Những hạn chế trong rèn đạo đức
Cô Hồ Thị Tươi cho biết: Đa số học sinh của trường có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, hầu hết là con em dân tộc làm nông nghiệp, điều kiện tham gia học tập, giao lưu thấp; đặc biệt, sự quan tâm của phụ huynh còn hạn chế.
Một số học sinh đến trường, ham học, nhưng một số chưa tích cực thường xuyên, sự phối kết hợp của phụ huynh thuộc khu nông nghiệp trong việc giáo dục văn hóa cũng như rèn luyện đạo đức cho các em học sinh đối với nhà trường chưa cao.
Côị Tươi chia sẻ: Đi học gặp các thầy cô giáo, các em chỉ chào hỏi thầy cô trực tiếp dạy mình. Nhiều em không biết dùng những từ “thưa”, “vâng”, “dạ”… khi nói với người lớn tuổi, với thầy cô giáo.
Các em học sinh lớp lớn bắt nạt các em học sinh lớp bé trên đường đi học về… Một số học sinh chỉ nghe lời của giáo viên chủ nhiệm, chưa coi trọng lời nói của các giáo viên bộ môn.
Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Một số giáo viên còn coi nhẹ công việc này nên chất lượng các giờ dạy đạo đức chính khóa chưa cao.
Khi dạy học, người giáo viên mới chỉ chú trọng tới việc truyền thụ kiến thức cho học sinh mà chưa nhận thức đúng đắn của việc giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học.
Vì vậy, các hình thức tổ chức dạy học của giáo viên chưa phong phú, các trò chơi còn tẻ nhạt chưa mang tính giáo dục cao và chưa thu hút được học sinh. Do đó nhiều học sinh còn có biểu hiện hành vi, đạo đức chưa đúng, chưa chuẩn mực.
Sức thuyết phục to lớn từ người thực, việc thực
Theo cô Hồ Thị Tươi, một trong những biện pháp rèn luyện đạo đức cho học sinh là thông qua học tập môn đạo đức ở nhà trường.
Chức năng chủ yếu của hoạt động này là cung cấp cho học sinh một hệ thống chuẩn mực, giúp học sinh phân biệt được hành vi "đạo đức và vô đạo đức" trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, công tác giáo dục đạo đức cho học sinh không chỉ dừng lại ở môn Đạo đức. Để biến giá trị đạo đức thành niềm tin đạo đức, còn phải thông qua các hoạt động ngoại khoá về văn hóa nghệ thuật, về hoạt động xã hội, về hoạt động giao lưu... Chỉ qua hoạt động mới hình thành được niềm tin đạo đức trong sáng.
Quan trọng hơn nữa là sự giao tiếp với người thực việc thực, với những hành vi đạo đức trong sáng, học sinh sẽ tiếp thu được cách sống phù hợp với các chuẩn mực đạo đức đã học.
Sức thuyết phục to lớn của "người thực việc thực" là ở chỗ, nó có nhiều khả năng đi thẳng vào niềm tin của mỗi người và của tập thể. Những hành vi đạo đức như vậy có thể trở thành mẫu mực cho học sinh làm theo trong những hoàn cảnh đòi hỏi cách xử sự tương tự…
Ở bậc tiểu học, muốn giáo dục đạo đức cho học sinh đạt kết quả, người giáo viên phải thông qua việc tổ chức trò chơi, qua đó giúp các em phát triển trí thông minh, phát triển thể chất, nâng cao năng lực thưởng thức cái đẹp, biết trân trọng, yêu quý cái đẹp trong cuộc sống.
Trò chơi còn giúp các em hình thành và phát triển nhiều phẩm chất: Lòng dũng cảm, tính kiên trì, ý thức tập thể, tình yêu thương đối với người xung quanh, ý thức giữ gìn và bảo vệ của công,…
Nói cách khác, trò chơi trở thành một hình thức giúp các em thực hiện lòng mong muốn rèn luyện, phấn đấu để có được những phẩm chất đạo đức tốt đẹp.
Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh
Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh là quá trình tác động đến đối tượng giáo dục đạo đức để hình thành cho học sinh về phẩm chất đạo đức.
Để hoạt động này đạt hiệu quả cao, theo cô, phải tiến hành bốn khâu cơ bản: Kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và có kiểm tra đánh giá hoạt động.
Giáo viên chủ nhiệm là lực lượng chính trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh là người quản lý mọi hoạt động của lớp học, là người triển khai mọi hoạt động của trường của nhà trường đến từng lớp, từng học sinh.
Do đó trong đầu năm học Ban giám hiệu trường định hướng phân công những giáo viên phù hợp làm công tác chủ nhiệm.
Tuy nhiên, cũng cần quán triệt, nhiệm vụ giáo dục đạo đức cho học sinh là của mọi thành viên trong nhà trường, giáo dục đạo đức cho học sinh là một quá trình thường xuyên, liên tục, diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi.
Một giờ dạy trên lớp không chỉ đơn thuần là truyền thụ kiến thức khoa học cho học sinh mà còn giáo dục cho các em những hành vi, cử chỉ, tình cảm, nhân sinh quan, thế giới quan khoa học.
Đồng thời, cũng lưu ý tổ chức những hoạt động gắn liền nhà trường với thực tế đời sống địa phương, như thăm hỏi và tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tổ chức viết thư thăm hỏi các chú Bộ đội ở đồn biên phòng; tổ chức cho học sinh đi cổ động về qn toàn giao thông, phòng chống sốt xuất huyết, hiểm họa AIDS, các bệnh dịch cúm H5N1…
Về phía người Hiệu trưởng, phải có kiến thức về quản lý và xây dựng được những biện pháp giáo dục đạo đức đủ mạnh tác động vào các hoạt động quản lý; những biện pháp quản lý phải đảm bảo tính khả thi thiết thực
Cụ thể, những biện pháp phải có cơ chế, quy trình thực hiện giáo dục rèn luyện đạo đức trong toàn trường. Xác định rõ việc giáo dục đạo đức cho học sinh là nhiệm vụ của toàn trường.
Xây dựng cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi đơn vị và cá nhân. Mỗi giáo viên bộ môn phải lồng ghép chương trình giáo dục đạo đức vào môn học của mình để giảng dạy kết hợp tốt giữa đội ngũ giáo viên và Ban giám hiệu để hoàn thành tốt thông tin hai chiều...
Những biện pháp quản lý cũng phải đảm bảo phát huy mối quan hệ biện chứng giữa tác động giáo dục và tự giáo dục của học sinh; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và các lực lượng giáo dục để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.
Một trong những biện pháp cụ thể là mở Hòm thư góp ý và Đường dây điện thoại nóng, động viên khuyến khích các bậc phụ huynh và cộng đồng thường xuyên quan tâm và có những ý kiến đóng góp ý kiến trong việc xây dựng, thực hiện mục tiêu, nội dung và các biện pháp giáo dục đạo đức học sinh tích cực.
Tổ chức họp phụ huynh học sinh thường kỳ 4 lần/1 năm học (đầu năm học, giữa học kỳ 1, cuối học kỳ 1 và cuối năm học) và các cuộc họp bất thường để tháo gỡ những khó khăn, trở ngại hay giải quyết những hiện tượng tiêu cực về giáo dục đạo đức học sinh;
Liên lạc với gia đình bằng Sổ liên lạc, điện thoại giữa nhà trường và gia đình có hiệu quả cao hơn…