Dạy học trực tuyến: Không lơ là kiểm tra, giám sát

GD&TĐ - Quản lý, kiểm tra, giám sát dạy học trực tuyến được các nhà trường quan tâm triển khai bằng nhiều cách. Ngành Giáo dục địa phương cũng hết sức quan tâm đến việc này nhằm bảo đảm chất lượng của dạy học trực tuyến.

Ban giám hiệu Trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) dự giờ đột xuất một số buổi học trực tuyến để kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo công tác chuyên môn tại các tổ nhóm. Ảnh: NTCC
Ban giám hiệu Trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) dự giờ đột xuất một số buổi học trực tuyến để kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo công tác chuyên môn tại các tổ nhóm. Ảnh: NTCC

Dự giờ thường xuyên hơn

Cô Ngô Nguyệt Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, việc quản lý dạy học trên Internet được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, triển khai dạy học trực tuyến tính đến thời điểm hiện tại, Ban giám hiệu nhà trường đã dự giờ được 68 tiết, trong đó dự 100% giáo viên dạy lớp 2 ở tất cả các môn học.

Sau dự giờ, Ban giám hiệu đã trực tiếp chia sẻ, tư vấn với từng giáo viên về việc vận dụng các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học cũng như việc xử lý các tình huống sư phạm trong tiết dạy. Họp tổ chuyên môn, Ban giám hiệu cũng trao đổi với giáo viên bộ môn những vấn đề về chương trình, thời khóa biểu, thiết kế các hoạt động trong bài dạy và những vấn đề chung cần khắc phục cũng như những định hướng trong thời gian tới.

Dạy học trực tuyến tại Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) được thực hiện trên phần mềm Teams. Thầy Nguyễn Đức Hồng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tất cả thành viên trong Ban giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn đều có thể đăng nhập vào dự giờ của bất kì giáo viên nào.

Tuy nhiên, Ban giám hiệu thường dự giờ thường xuyên hơn, còn các tổ trưởng chuyên môn chỉ dự khi có lịch kiểm tra. Ngoài ra, Ban giám hiệu còn trao đổi với giáo viên, học sinh, phụ huynh để nắm bắt thuận lợi, khó khăn, làm công tác tư tưởng và hỗ trợ khi cần thiết.

Thời gian dài triển khai dạy học trực tuyến, thầy Trang Minh Thiên, Tổ trưởng chuyên môn, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (TP Cần Thơ) nhận thấy vai trò vô cùng quan trọng của lãnh đạo nhà trường trong triển khai dạy học trực tuyến.

Lãnh đạo trường tiến hành họp với thành phần chủ chốt để lấy ý kiến và thống nhất phương án. Sau đó, Hiệu trưởng xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến chi tiết, cụ thể từng nội dung, giúp giáo viên giảng dạy và học sinh tham gia học tốt nhất trên không gian mạng. Lãnh đạo trường cũng luôn động viên, khích lệ giáo viên, cùng khắc phục những khó khăn trong giai đoạn này.

“Tại Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, Hiệu trưởng thường xuyên dự giờ đột xuất giáo viên bộ môn ở cả 30 lớp học. 2 Phó Hiệu trưởng và 2 tổ trưởng chuyên môn chịu trách nhiệm giám sát, dự giờ các lớp theo quy định của Hiệu trưởng và báo cáo định kỳ cho Hiệu trưởng tổng hợp để rút kinh nghiệm cuối mỗi tuần học.

Việc rút kinh nghiệm dạy học trực tuyến được tổ chức hàng tuần và công khai toàn trường. Các bài soạn dạy học trực tuyến được lưu trữ trên hệ thống theo link thống nhất của nhà trường quy định” - thầy Trang Minh Thiên chia sẻ.

Các tiết học trực tuyến tại Trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) đều thể hiện kỹ năng sử dụng CNTT thành thạo, sự tương tác giữa học sinh và giáo viên linh hoạt, hiệu quả. Ảnh: NTCC
Các tiết học trực tuyến tại Trường THCS Tô Hoàng (Hà Nội) đều thể hiện kỹ năng sử dụng CNTT thành thạo, sự tương tác giữa học sinh và giáo viên linh hoạt, hiệu quả. Ảnh: NTCC

Ghi hình, lưu trữ các tiết dạy trực tuyến

Liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát việc dạy học trực tuyến, ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ, cho biết: “Vừa qua, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị để rút kinh nghiệm về dạy học trực tuyến. Trên thực tế, công tác tổ chức dạy học trực tuyến của các trường trung học trên địa bàn đã đi vào nền nếp và ổn định. Tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến ở mức cao (cấp THPT trên 98%, cấp THCS trên 92%).

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế tại một số đơn vị và khảo sát hiệu quả học tập trực tuyến của học sinh, còn có một số nội dung cần lưu ý như: Một buổi nhưng học sinh phải học quá nhiều môn; Phần mềm, ứng dụng dạy học chưa đồng bộ, thống nhất gây khó khăn cho các em; Nội dung mỗi tiết học dài, không rõ trọng tâm; Học sinh học và ghi bài không kịp với tiến trình dạy học của giáo viên; Kế hoạch dạy học chưa phù hợp với dạy học trực tuyến”.

Để công tác tổ chức dạy học trực tuyến đạt hiệu quả hơn, Sở GD&ĐT đã đề nghị các cơ sở giáo dục tổ chức rút kinh nghiệm công tác dạy học trực tuyến. Các trường khảo sát hiệu quả học trực tuyến để đề ra giải pháp phù hợp. Rà soát, chấn chỉnh những nội dung tổ chức dạy học gây khó khăn, quá tải cho việc tham gia học tập của HS, giáo viên (thời khoá biểu; phần mềm, ứng dụng dạy học; thời lượng mỗi tiết học, buổi học;…).

Chỉ đạo giáo viên điều chỉnh giáo án dạy học theo hướng tập trung nội dung trọng tâm, cốt lõi bảo đảm nội dung cơ bản trong chương trình môn học. Điều chỉnh phương pháp dạy học theo hướng sinh động, tạo hứng thú cho học sinh. Giáo viên tạo điều kiện để học sinh khám phá kiến thức mới. Học sinh có thời gian học, ghi bài và hiểu bài ngay trong từng tiết học.

“Các nhà trường cũng được yêu cầu tổ chức ghi hình, lưu trữ các tiết dạy trực tuyến của giáo viên trên kho học liệu của nhà trường. Hướng dẫn học sinh học tập, xem lại các bài giảng đã được lưu trữ. Phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể trong nhà trường, cha mẹ học sinh và địa phương trong quản lý, chăm lo các điều kiện học tập của các em. Tiếp tục rà soát, lập danh sách học sinh không đủ điều kiện để học trực tuyến. Áp dụng biện pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh tham gia đầy đủ các buổi học trực tuyến theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT.

Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, dự giờ giáo viên trong dạy học trực tuyến; hỗ trợ, hướng dẫn, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong quá trình dạy học” – ông Nguyễn Phúc Tăng cho hay.

Ông Lương Văn Việt - Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương thông tin: “UBND tỉnh đã ký ban hành Kế hoạch tổ chức dạy học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nhấn mạnh nội dung tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình dạy học trực tuyến”.

Cụ thể, lãnh đạo các cơ sở giáo dục xây dựng các quy định về tổ chức dạy học trực tuyến, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, giáo viên kiểm tra, giám sát quá trình triển khai; quy định cụ thể về hồ sơ dạy học trực tuyến để kiểm tra, theo dõi. Thông báo đầy đủ kế hoạch dạy học trực tuyến cho cha mẹ học sinh để phối hợp quản lý, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở học sinh trong quá trình triển khai tổ chức dạy học trực tuyến.

Các cơ sở giáo dục báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình dạy và học trực tuyến ở đơn vị trên hệ thống báo cáo trực tuyến theo yêu cầu của các cấp quản lý. Các cấp quản lý tăng cường công tác giám sát quá trình triển khai ở các cơ sở giáo dục, nắm bắt tình hình triển khai và có hướng dẫn, chỉ đạo, xử lý vướng mắc kịp thời bảo đảm việc dạy học trực tuyến được tổ chức nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với tình hình của mỗi đơn vị, địa phương.

Ông Võ Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai thông tin, trước mắt giao cho lãnh đạo trường chịu trách nhiệm tự kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả của việc tổ chức dạy học trực tuyến. Việc quản lý hồ sơ tài khoản của học sinh, giáo viên dùng trong các phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến, cũng như vấn đề thu nhận sản phẩm học tập, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Lãnh đạo nhà trường đồng thời phải kịp thời xử lí vướng mắc trong quá trình triển khai dạy học trực tuyến trên cơ sở yêu cầu chung về hệ thống quản lý học tập trực tuyến, hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến. Đặc biệt là Kế hoạch dạy học trực tuyến của nhà trường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ