1.
Đã có nhiều quan niệm về từ láy. Phổ biến nhất là quan niệm xem đây là từ được tạo bởi phương thức láy, trong đó, các tiếng tham gia tạo từ có mối quan hệ về ngữ âm. Chính phương thức láy, tức là sự lặp lại toàn bộ hay bộ phận âm thanh giữa các tiếng, tạo nên những đặc trưng của từ láy.
“Mỗi từ láy chứa đựng trong mình một sự thể hiện rất tinh tế và sinh động về sự cảm thụ chủ quan, về cách đánh giá và thái độ của người nói trước sự vật và hiện tượng của đời sống xã hội. Cho nên, về phương diện sử dụng, từ láy là […] phương tiện tạo hình đắc lực của văn học nghệ thuật, đặc biệt là của thơ ca” (Viện Ngôn ngữ học, Từ điển từ láy tiếng Việt, NXB Giáo dục, 1995).
Như đã biết, chính nhờ được phương thức cấu tạo đặc biệt, từ láy “có sự hài hòa cả âm và nghĩa, có giá trị tạo hình và biểu cảm nên được sử dụng rộng rãi trong thơ ca […], luôn gây ấn tượng mạnh về phong cách ngôn ngữ nghệ thuật của nhà thơ” (Lê Nhật Ký, “Giá trị thẩm mỹ của từ láy trong Truyện Kiều”).
Các nhà thơ lớn của văn chương Việt hầu hết là những người sử dụng từ láy tài tình. Ví như, nhắc đến Hồ Xuân Hương, người ta nghĩ ngay đến những từ láy được sử dụng theo cách không thể lẫn lộn của “bà Chúa thơ Nôm”: Một trái trăng thu chín mõm mòm/ Này vừng nguyệt quế đỏ lòm lom (Trăng thu).
Hoặc như, những câu thơ tài hoa bậc nhất của Nguyễn Du phần lớn đều có sự tham gia của từ láy: Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông; Đoạn trường thay lúc phân kì/ Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh… Giá trị thẩm mỹ mà từ láy mang lại cho tác phẩm văn chương là điều không cần bàn cãi. Trong dạy học một số tác phẩm văn chương, nhất là tác phẩm thơ, hướng dẫn người học tìm hiểu giá trị của từ láy để qua đó thấy được vẻ đẹp của tác phẩm là một việc cần thiết.
2.
Đêm nay Bác không ngủ (ra đời năm 1951) là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của nhà thơ Minh Huệ (1927 - 2003) cũng như của dòng thơ viết về Bác Hồ. Một trong những yếu tố làm nên thành công của bài thơ là ngôn ngữ, trong đó có từ láy. Bài thơ gồm 16 khổ với 64 dòng thơ năm chữ và sử dụng đến 18 từ láy. Trung bình, mỗi khổ thơ có hơn 1 từ láy hiện diện. Đây là một tần suất cao và chính điều này mang lại những giá trị thẩm mỹ độc đáo cho bài thơ.
2.1. Đêm nay Bác không ngủ là tác phẩm thơ mang đậm chất tự sự. Đây cũng có thể xem làm một tác phẩm truyện thơ cỡ nhỏ. Bên cạnh yếu tố trữ tình, yếu tố tự sự giữ vai trò quan trọng trong tổ chức nghệ thuật của tác phẩm. Do đó, các phương tiện nghệ thuật trong tác phẩm đều ít nhiều tham gia vào nhiệm vụ thể hiện yếu tố tự sự. Từ láy được sử dụng trong bài thơ cũng không đứng ngoài nhiệm vụ này.
Trước hết, từ láy góp phần quan trọng trong việc xây dựng nhân vật trong Đêm nay Bác không ngủ. Chúng ta đều biết, trong tác phẩm thơ, do hạn chế về dung lượng câu thơ, áp lực của quy định vần điệu, việc triển khai, phát triển câu chuyện thường gặp nhiều khó khăn hơn trong tác phẩm tự sự bằng văn xuôi. Để khắc phục hạn chế này, nhà thơ thường dùng những từ ngữ có tác dụng đặc tả. Trong đó, từ láy với khả năng tạo hình, biểu cảm cao là một lựa chọn quen thuộc của không ít nhà thơ.
Trong Đêm nay Bác không ngủ, từ láy giữ vai trò quan trọng trong việc miêu tả ngoại hình, trạng thái, hành động của nhân vật, đặc biệt là nhân vật Bác Hồ:
- Vẻ mặt Bác trầm ngâm;
- Bác nhón chân nhẹ nhàng;
- Bóng Bác cao lồng lộng;
- Bác vẫn ngồi đinh ninh/ Chòm râu im phăng phắc;
Với tiềm năng tạo hình dồi dào, các từ láy “trầm ngâm”, “nhẹ nhàng”, “lồng lộng”, “đinh ninh”, “phăng phắc” đã đặc tả một cách chính xác, nổi bật, ấn tượng những đặc điểm ngoại hình của Bác, từ vẻ mặt, chòm râu, dáng ngồi đến từng bước nhón chân, thậm chí cả bóng đổ. Đặc điểm chung của các từ láy trên là thiên về tính chất tĩnh, lặng, lớn lao, trang trọng.
Nhờ đó, lớp từ này thể hiện thành công phong thái, tâm thế của Bác trong đêm không ngủ vì mãi ưu tư việc quân, việc nước. Cùng với các phương tiện nghệ thuật khác, từ láy đã góp phần khắc họa thành công hình tượng Bác Hồ ở chiều kích vừa gần gũi, giản dị lại vừa sâu lắng, lớn lao trong bài thơ.
“Đêm nay Bác không ngủ” tranh của Đào Đức, 1969. |
Nhờ đặc điểm cấu tạo đặc biệt theo phương thức lặp lại hình thức ngữ âm, từ láy có khả năng miêu tả chính xác, sinh động các trạng thái của hành động, tâm trạng. Trong Đêm nay Bác không ngủ, khả năng này được nhà thơ Minh Huệ khai thác triệt để cho ý đồ thể hiện hình tượng nhân vật anh đội viên. Nhiều từ láy đã được huy động để miêu tả nhân vật này.
Từ láy dùng để miêu tả ngôn ngữ của anh đội viên:
- Thầm thì anh hỏi nhỏ;
- Anh vội vàng nằng nặc;
Từ láy dùng để miêu tả tâm trạng của anh đội viên:
- Thổn thức cả nỗi lòng;
- Nhưng bụng vẫn bồn chồn;
- Lòng anh cứ bề bộn;
- Lòng vui sướng mênh mông;
Trong những dòng thơ trên, từ láy được sử dụng với nhiều đặc điểm độc đáo: Đảo ra trước dòng thơ (Thầm thì anh hỏi nhỏ; Thổn thức cả nỗi lòng); xuất hiện liên tục, dồn dập (Anh vội vàng nằng nặc); gọi tên chính xác tâm trạng, trạng thái cảm xúc (Nhưng bụng vẫn bồn chồn; Lòng anh cứ bề bộn); kết hợp sáng tạo, bất ngờ (Lòng vui sướng mênh mông); giàu sức biểu cảm (nằng nặc, thổn thức, bồn chồn, bề bộn, mênh mông)...
Những thủ pháp sử dụng từ láy linh hoạt, hiệu quả này đã mang lại nhiều giá trị thẩm mỹ quan trọng trong việc xây dựng hình tượng nhân vật anh đội viên. Chỉ với những từ láy được dùng hiệu quả trên, nỗi lo lắng và tình yêu thương dành cho Bác Hồ của anh đội viên đã được thể hiện một cách đầy đủ, sinh động và cũng thật cảm động.
Sử dụng từ láy để khắc họa nhân vật là một thủ pháp quen thuộc trong các tác phẩm thơ mang tính tự sự, điển hình như Truyện Kiều. Trong kiệt tác của thi hào Nguyễn Du, hầu như các nhân vật đều hiện lên một cách sống động, để lại ấn tượng riêng, sâu đậm qua một vài từ láy tài hoa được tác giả sử dụng đích đáng. Ví như, đây là hình tượng nhân vật Thúy Vân: Khuôn trăng đầy đặn, nét người nở nang.
Đây là chàng Thúc: Một chàng vừa trạc thanh xuân/ Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng. Đây là Tú Bà: Thoắt trông nhờn nhợt màu da/ Ăn gì cao lớn, đẫy đà làm sao. Còn đây là gã Mã Giám Sinh: Quá niên trạc ngoại tứ tuần/ Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao. Từ láy trong những câu thơ trên không chỉ góp phần miêu tả chính xác ngoại hình, hé lộ đặc điểm nhân cách của nhân vật mà còn có tác dụng “định vị” ấn tượng về nhân vật trong lòng người đọc.
Trong Đêm nay Bác không ngủ, tác giả Minh Huệ cũng đã thành công trong việc vận dụng từ láy cho ý đồ nghệ thuật miêu tả nhân vật của mình. Có lẽ, các câu Bóng Bác cao lồng lộng/ Ấm hơn ngọn lửa hồng; nhất là Bác vẫn ngồi đinh ninh/ Chòm râu im phăng phắc với những từ láy “lồng lộng”, “đinh ninh”, “phăng phắc” xuất thần là những câu thơ xuất sắc nhất trong việc thể hiện hình ảnh Bác Hồ ngồi lặng im trong đêm lo việc nước của văn học Việt Nam.
2.2. Trong bài thơ của Minh Huệ, bên cạnh được sử dụng cho mục đích chủ đạo là xây dựng hình tượng nhân vật, từ láy còn tham gia vào vai trò miêu tả cảnh vật cũng như thể hiện một số phương diện hình thức nghệ thuật khác của tác phẩm.
Trong Đêm nay Bác không ngủ, cảnh vật tương đối đơn giản (mái lều tranh trong đêm mưa) và không được tập trung miêu tả chi tiết. Tuy nhiên, cảnh vật trong bài thơ vẫn để lại những ấn tượng sâu sắc với người đọc:
- Ngoài trời mưa lâm thâm/ Mái lều tranh xơ xác;
- Trời thì mưa lâm thâm;
Chính nhờ khả năng gợi hình của những từ láy tượng hình “lâm thâm”, “xơ xác”, cảnh vật trong tác phẩm dù chỉ được điểm qua vẫn hiện lên một cách chân thực, cụ thể, đồng thời giàu sức ám gợi, có khả năng gợi mở những trường nhìn, trường liên tưởng và cảm xúc rộng lớn hơn.
Từ láy cũng góp phần kiến tạo tính đa dạng của giọng kể trong bài thơ. Có giọng kể nhỏ nhẹ, lắng trầm: Lặng yên bên bếp lửa/ Vẻ mặt Bác trầm ngâm/ Ngoài trời mưa lâm thâm/ Mái lều tranh xơ xác. Có giọng kể tâm tình, thủ thỉ: Thổn thức cả nỗi lòng/ Thầm thì anh hỏi nhỏ:/ - Bác ơi! Bác chưa ngủ?/ Bác có lạnh lắm không?.
Có giọng kể đĩnh đạc, trang nghiêm: Bác vẫn ngồi đinh ninh/ Chòm râu im phăng phắc. Và có cả giọng kể trìu mến, hạnh phúc: Anh đội viên nhìn Bác/ Bác nhìn ngọn lửa hồng/ Lòng vui sướng mênh mông/ Anh thức luôn cùng Bác. Trong những dòng thơ trên, nếu thay từ láy bằng những từ ngữ khác, chắc chắn nhiều sắc thái của giọng kể sẽ bị giảm đi đáng kể.
Từ láy cũng tham gia vào vai trò kiến tạo nhịp điệu cho bài thơ. Chẳng hạn, ở nhiều khổ thơ, cùng với biện pháp điệp ngữ, sử dụng từ thán từ, từ láy xuất hiện liên tục có tác dụng làm gia tăng tính chất gấp, vội, khẩn trương của nhịp thơ, qua đó thể hiện phần nào tâm trạng của nhân vật:
- Anh vội vàng nằng nặc/ - Mời Bác ngủ Bác ơi!/ Trời sắp sáng mất rồi/ Bác ơi! Mời Bác ngủ!;
- Trời thì mưa lâm thâm/ Làm sao cho khỏi ướt!/ Càng thương càng nóng ruột/ Mong trời sáng mau mau;
Từ láy cũng góp phần gia tăng hình ảnh cho lời thơ. Nhìn chung, ngôn ngữ trong Đêm nay Bác không ngủ giản dị, gần gũi, ít sử dụng các kỹ thuật ngôn từ. Từ láy trở thành một trong những phương tiện chủ đạo trong nhiệm vụ tạo hình, gợi tả cho ngôn ngữ của bài thơ. Tiêu biểu như ở khổ thơ sau:
Anh đội viên mơ màng
Như nằm trong giấc mộng
Bóng Bác cao lồng lộng
Ấm hơn ngọn lửa hồng
Cùng với hai hình ảnh so sánh đẹp, giàu sức liên tưởng (giấc mộng, ngọn lửa hồng), các từ láy “mơ màng”, “lồng lộng” với khả năng gợi dẫn hình ảnh không chỉ thể hiện thành công trạng thái, dáng vẻ của nhân vật mà còn giúp cho lời thơ được hình tượng hóa một cách sinh động hơn.
3.Có thể nói, Đêm nay Bác không ngủ là một trong những tác phẩm hay, cảm động nhất về đề tài Bác Hồ trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Đây cũng là một trong những bài thơ thành công nhất trong việc khắc họa hình tượng Bác Hồ trong tâm thế ưu tư việc nước.
Bài thơ thành công trên nhiều phương diện nghệ thuật, trong đó có việc sử dụng từ láy. Từ láy được sử dụng một cách linh hoạt, hợp lý đã mang lại nhiều hiệu quả thẩm mỹ độc đáo cho bài thơ, từ đặc tả quang cảnh, xây dựng nhân vật đến kiến tạo tính chất linh động của giọng kể, nhịp điệu, lời thơ. Do đó, dạy học tác phẩm này, người dạy cần chú ý khai thác những giá trị của từ láy.