Đổi mới giáo dục đạo đức, lối sống: Những việc cần làm ngay

GD&TĐ - Xem xét việc thành lập tổ/bộ phận tư vấn học đường, nhất là tư vấn tâm lý, kiến thức kỹ năng sống... để hỗ trợ học sinh sinh viên trong mỗi nhà trường.

Đổi mới giáo dục đạo đức, lối sống: Những việc cần làm ngay

Đó là một trong những giải pháp của Bộ GD&ĐT nhằm đổi mới công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.

Thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp

Cùng với đó, có quy định mới về bố trí giáo viên tư vấn học đường, hỗ trợ học tập, rèn luyện cho học sinh trong các trường phổ thông.

Quy định nội dung, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ, điều kiện đảm bảo và tổ chức bồi dưỡng nâng cao thường xuyên đối với cán bộ, giáo viên trực tiếp làm công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên, cũng như trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, thầy cô giáo trong các nhà trường.

Bên cạnh những giải pháp trên, Bộ GD&ĐT cũng đề ra việc đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong các nhà trường.

Xác định cơ chế quản lý, phối hợp và điều kiện đảm bảo kinh phí, đánh giá kết quả sự phối hợp giáo dục đạo đức, lối sống giữa: Nhà trường với gia đình, nhà trường với chính quyền địa phương và nhà trường với các tổ chức Đoàn, Đội, Hội.

Đồng thời, xây dựng cơ chế để duy trì việc đối thoại giữa cán bộ quản lý, nhà giáo và người học, giữa nhà trường và gia đình học sinh; cơ chế hỗ trợ, quản lý, giáo dục học sinh đối với Ban đại diện cha mẹ học sinh, tổ chức Đoàn, Đội, Hội và chính quyền, các tổ chức xã hội - chính trị tại địa phương.

Đề xuất cơ chế cụ thể trong việc phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương để cùng nhau triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên trong thời gian tới.

Những việc cần làm ngay

Để thực hiện những giải pháp nêu trên, Bộ GD&ĐT cho biết trước mắt cần xây dựng kế hoạch, tài liệu và phối hợp tổ chức truyền thông về các bài học kinh nghiệm, gương điển hình người tốt, việc tốt cho học sinh sinh viên; tránh tuyên truyền một chiều.

Rà soát các văn bản hiện có, đề xuất xây dựng và ban hành đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, hướng dẫn về công tác giáo dục ĐĐLS cho HSSV. Các văn bản cần quy định cụ thể về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức, sự phối hợp của các Bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên.

Đặc biệt, xây dựng chế độ, chính sách đảm bảo thực hiện công giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên . Các cấp quản lý và cơ sở giáo dục cần triển khai thực hiện và vận dụng có hiệu quả, phù hợp với điều kiện thuộc phạm vi quản lí.

Đồng thời, cần xây dựng tài liệu hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về giáo dục đạo đức lỗi sống cho cán bộ giáo viên, giảng viên; xem xét đưa nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên vào chương trình đào tạo ở các trường sư phạm.

Các nhà trường cần đầu tư kinh phí và mở rộng các hình thức hoạt động ngoại khóa theo hướng tạo điều kiện phát huy sự tham gia của học sinh sinh viên để phát triển năng lực, phẩm chất.

Bố trí cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ tư vấn học đường để tư vấn tâm lý, kiến thức kỹ năng sống, hỗ trợ học tập, rèn luyện cho học sinh trong các trường phổ thông. Thành lập các câu lạc bộ, các trung tâm tư vấn nghề nghiệp, kết hợp tư vấn tâm lý, kỹ năng cho sinh viên trong các trường ĐH, CĐ và TCCN.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường xây dựng cơ chế để duy trì việc đối thoại giữa giáo viên và học sinh, giữa sinh viên với Ban Giám hiệu nhà trường, giữa nhà trường và gia đình học sinh.

Đồng thời, đưa công tác đánh giá giáo dục đạo đức, lối sống trong nhà trường thành tiêu chí thi đua. Nghiên cứu đề xuất Lãnh đạo Bộ GD&ĐTxây dựng Phong trào thi đua: “Dạy thật tốt, Học thật tốt, Quản lý thật tốt” trong ngành Giáo dục...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ