Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Kiên trì mục tiêu chất lượng dù ảnh hưởng bởi Covid-19

GD&TĐ - Ngày 21/10, Đoàn công tác Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Giáo dục phổ thông năm học 2021- 2022 tại Thái Bình.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trao đổi trong buổi làm việc tại Trường THCS Hợp Hưng (Đông Hưng - Thái Bình).
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trao đổi trong buổi làm việc tại Trường THCS Hợp Hưng (Đông Hưng - Thái Bình).

Cùng tham gia có lãnh đạo, chuyên viên các Vụ Giáo dục Trung học; Vụ giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT). 

Tại Trường THCS Hợp Hưng (Đông Hưng, Thái Bình) đoàn công tác đã thăm và dự giờ tiết dạy môn Khoa học tự nhiên; làm việc với Ban giám hiệu, giáo viên xung quanh vấn đề triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018.

Chuẩn bị sẵn sàng cho đổi mới giáo dục

Báo cáo cùng đoàn công tác về việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục phổ thông năm học 2021-  2022, cô Phạm Quỳnh Hương – Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Hưng đặc biệt nhấn mạnh tới công tác triển khai CT GDPT 2018 bởi đây là năm đầu tiên triển khai ở lớp 6.

Theo đó, Hiệu trưởng nhà trường cho biết trường đã tổ chức tập huấn đội ngũ, tiếp cận CT GDPT 2018 qua bồi dưỡng các modun; ưu tiên về đội ngũ là những giáo viên được đào tạo chính ban, có năng lực chuyên môn tốt. Trường đã thực hiện nghiên cứu, lựa chọn SGK lớp 6, thảo luận trong tổ nhóm chuyên môn, đưa ra đề xuất lựa chọn SGK lớp 6.

Ban giám hiệu đã phân công 1 Phó hiệu trưởng trực tiếp phụ trách lớp 6, luôn bám sát các hoạt động giáo dục để có những điều chỉnh phù hợp. Trong sinh hoạt chuyên môn dạy thực nghiệm lớp 6 được chú trọng. Nội dung hướng đến kỹ thuật dạy học, phương pháp, kiến thức cần đạt cho từng môn học.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dự giờ tiết học Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Hợp Hưng (Thái Bình).
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dự giờ tiết học Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Hợp Hưng (Thái Bình).

Cũng theo Hiệu trưởng nhà trường, để triển khai CT GDPT 2018 ở lớp 6 hiệu quả, trường đã yêu cầu giáo viên dạy lớp 6 nghiên cứu chương trình tổng thể theo môn học để xác định kiến thức, kĩ năng cần đạt của học sinh, tránh áp lực, quá tải… Việc tổ chức dạy học và hoạt động giáo dục các môn lớp 6 đảm bảo đủ số tiết cho mỗi môn học...

Tuy nhiên quá trình triển khai, trường còn một số khó khăn như: Dù tình hình dịch ở Thái Bình được kiểm soát tốt, song các hoạt động tập thể, đông người còn hạn chế nên phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục.

Là năm học đầu tiên thực hiện CT GDPT 2018 nên một số nội dung còn  mất nhiều thời gian để nghiên cứu để thực hiện cho hiệu quả nhất. Đồ dùng thiết bị phục vụ cho giảng dạy chưa thật đầy đủ nên giáo viên mất nhiều công sức sưu tầm…

Với những khó khăn trong thực tế đó, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Hưng đề xuất: Cần tăng cường tập huấn, kiểm tra, tư vấn hỗ trợ cho cán bộ quản lý trong công tác quản lý, giáo viên trong giảng dạy những môn, những nội dung mới và khó; Tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ cho CT GDPT 2018…

Tại buổi làm việc, ông Bùi Bá Vường - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng (Thái Bình) trao đổi: Việc triển khai CT GDPT 2018 hiện nay tại huyện cơ bản được nhân dân đồng thuận, không có ý kiến trái chiều.

Huyện đã chỉ đạo và nâng cao vai trò, sự cuộc của các cấp ủy, chính quyền, ban ngành cùng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất… giúp cho nhà trường triển khai hiệu quả.

Học sinh Trường THCS Hợp Hưng trao đổi nhóm trong tiết học Khoa học tự nhiên.
Học sinh Trường THCS Hợp Hưng trao đổi nhóm trong tiết học Khoa học tự nhiên.

Mặt khác, huyên cũng đã quan tâm toàn diện tới đội ngũ giáo viên; kiện toàn nhân sự trong quy hoạch; tuyển dụng đúng quy định công chức viên chức và tuyển vào vị trí thiết yếu để hình thành chuyên sâu từng môn học. Huyện cũng chỉ đạo việc sử dụng linh hoạt đội ngũ giáo viên (1 giáo viên có thề dạy nhiều trường). Từng bước phân loại giáo viên (trẻ cử đi đào tạo; lớn tuổi không đào tạo lại được cử dạy các môn học khác có thể đảm nhiệm được).

Trong công tác chuyên môn triển khai CT GDPT 2018, huyện Đông Hưng đã giao đặc trách cho ngành GD&ĐT. Về cơ sở vật chất đã chỉ đạo, triển khai đề án về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021- 2026 từ đó xây dựng các học đảm bảo theo chuẩn mới.

Chủ tịch UBND huyên Đông Hưng bày tỏ: Năm học mới thích ứng trong điều dịch bệnh, vừa phải đảm bảo chương trình vừa phòng chống dịch, nên huyện đã đồng hành cùng các nhà trường thông qua việc chỉ đạo các cấp, trường học những công việc cần triển khai để đảm bảo phù hợp tình hình thực tế…

Đồng thời mong muốn thời gian tới ngành GD&ĐT huyện Đông Hưng tiếp tục nhận được sự  quan tâm, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ năm học nói chung, triển khai CT GDPT 2018 nói riêng.

Nỗ lực về đích an toàn

Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày  tỏ ấn tượng với tiết dạy môn Khoa học tự nhiên ở lớp 6 và đánh giá giáo viên nhà trường đã có cách làm, phương pháp, chuyên môn tốt, giúp HS nhanh chóng tiếp cận với kiến thức. Nhà trường, đội ngũ giáo viên đã có sự nỗ lực, UBND huyện đã có sự chuẩn bị  kĩ càng và tạo điều kiện tối đa cho ngành GD&ĐT thực hiện đổi mới CT GDPT…

Đoàn công tác Bộ GD&ĐT ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của giáo viên và học sinh Trường THCS Hợp Hưng trong việc triển khai CT GDPT 2018.
Đoàn công tác Bộ GD&ĐT ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của giáo viên và học sinh Trường THCS Hợp Hưng trong việc triển khai CT GDPT 2018.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý, năm học 2021- 2022 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, do đó ngành GD&ĐT Đông Hưng nói chung, Trường THCS Hợp Hưng nói riêng cần quan tâm đặt ra và hoàn thành 3 mục tiêu quan trọng.  

Đó là phải an toàn về phòng chống dịch, không để dịch xâm  nhập vào trường học (vấn đề này tới nay Thái Bình đã làm được); Cố gắng hoàn thành chương trình theo kế hoạch năm học; Kiên trì mục tiêu chất lượng, dù ảnh hưởng Covid-19.

Đồng thời Thứ trưởng nêu ý kiến, dù Thái Bình đang ở “vùng xanh” thực hiện dạy học trực tiếp, tranh thủ thời gian “vàng” nhưng vẫn cần đặt ra việc dạy học trực tuyến như giải pháp thay thế để có thể chủ động triển khai khi phải chuyển đổi, tránh tình trạng bị động.

Đặc biệt, trong công văn 3699 của Bộ hướng dẫn, một trong những vấn đề đáng quan tâm đó là “không để thiết bị đến trường mà không ra lớp”, vì vậy mong muốn đội ngũ phát huy “tinh thần” này để triển khai các tiết học hiệu quả. Việc đổi mới CT GDPT không thể thiếu việc học sinh được trực tiếp làm, thực hành… - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ