Đánh giá tình hình thực tế
Qua theo dõi của Bộ, tham khảo ý kiến đóng góp của Trung ương Đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam và báo cáo của các địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo, có thể thấy:
Đa số học sinh, sinh viên có tinh thần yêu nước, tin tưởng vào đường lối của Đảng, chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước; có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; xác định được mục tiêu, lý tưởng, ý chí phấn đấu, hiếu học, tôn sư trọng đạo; có phẩm chất đạo đức tốt; có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Nhiều tấm gương học sinh nghèo vượt khó, tự giác tu dưỡng, học tập, rèn luyện, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, trong đó có những tấm gương học sinh đã hy sinh thân mình vì việc nghĩa.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên có những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, tư tưởng lệch lạc, lối sống ích kỷ, không lành mạnh và có những hành vi thiếu văn hóa như đánh nhau, thiếu tôn trọng thầy, cô giáo, coi thường kỷ cương, kỷ luật của nhà trường...
Chỉ rõ nguyên nhân
- Do đặc điểm tâm lý lứa tuổi: Học sinh đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất và tâm lý, hiếu động và muốn tự khẳng định mình;
- Thiếu kỹ năng sống: Học sinh hiện nay chưa được trang bị các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với đời sống kinh tế - xã hội có nhiều biến đổi;
- Sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế đã kéo theo những mặt tiêu cực, tác động trực tiếp đến sự hình thành nhân cách của thế hệ trẻ;
- Những hành vi bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống xã hội, ngay trong gia đình, trong phim ảnh, trên Internet, sách báo... đã có tác động không nhỏ đến đạo đức, lối sống của học sinh;
- Thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục của gia đình; sự phối hợp của chính quyền địa phương và các đoàn thể xã hội chưa chặt chẽ và thực sự hiệu quả.
- Về phía nhà trường:
+ Nội dung chương trình giáo dục đạo đức - công dân còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn và thiếu hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể; phương pháp giảng dạy của phần lớn giáo viên trong các môn học này chậm được đổi mới, chưa cuốn hút học sinh tiếp thu bài học một cách tự nhiên; việc giáo dục đạo đức, lối sống thông qua những tấm gương tốt của những người xung quanh, của thầy, cô giáo và trong xã hội chưa được nhiều.
+ Phương thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp còn mang tính hình thức, áp đặt; chưa tạo được sự tham gia của số đông học sinh. Hình thức giáo dục còn đơn điệu, chưa chú ý đến từng đối tượng học sinh. Trong nhà trường cá biệt vẫn còn hiện tượng thầy, cô giáo dùng vũ lực xâm phạm đến thân thể học sinh.
+ Việc giáo dục kỹ năng sống chưa thực sự đi vào chiều sâu và thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai. Công tác tư vấn tâm lý cho học sinh đã có kết quả bước đầu nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn;
+ Công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc quản lý học sinh, đảm bảo môi trường an ninh cho học sinh học tập, rèn luyện chưa được chặt chẽ.
Các giải pháp đã và đang triển khai
- Lồng ghép, đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các cuộc vận động lớn của ngành: “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; các phong trào thi đua “Dạy tốt, Học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong trường học”.
- Đổi mới nội dung phương pháp dạy, học và thi cử, đặc biệt là với các môn học liên quan đến giáo dục đạo đức, giáo dục công dân. Đổi mới cách ra đề thi (nhất là các môn tự luận) theo hướng đề “mở” gắn với thực tế, với những tấm gương sáng về đạo đức nhằm bồi dưỡng hình thành nhân cách, nhận thức cho học sinh.
- Ban hành và hướng dẫn việc thực hiện chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học và các địa phương, theo từng chủ đề và thời gian; chỉ đạo tổ chức nhiều hình thức hoạt động ngoại khóa, tổ chức hát Quốc ca, qua đó học sinh được giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và bảo vệ chủ quyền đất nước. Đẩy mạnh việc tích hợp giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức trong các môn học.
- Phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) triển khai các chương trình phối hợp để cùng chăm lo hoạt động của nhà trường cũng như việc học tập và rèn luyện của học sinh.
- Tăng cường củng cố mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh nhà trường phổ thông ( Chỉ thị số 71/2008/CT-BGDĐT ngày 23/12/2008 về tăng cường công tác phối hợp nhà trường - gia đình và xã hội trong công tác giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên) ;
Tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục cho học sinh, trong đó đề cao vai trò giáo dục đạo đức, trách nhiệm xã hội đối với học sinh (Chỉ thị số 1537/CT-BGDĐT ngày 5/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo).
- Ngày 11/4/2014, Bộ đã phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan liên quan tổ chức hội thảo quốc gia về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trong các nhà trường, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp triển khai có hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
- Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu điều chỉnh, thay đổi nội dung các môn học về giáo dục đạo đức trong phạm vi Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2014 - 2020”; xây dựng các quy định về nội dung, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ, điều kiện đảm bảo để tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức đối với cán bộ, giáo viên trực tiếp làm công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.