Giải mã sự thống trị của người Anh

GD&TĐ - Trong 3 trận chung kết Champions League gần nhất, có 2 trận là cuộc nội chiến của các câu lạc bộ từ Ngoại hạng Anh. Mùa này sau vòng bảng, 4 đại diện của bóng đá Anh giành vé với 3 trong số đó giữ ngôi đầu.

Liverpool (bên trái) thắng cả 6 trận vòng bảng Champions League mùa giải 2021/2022.
Liverpool (bên trái) thắng cả 6 trận vòng bảng Champions League mùa giải 2021/2022.

Thống kê ấn tượng

Sân chơi bóng đá cao nhất cấp câu lạc bộ ở châu Âu trong khoảng 4 năm nay đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Ngoại hạng Anh. Mùa 2017/2018, Liverpool lọt vào tới trận chung kết và để thua 1-3 trước Real Madrid.

Một năm sau, The Kop lên ngôi vô địch sau trận chung kết toàn Anh giữa họ và Tottenham, đồng thời Europa League cũng là câu chuyện riêng của người Anh, Chelsea tranh chức vô địch với Arsenal.

Cũng trong mùa giải 2018/2019, 8 đại diện góp mặt ở tứ kết thì có tới 4 cái tên thuộc về bóng đá xứ sở sương mù. Đó là Man United, đội đã lội ngược dòng trước PSG hùng mạnh của Pháp ở vòng 1/8. Man City hủy diệt Schalke 04 với tổng tỉ số 10-2; Tottenham đè bẹp Dortmund với tổng tỉ số 4-0; Liverpool đánh bại Bayern Munich bằng chiến thắng 3-1 tại Anfield.

Trải qua mùa 2019/2020 thất bại khi không có đại diện nào lọt vào tới bán kết, Ngoại hạng Anh trở lại Champions League 2020/2021 với quyết tâm tái khẳng định vị thế của mình. Và kết quả là họ tiếp tục biến chung kết của giải đấu thành cuộc chiến nội bộ với trận chiến giữa Chelsea và Man City.

Như vậy, 4 mùa giải gần nhất, có tới 3 trận chung kết xuất hiện các đại diện từ Anh, 2 trong số đó là các cuộc nội chiến. Các giải đấu còn lại gồm La Liga (Tây Ban Nha), Bundesliga (Đức), Ligue 1 (Pháp) chỉ có 1 đại diện được dự chung kết trong 4 năm qua. Serie A thậm chí không có nổi một suất vào đến bán kết.

Sau vòng bảng mùa giải 2021/2022, bóng đá Anh đã thể hiện sức mạnh áp đảo khi lần lượt Man City, Liverpool và Man United đứng đầu các bảng A, B và F. Trong đó ấn tượng nhất là Liverpool khi họ xuất sắc toàn thắng cả 6/6 trận tại bảng đấu tử thần nơi có sự góp mặt của 2 nhà cựu vô địch Champions League là Porto, AC Milan và đương kim vô địch La Liga, Atletico Madrid. Chelsea ở bảng H dù xếp thứ 2 nhưng chẳng ai dám nghi ngờ sức mạnh của họ sau chiến thắng 4-0 hủy diệt trước đội đầu bảng Juventus.

Bundesliga chỉ có mỗi Bayern Munich đi tiếp. Dortmund, Wolfsburg và RB Leipzig bị loại. Với nền bóng đá hùng mạnh Tây Ban Nha, Barcelona trở thành thảm họa khi “bật bãi” ngay từ vòng bảng, và ngậm ngùi xuống sân chơi hạng hai, Europa League. Serie A có Inter và Juventus đi tiếp, nhưng Atalanta và AC Milan bị loại…

Chiến lược gia người Đức Rangnick từng bước đưa Man Utd vượt qua khó khăn.

Chiến lược gia người Đức Rangnick từng bước đưa Man Utd vượt qua khó khăn.

Nền tảng của sức mạnh

Thị trường chuyển nhượng Hè 2021 khép lại, Ngoại hạng Anh có năm thứ 6 liên tiếp vượt mốc 1 tỉ bảng. Cụ thể, tổng cộng, các câu lạc bộ Anh đã chi 1,1 tỉ bảng trong thời gian mở cửa chuyển nhượng từ ngày 9/6 đến ngày 31/8. Xếp sau Ngoại hạng Anh về mức chi cho chuyển nhượng là Serie A, với 475 triệu bảng - nghĩa là vẫn chưa bằng một nửa của giải đấu hàng đầu nước Anh.

Tiền được coi là yếu tố đầu tiên giúp Ngoại hạng Anh khuynh đảo bóng đá châu Âu trong giai đoạn vừa qua. Liverpool sau khi bỏ ra hàng trăm triệu bảng để chiêu mộ Van Dijk, Alisson Becker, Naby Keita đã vô địch mùa 2018/2019. Chelsea mùa hè 2020 là đội bóng tiêu nhiều tiền nhất với tổng cộng 5 bản hợp đồng mới trị giá hơn 220 triệu euro. Kết quả là 9 tháng sau, họ có danh hiệu Champions League lần thứ 2 trong lịch sử.

Man City thậm chí đã bỏ ra gần 1 tỷ bảng trong 10 năm qua chỉ để hướng tới mục tiêu chinh phục Champions League. Đó là chưa kể những Tottenham, Man United hay cả Arsenal cũng không tiếc tiền kích nổ những bom tấn đắt giá để phục vụ tham vọng tiến sâu ở trời Âu. Ngoại hạng Anh luôn dẫn đầu về chi tiêu cho chuyển nhượng, quỹ lương, thưởng cho cầu thủ, hay huấn luyện viên.

Trong khi bóng đá Anh rầm rộ nâng cấp lực lượng mỗi các đại gia từ Tây Ban Nha, Đức hay Ý lại thắt chặt chi tiêu, đặc biệt trong 2 mùa hè vừa qua. Điều này dẫn tới lý do thứ 2 giúp bóng đá Anh trỗi dậy: Sự suy yếu của các thế lực cũ. Dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những cựu vương như Real Madrid, Barcelona và thậm chí cả Bayern Munich đều không có thêm bất kỳ “bom tấn” chuyển nhượng nào.

Sau khi truất ngôi của Juventus, Inter dễ dàng để Romelu Lukaku, Achraf Hakimi, Matteo Politano ra đi (thu về 200 triệu euro), thậm chí họ còn “không thèm” giữ huấn luyện viên trưởng Antonio Conte. Inter chọn chiến lược như vậy bởi đối thủ chính Juventus đã suy yếu.

AC Milan hay Napoli vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều cho cuộc chiến top 4 hơn là đua tranh vô địch. Bằng chứng là sau 17 vòng đấu, Inter Milan sau khi bán đi nhiều ngôi sao vẫn đang chễm chệ ngôi đầu Seria A.

Ngoại hạng Anh có tính cạnh tranh rất cao. Các đội bóng top đầu như Man Utd, Man City, Liverpool hay Chelsea liên tục được trui rèn và không ngừng hoàn thiện về kỹ chiến thuật lẫn bản lĩnh thi đấu. Đó là điều mà PSG hay Inter Milan không thể có được ở các giải đấu có mức độ cạnh tranh thấp như Serie A hay đặc biệt là Ligue 1.

Bên cạnh đó, chức vô địch La Liga suốt bao năm qua gần như là cuộc tranh chấp tay đôi giữa Barcelona với Real Madrid, thi thoảng có thêm Atletico chen chân vào. Barcelona hiện nợ 1,5 tỉ euro, không được ký tiếp hợp đồng với Lionel Messi. Real Madrid không cần đầu tư mạnh tay, nhất là trong hoàn cảnh kinh tế bóng đá suy sụp vì cơn đại dịch nhưng vẫn dễ dàng dẫn đầu La Liga.

Ngoài ra sự trỗi dậy của bóng đá Anh trong những năm gần đây còn nhờ sự xuất hiện của “làn sóng Đức” với đại diện tiêu biểu là 3 chiến lược gia Jurgen Klopp, Thomas Tuchel và Pep Guardiola. Trước khi đến dẫn dắt Liverpool, Chelsea và Man City, cả 3 đều từng chinh chiến tại Bundesliga. Gần đây nhất, Man Utd cũng trải thảm đỏ đưa chiến lược gia người Đức Rangnick về nắm đội.

Với những phương pháp huấn luyện khoa học và tinh thần Đức, bộ ba huấn luyện viên trên tạo nên những đội bóng đáng gờm. Cả Chelsea, Liverpool và Man City đều là đại diện của thứ bóng đá pressing đang giữ vai trò chủ đạo của dòng chảy chiến thuật hiện đại. Quỷ đỏ Man Utd cũng đang cải thiện rõ rệt những hạn chế dưới bàn tay của Rangnick.

Ngoại trừ Bayern Munich, tất cả những ông lớn khác như Inter Milan, PSG, Real Madrid, Atletico Madrid hay Barcelona đều không thể theo đuổi lối chơi này vì vấn đề lực lượng, tài chính. Những thất bại của Real Madrid trước Chelsea, PSG trước Man City ở mùa trước, đồng thời sự thống trị của người Anh ở vòng 1/8 Champions League mùa này đã cho thấy điều đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ