắng không bị lỡ nhịp học tập. 

Theo kế hoạch của nhà trường, đối với một số em không tiếp cận được việc học trực tuyến, các thầy cô giáo sẽ bố trí bổ trợ thêm cho học sinh theo nhóm khi các em được trở lại trường học tập trực tiếp. 

Thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Công đoàn ngành giáo dục Thái Nguyên đã phát động đến toàn thể công đoàn viên, vận động nhà hảo tâm ủng hộ điện thoại thông minh, máy tính để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Từ đầu năm học đến nay, toàn ngành đã tiếp nhận được gần 500 chiếc điện thoại thông minh kèm thẻ SIM kết nối Internet, trong đó có gần 200 chiếc điện thoại do giáo viên, viên chức và người lao động đang công tác tại các cơ sở giáo dục của tỉnh hỗ trợ, chuyển đến học sinh vùng khó để các em học tập trực tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.