Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: 7 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục thường xuyên năm học mới

GD&TĐ - 7 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục thường xuyên năm học 2021-2022 được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 với giáo dục thường xuyên.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 với giáo dục thường xuyên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 với giáo dục thường xuyên.

Với kinh nghiệm của năm 2019-2020, giáo dục thường xuyên đã linh hoạt, chủ động chuyển trạng thái trong điều kiện dịch bệnh và hoàn thành chương trình năm học 2020-2021 đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; dù đây là ngành học vô cùng khó khăn, ngành học không chọn đầu vào nhưng lại cùng chuẩn đầu ra với giáo dục phổ thông.

Đưa nhận định này, một trong những dẫn chứng được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đưa ra là quy mô giáo dục thường xuyên vẫn phát triển; Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” đạt kết quả đáng ghi nhận; kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 với giáo dục thường xuyên đạt tỷ lệ trên 90%...

Thay mặt Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các địa phương, đặc biệt là các trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở đang triển khai nhiệm vụ giáo dục thường xuyên đã làm nên chất lượng giáo dục thường xuyên của ngành trong năm học vừa qua.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 với giáo dục thường xuyên.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 với giáo dục thường xuyên.

Với nhiệm vụ năm học mới, báo cáo tổng kết năm học 2021-2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục thường xuyên của Bộ GD&ĐT đã nêu rõ 10 nhiệm vụ. Tại hội nghị, Thứ trưởng nhấn mạnh thêm 7 nhiệm vụ trọng tâm cần thống nhất, triển khai thực hiện tốt. Cụ thể như sau:

Thứ nhất: Cần nâng cao nhận thức về ngành học giáo dục thường xuyên; từ đó có sự quan tâm, đầu tư mạnh mẽ hơn. Giáo dục chính quy chỉ có 12 năm phổ thông và các năm đào tạo đại học, còn lại là trách nhiệm của giáo dục thường xuyên. Luật Giáo dục 2019 đã có riêng 1 mục cho giáo dục thường xuyên. Do đó, các cơ sở làm nhiệm vụ giáo dục thường xuyên đang nhận nhiệm vụ rất quan trong và cần phải triển khai thật tốt.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, giáo dục thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học tập suốt đời nhằm phát huy năng lực cá nhân, hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội, góp phần xây dựng xã hội học tập; không phải học vì bằng cấp.

Thứ hai, chú trọng hoàn thiện thể chế và chính sách cho hoạt động của giáo dục thường xuyên.

Thứ ba, đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục với giáo dục thường xuyên. “Đây là vấn đề rất quan trọng”, Thứ trưởng nhấn mạnh và cho biết: Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục sẽ tiếp tục tham mưu để giải quyết các khó khăn liên quan đến nội dung này. Ngành Giáo dục địa phương cần tham mưu để bảo đảm đội ngũ giáo viên giáo dục thường xuyên đáp ứng yêu cầu số lượng và chất lượng. Việc bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ này cũng cần được quan tâm.

Vấn đề thứ 4 Thứ trưởng lưu ý là về điều kiện cơ sở vật chất. Do nhận thức về vai trò của giáo dục thường xuyên chưa đầy đủ, nên cơ sở vật chất cho giáo dục thường xuyên ít được quan tâm. Do đó, các đơn vị cần tiếp tục tham mưu lãnh đạo địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa.

Thứ năm liên quan đến thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên. Với nội dung này, một số nội dung cần triển khai thực hiện tốt được Thứ trưởng nhấn mạnh, cụ thể:

Chuẩn bị tốt nhất cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng tốc với giáo dục phổ thông; đặc biệt, chuẩn bị thật tốt các điều kiện để dạy lớp 10 theo chương trình mới.

Chủ động xây dựng kịch bản để tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS và THPT trong điều kiện dịch bệnh.  Kết hợp hài hòa giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến, tùy theo tình hình dịch bệnh. Cố gắng tận dụng thời gian vàng dạy trực tiếp một cách phù hợp.

Về xóa mù chữ, Thứ trưởng cho rằng đây là nhiệm vụ quan trọng tầm quốc gia và đưa 3 nội dung quan trọng cần quan tâm: Điều tra, rà soát người mù chữ, người tái mù chữ; vận động học sinh ra lớp và tổ chức lớp học, duy trì lớp, bảo đảm lớp học xóa mù chữ có chất lượng. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành chương trình xóa mù chữ thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về chương trình bồi dưỡng ngắn hạn, chương trình sử dụng tài nguyên giáo dục mở, Luật Giáo dục 2019 ghi rõ: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm phối hợp với cơ sở giáo dục thường xuyên trong việc cung cấp nguồn học liệu cho cơ sở giáo dục thường xuyên để đáp ứng nhu cầu học tập của người học; cơ sở giáo dục đào tạo nhà giáo có trách nhiệm nghiên cứu về khoa học giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo của các cơ sở giáo dục thường xuyên.

Thứ sáu, về tổ chức triển khai các đề án, trong đó có đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1373/QĐ-Ttg. Đề án này có rất nhiều nội dung, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị cụ thể hóa thành nhiệm vụ để triển khai một cách chặt chẽ, bài bản, khoa học, có sản phẩm theo từng giai đoạn.

Thứ bảy, liên quan đến tổ chức hoạt động của trung tâm giáo dục thường xuyên. Về nội dung này, thứ trưởng nhấn mạnh cần đổi mới quản lý, chuyển từ quản lý bằng mệnh lệnh sang quản lý bằng cộng tác, cùng phối hợp để tạo môi trường làm việc thân thiện, tạo động lực cho giáo viên. Do đó, việc chọn lãnh đạo cơ sở giáo dục thường xuyên là rất quan trọng, đặc biệt khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới – chương trình theo hướng phân cấp, đòi hỏi cao sự linh hoạt, sáng tạo.

Báo cáo tổng kết năm học 2020-2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục thường xuyên của Bộ GD&ĐT đưa 10 nhiệm vụ trọng tâm:

1. Triển khai các giải pháp phù hợp trong tổ chức các hoạt động dạy và học để chủ động thích ứng với tình hình dịch bệnh Covid-19.

2. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" và Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.

3. Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ với kết quả bền vững và có chất lượng.

4. Đổi mới công tác quản lý đối với các cơ sở giáo dục thường xuyên.

5. Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện các chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên.

6. Tiếp tục đổi mới và thực hiện các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học viên.

7. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cộng tác viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên.

8. Củng cố, phát triển mạng lưới các trung tâm giáo dục thường xuyê; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD-ĐT đối với các cơ sở giáo dục thường xuyên.

9. Đẩy mạnh công tác truyền thông.

10. Công tác báo cáo, thi đua, khen thưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ