Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói về tháo gỡ áp lực cho giáo viên dạy học trực tuyến

GD&TĐ - Một số giải pháp đã và đang được Bộ GD&ĐT triển khai nhằm hỗ trợ giáo viên thực hiện dạy học trực tuyến; trong đó có việc hỗ trợ nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho thầy cô.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ.

Dạy và học trực tuyến là tình thế bất khả kháng và cả thầy, trò đều vất vả hơn. Dạy và học theo hình thức này lại phụ thuộc vào điều kiện về cơ sở vật chất như: máy tính, đường truyền, sóng.

Với học sinh, các em phải truy cập các bài giảng trực tuyến mà không được tương tác trực tiếp với thầy cô, bạn bè thường xuyên và cần có sự hỗ trợ của gia đình, cha mẹ. Giáo viên vất vả hơn vì phải thiết kế, xây dựng kế hoạch bài dạy phù hợp với dạy học trực tuyến, trong đó có nhiều học liệu dạy học điện tử cần phải được sử dụng.

Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT đã nhìn thấy những khó khăn trên.

"Tuy vậy, trong thời vừa qua, cả thầy và trò đều đã hết sức nỗ lực để triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả; rất mong các thầy cô tiếp tục tinh thần này", Thứ trưởng nhận định và gợi ý: Đối với những nội dung kiến thức học sinh cần phải nghe thầy cô giảng trong từng bài học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, thầy cô có thể chuẩn bị bài giảng power point, giảng bài và ghi hình lại tạo video bài giảng, sau đó gửi cho học sinh ở nhiều lớp khác nhau; sử dụng để dạy học cho nhiều lớp khác nhau mà mình đảm nhận.

Những học liệu này thậm chí có thể sử dụng được trong những năm sau. Làm như vậy, giai đoạn đầu có thể vất vả, nhưng rõ ràng thầy cô sẽ nhàn dần trong thời gian tiếp theo.

Thấu hiểu được những khó khăn của giáo viên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên; ban hành công văn hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục theo hướng tinh giản; Chính phủ đã phát động ủng hộ “Sóng và máy tính cho em”.

Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng kho học liệu điện tử, các video bài giảng,xây dựng tài liệu bồi dưỡng để nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho thầy cô. Hiện nay, tài liệu này đã được gửi tới các Sở GD&ĐT để chuyển cho các nhà trường. Chính phủ đã phát động ủng hộ “Sóng và máy tính cho em”.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT

Riêng tài liệu bồi dưỡng để nâng cao năng lực dạy học trực tuyến dành cho giáo viên, ngoài phần hướng dẫn bằng chữ, tài liệu còn có video hướng dẫn thầy cô cách thiết kế kế hoạch bài dạy; trong đó có những nhiệm vụ học tập giao cho học sinh một cách rõ ràng, mạch lạc và có những hoạt động học thầy cô được ghi video bài dạy trước để giao cho học sinh học.

Học sinh vẫn có thể vào mạng, vào các đường link để đọc, xem lời cô giảng trên youtube, nhưng các em được chủ động về mặt thời gian, phù hợp với thời gian biểu của mình. Như vậy sẽ giảm bớt áp lực không chỉ cho giáo viên mà còn cho cả học sinh nữa. Tài liệu đồng thời có cả những video bài dạy minh họa để thầy cô tham khảo.

Hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho các thầy cô đang được Bộ GD&ĐT đang tổ chức. Theo đó, ngày 22/9 đã kết thúc bồi dưỡng đợt 1 cho các thầy cô ở vùng Đồng bằng Sông Cửu long. Hai ngày tiếp theo (23,24/9) sẽ ưu tiên thầy cô ở TP HCM, Đà Nẵng và 1 số địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Đến 30/9 sẽ hoàn thành tập huấn cho giáo viên các tỉnh thành. Sau đó, những thầy cô nòng cốt, cốt cán này sẽ để tiếp tục chia sẻ với các thầy cô khác ở địa phương.

“Đặc biệt, trong tài liệu, Bộ GD&ĐT cũng tháo gỡ áp lực cho giáo viên bằng cách có một phụ lục để hướng dẫn chi tiết một số kĩ năng sử dụng CNTT trong dạy học trực tuyến; như: Lựa chọn và sử dụng phần mềm để chuẩn bị dữ liệu dạy học; Lựa chọn và sử dụng nền tảng tương tác và lưu trữ nội dung dạy học, kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh; Lựa chọn và sử dụng công cụ hỗ trợ đánh giá thường xuyên bằng tự luận và trắc nghiệm; Thu thập và xử lí kết quả đánh giá quá trình; Lựa chọn và sử dụng phần mềm thiết kế đa phương tiện; Tìm kiếm và khai thác thông tin tư liệu phục vụ dạy học…” -  Thứ trưởng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.