Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT tại điểm cầu của Bộ còn có lãnh đạo và chuyên viên Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học. Các điểm cầu Cần Thơ được đặt tại Sở GD&ĐT, 9 phòng GD&ĐT, 5 trường THCS và 5 trường THPT, với sự chủ trì của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Phúc Tăng.
Dự kiến học sinh học trực tiếp từ 1/11
Chia sẻ về thực hiện nhiệm vụ giáo dục Tiểu học, ông Lê Thanh Long, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Cần Thơ cho biết:
Ngay từ đầu năm học 2021-2022, Sở GD&ĐT đã có bước chuẩn bị, tích cực chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện tốt một số lĩnh vực công tác chuẩn bị cho năm học mới; từ công tác chuẩn bị đón học sinh đến trường, tổ chức cung ứng SGK trong điều kiện giãn cách xã hội, công tác huy động học sinh ra lớp đến công tác chuyên môn. Các nhà trường đã tổ chức sắp xếp biên chế lớp học, phân công nhiệm vụ giáo viên, nhân viên theo chuyên môn.
Tính đến 11/10/2021, tỉ lệ học sinh tiểu học đã gửi hồ sơ, xếp lớp, liên hệ được vào nhóm từng lớp đạt 98,61%; trong đó, tỉ lệ này với trẻ 6 tuổi là 98,84%. Số học sinh còn lại đang được các nhà trường tiếp tục liên hệ phụ huynh, vận động các em ra lớp.
Các nhà trường được giao quyền chủ động về thời gian tổ chức làm quen học sinh lớp 1; tổ chức ôn tập đối với các lớp còn lại và hướng dẫn các em tự học tại nhà các môn học theo hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với tình hình thực tế. Các bài hướng dẫn tự học được thể hiện dưới dạng file word, file ảnh, video clip,… chuyển đến học sinh thông qua các phương tiện, ứng dụng phổ biến trên mạng internet,... hoặc in bài chuyển đến tận tay các em sau đó thu hồi, đánh giá.
Kết quả, có trên 98% nhận được bài ôn tập bằng một trong các hình thức nêu trên và có trên 91,2% học sinh phản hồi thông tin kết quả, được giáo viên nhận xét kết quả thực hiện.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Cần Thơ ghi hình, phát sóng 200 tiết dạy Tiếng Việt và Toán các lớp 3, 4, 5. Có 1.140 tiết dạy được giáo viên tự ghi hình theo yêu cầu nội dung căn bản, cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học.
Cũng theo ông Lê Thanh Long, Sở GD&ĐT đã tham mưu kế hoạch tập trung học sinh đến trường và khung thời gian năm học. Theo đó, dự kiến thời gian tập trung học sinh tiểu học vào 1/11/2021. Học kỳ 1 bắt đầu từ ngày 1/11/2021 đến 4/3/2022. Học kỳ II từ ngày 7/3/2022 đến 30/6/2022.
Kiểm tra học kỳ 1 và kiểm tra cuối năm học, các phòng GD&ĐT giao quyền chủ động cho nhà trường tổ chức kiểm tra trực tiếp trên lớp khi hoàn thành nội dung chương trình mỗi học kì theo Công văn 3969/BGDĐT-GDTH.
Với khung thời gian nêu trên, Sở GD&ĐT sẽ tham mưu UBND thành phố giao quyền chủ động cho UBND quận, huyện căn cứ đánh giá các tiêu chí an toàn sẽ quyết định cho học sinh học trực tiếp tại trường hoặc học tại nhà theo hướng dẫn của giáo viên.
Nội dung và hình thức học tập đối với cấp tiểu học ứng với mỗi tình huống dịch bệnh tại địa phương cũng đã được lên phương án. Theo đó, địa phương có điều kiện bình thường, học sinh được đến trường học trực tiếp.
Các địa phương chưa đảm bảo các điều kiện an toàn, học sinh chưa được đến trường hoặc khi đang học trực tiếp mà phải tạm dừng đến trường, cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức cho các em học tập tại nhà.
Học sinh trung học thích nghi với dạy học trực tuyến
Với giáo dục trung học, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục Trung học cho biết: Các trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học cụ thể, bài bản; triển khai thực hiện hiệu quả, có điều chỉnh phù hợp với thực tế của nhà trường. Chỉ đạo kịp thời khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT; tổ chức cho học sinh học trực tuyến tại trường; có giải pháp hỗ trợ HS trong những ngày đầu năm học; ứng dụng CNTT để quản lý quá trình dạy học;….
Kết quả khảo sát cho thấy, học sinh tham gia học khá đầy đủ, nhiệt tình chăm chú; thích nghi dần với hình thức học trực tuyến. Các em sử dụng thành thạo thiết bị thông minh phục vụ học tập. Các gia đình đầu tư trang thiết bị cho con em học tập, quan tâm hỗ trợ trong quá trình học tập; phối hợp với nhà trường, giáo viên trong việc quản lý học sinh trong học tập.
Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học trực tuyến cũng có khó khăn bởi phần mềm, ứng dụng dạy học chưa đồng bộ, thống nhất gây khó khăn cho học sinh. Gần 5,8 % học sinh cấp THCS (4.020 học sinh); 1,2 % HS cấp THPT (400 học sinh) ở vùng khó khăn thiếu thiết bị học tập, không có đường truyền internet nên chưa thể tham gia học trực tuyến.
Các trường trung học tổ chức vận động mạnh thường quân, cựu học sinh, cha mẹ học sinh xây dựng "Thư viện thiết bị điện tử" nhằm quyên góp, thu nhận những thiết bị thông minh, máy tính mới hoặc đã qua sử dụng. Từ những thiết bị nhận được, nhà trường tổ chức cho mượn để học, giúp các em có điều kiện tham gia học trực tuyến.
Hưởng ứng Chương trình “sóng và máy tính cho em”, Sở GD&ĐT tham mưu UBND thành phố kêu gọi các mạnh thường quân, cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hỗ trợ cho ngành Giáo dục, học sinh khó khăn có điều kiện học tập trực tuyến. Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, công ty viễn thông hỗ trợ sim điện thoại, data; lắp đặt internet, bán thiết bị thông minh với giá ưu đãi; bán trả góp cho giáo viên, học sinh.
5 nội dung cần lưu ý
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã nghe báo cáo, trao đổi trực tiếp với Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT và cơ sở giáo dục xung quanh triển khai nhiệm vụ năm học, đặc biệt là triển khai Chương trình GDPT 2018.
Thay mặt đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng hoan nghênh, ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của ngành Giáo dục Cần Thơ trong hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học 2021-2022.
Triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh 5 nội dung, liên quan đến tổ chức dạy học trong điều kiện dịch bệnh; triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông; đội ngũ giáo viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng dạy học; đổi mới quản lý.
Nhấn mạnh cần phải quan tâm đầu tiên đến bảo đảm an toàn phòng chống dịch, Thứ trưởng cho biết: Thời gian qua, ngành Giáo dục đã tích cực tổ chức dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến, học trên truyền hình, bảo đảm “tạm dừng đến trường, không dừng học” với 3 mục tiêu lớn: an toàn phòng chống dịch, hoàn thành chương trình và kiên trì mục tiêu chất lượng. Bộ GD&ĐT đã tổ chức 5 đợt tập huấn với gần 9.000 giáo viên phổ thông tại 63 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao năng lực dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình.
Sở GD&ĐT phải chủ động xây dựng kế hoạch, bảo đảm tinh thần 5K cộng vắc xin, Thứ trưởng thông tin, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Theo đó, mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vắc xin và tình hình dịch tại địa phương; triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.
Về triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng lưu ý cán bộ quản lý, giáo viên cần nghiên cứu kĩ để nắm thật chắc, hiểu thật sâu về chương trình và rõ được những khác biệt của chương trình mới với chương trình hiện hành. Đặc biệt, cán bộ quản lý phải nắm chắc chương trình tổng thể để rõ về quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu, cũng như yêu cầu cần đạt. Từ nhận thức đúng về chương trình tổng thể để cụ thể hóa với chương trình môn học, cán bộ quản lý sẽ có sự chỉ đạo với giáo viên phù hợp.
Với những khác biệt, nhất là đối với các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Thứ trưởng cho rằng, tinh thần của thầy cô phải sẵn sàng. Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT cố gắng thành lập tổ công tác hỗ trợ các nhà trường trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt hỗ trợ trong triển khai dạy học môn tích hợp.
Đề nghị cần bảo đảm tiến độ chương trình, hoàn thành chương trình theo kế hoạch, theo Thứ trưởng, Bộ GD&ĐT đã ban hành các Công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, đã rà soát chương trình giáo dục các cấp học, xác định nội dung cốt lõi cần đạt được của chương trình để hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Lưu ý tiếp theo là cần quan tâm đến đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện tốt nhất cho thầy cô. Chuyển cách quản lý, chỉ đạo bằng mệnh lệnh, kiểm soát, sang quản lý bằng cộng tác, cộng đồng trách nhiệm, phân rõ nhiệm vụ, rõ quy trình giải quyết công việc…
“Hiệu quả công tác có thể tính bằng tích của 3 chữ “làm”: giáo viên được làm, đủ điều kiện để làm và có động lực để làm. Nếu một thừa số bằng 0 thì hiệu quả công việc bằng 0. Nên phải xây dựng chính sách để động viên, khích lệ thầy cô; xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, khích lệ, động viên đội ngũ; giảm áp lực để tăng động lực cho thầy cô” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cùng với yếu tố đội ngũ là tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Lưu ý nội dung này, Thứ trưởng cho biết trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học cả ở tiểu học và trung học, Bộ GD&ĐT đều yêu cầu dạy học phải có thiết bị, học sinh phải được làm, phải được thao tác. Phương châm là không để thiết bị đến trường mà không ra lớp, bảo đảm hiệu quả sau đầu tư. Lãnh đạo Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT cần tăng cường kiểm tra hiệu quả sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học ở cơ sở.