Giáo dục đạo đức học sinh thời đô thị hóa

GD&TĐ - Rất nhiều vấn đề cần chú ý trong công tác quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu giáo dục của nhà trường trước những tác động của đô thị hóa.

Giáo dục đạo đức học sinh thời đô thị hóa

Thực hiện tốt các hoạt động quản lý cơ bản 

Một là, thực hiện nghiêm túc các hoạt động quản lý giáo dục đạo đức trong nhà trường. 

Để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, các chủ thể quản lý cần thực hiện tốt các hoạt động quản lý cơ bản như: Xây dựng kế hoạch quản lý giáo dục đạo đức; phân tích thực trạng giáo dục đạo đức trong năm học của ngành, trường, địa phương; xác định điều kiện giáo dục cơ sở vật chất, tài chính, quỹ thời gian, sự phối hợp với lực lượng giáo dục trong trường và ngoài trường.

Tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục đạo đức; giải thích mục tiêu, yêu cầu của kế hoạch đạo đức; thảo luận biện pháp thực hiện kế hoạch; sắp xếp bố trí nhân sự, phân công trách nhiệm quản lý, huy động cơ sở vật chất, kinh tế; định rõ tiến trình, tiến độ thực hiện, thời gian bắt đầu, thời hạn kết thúc. 

Đồng thời, chỉ đạo thực hiện kế hoạch giáo dục đạo đức; yêu cầu các bộ phận trong nhà trường thực hiện những nhiệm vụ để bảo đảm việc giáo dục đạo đức diễn ra đúng hướng, đúng kế hoạch; tập hợp và phối hợp với các lực lượng giáo dục sao cho đạt hiệu quả. 

Kiểm tra, đánh giá giáo dục đạo đức: Kiểm tra định kỳ, thường xuyên, đột xuất, trực tiếp, hoặc gián tiếp để giúp học sinh hiểu rõ hơn về những hoạt động của mình, khẳng định được mình, từ đó hoạt động tích cực hơn, tự giác hơn, biết tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với yêu cầu chung của xã hội.

Tăng cường phối hợp thế chân kiềng

Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các lực lượng xã hội để quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh. 

Mối quan hệ giữa Gia đình – Nhà trường – Xã hội là mối quan hệ biện chứng, là một chu trình khép kín trong quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh. 

Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của mặt trái xã hội hiện nay, mối quan hệ này đang dần lỏng lẻo, tạo ra những khó khăn trong công tác quản lý và gây ra những hậu quả không lường trong nhận thức về đạo đức, hành vi chuẩn mực đạo đức ở một bộ phận học sinh hiện nay. 

Công tác quản lý giáo dục đạo đức học sinh ở nhà trường muốn thành công cần phải tăng cường hơn nữa sự phối kết hợp giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội, đây trong đó nhà trường giữ vai trò chủ đạo, trung tâm của sự kết hợp đó. 

Gia đình phải có trách nhiệm cộng tác với nhà trường (thông qua giáo viên chủ nhiệm) để cùng giáo dục con em của họ. Bên cạnh đó, việc xây dựng làng xã khối phố văn hóa, tạo môi trường thuận lợi, tác động đồng thuận cho giáo dục là việc rất cần thiết.

Cải tiến công tác đánh giá

Công tác kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đạo đức học sinh trung học phổ thông hiện nay đang còn nhiều bất cập. 

Việc đánh giá đúng, khách quan, toàn diện kết quả rèn luyện của các em học sinh không chỉ giúp cho các nhà quản lý hoạch định kế hoạch, điều chỉnh về nội dung, phương pháp và hình thức quản lý giáo dục, thấy rõ được hiệu quả hoạt động của mình mà còn là động lực giúp các em vươn lên, thực hiện quá trình tự giáo dục, tự quản lý mình hiệu quả. 

Cải tiến công tác đánh giá kết quả rèn luyện, tu dưỡng thông qua xây dựng chuẩn các tiêu chí đánh giá rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của học sinh trên tất cả các mặt nhận thức, thái độ và hành vi đạo đức với các tiêu chuẩn cụ thể, khách quan.

Quá trình đô thị hoá đã đem lại nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít những nguy cơ và khó khăn cho quá trình giáo dục đạo đức nói chung, quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông nói riêng. 

Để đáp ứng những yêu cầu mới về giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông, nhà quản lý phải luôn đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức quản lý giáo dục, vừa đảm bảo thực hiện nghiêm các yêu cầu của quản lý vừa phù hợp và đáp ứng với thực tiễn giáo dục và tình hình phát triển ở địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ