Bác Hồ với tư tưởng “Trăm năm trồng người”

GD&TĐ -  Trong một lần đến thăm nhà văn Sơn Tùng – tác giả của những Búp Sen Xanh, Bông Sen Vàng, Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh..., tôi được ông kể cho nghe nhiều câu chuyện về Bác Hồ, đặc biệt là những câu chuyện, những tư tưởng về giáo dục của Người.  

Bác Hồ với tư tưởng “Trăm năm trồng người”

“Không có thầy giáo thì không có giáo dục”

Theo nhà văn Sơn Tùng, tư tưởng của Bác Hồ về giáo dục thì quá đồ sộ, cả “trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn”. Tuy nhiên, lão nhà văn xứ Nghệ tâm đắc nhất với những quan điểm của Người về việc xác lập vị thế của nhà trường, trọng trách của người thầy trong môi trường giáo dục...

Theo đó, mỗi người thầy trước hết phải trau dồi đạo đức, rèn luyện chuyên môn thường xuyên, luôn là tấm gương sáng để học sinh nhìn vào và noi theo, phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm.

Ngoài ra, người thầy phải có trái tim nhân hậu, biết thương yêu chăm sóc học sinh. Người xác định rõ chức năng của thầy cô giáo: “Nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục, nhưng để thực hiện được vai trò vẻ vang của mình, trước hết, thầy giáo phải xứng đáng là thầy, thầy phải được lựa chọn cẩn thận vì không phải ai cũng làm thầy được”.

Sinh thời, dù bận trăm công ngàn việc trong bối cảnh trường kỳ kháng chiến chống ngoại xâm, có những lúc vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc nhưng Bác Hồ vẫn luôn luôn quan tâm đến giáo dục. Bởi hơn ai hết, trong suốt ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã nhận ra rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu...”.

Ngay sau khi giành được độc lập, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Người đã trình bày những nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết, trong đó, vấn đề thứ hai là “nạn dốt”. Người xem “dốt” là một thứ giặc nguy hại không kém gì giặc ngoại xâm: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta…Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Ngay lập tức, Người đã ban hành ba sắc lệnh hết sức quan trọng về giáo dục trong những ngày đầu đất nước vừa giành được độc lập (17/SL, 19/SL, 20/SL)...

Trong các phát biểu của mình, Người cũng chỉ ra rằng, nền giáo dục mới và nhà trường mới phải thực hiện hoạt động dạy và học theo mục tiêu: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại; học để sửa chữa tư tưởng; học để tu dưỡng đạo đức cách mạng; học để tin tưởng và học để hành...

Muốn có một nền giáo dục tốt, toàn diện thì vai trò vô cùng quan trọng là người thầy. “Không thầy đố mày làm nên”, không có thầy giỏi, thầy tốt thì không có trò tốt, trò giỏi để cống hiến trí tuệ, tâm sức cho đất nước, cho nhân dân được.

Vậy nên, từ năm 1958, nói chuyện với giáo viên cấp 2, 3 toàn miền Bắc tại lớp học chính trị do Bộ Giáo dục tổ chức, Bác đã trực tiếp giao nhiệm vụ và chỉ rõ vai trò của người giáo viên: "Đào tạo thế hệ tương lai là trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân và cán bộ tốt cho nước nhà”... Bác nhấn mạnh đến vai trò của người thầy, đến cái gốc rễ của giáo dục: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”.

Những lời giáo huấn của Bác thật súc tích, cô đọng, gần gũi và dễ hiểu. Rõ ràng, thầy cô giáo là những người định hướng, dẫn dắt, dạy dỗ học trò không chỉ về chuyên môn, kiến thức mà cả về văn hóa, đạo đức, lối sống... Một khi, thầy cô giáo thực hiện trọn vẹn được vai trò của mình thì theo Bác họ chính là “những người vẻ vang nhất, là những anh hùng vô danh”...

Tư tưởng "trăm năm trồng người"

Bác Hồ đã vận dụng phương thức giáo dục “Dĩ nhân nhi giáo, dĩ ngôn nhi giáo” của tiền nhân, tức là trước hết phải giáo dục bằng tấm gương sống của mình, sau đó mới giáo dục bằng lời nói. Bởi vậy, theo Bác, người thầy tốt trước hết phải là một người giáo viên có tâm, phải hết lòng vì học trò, không phân biệt học sinh.

Người thầy phải tận tụy với nghề, thường xuyên học hỏi, trau dồi để nâng cao kiến thức, vượt qua những thói vị kỉ tầm thường để luôn xứng với vị trí thanh cao, chân chính trong một môi trường giáo dục mới. Người luôn mong muốn, mỗi người thầy giáo, người cán bộ quản lý giáo dục phải thể hiện một tâm hồn trong sáng, lối sống lành mạnh, có sự yêu thương học sinh và đồng nghiệp...

Có một đội ngũ giáo viên tốt, điều đó là cần thiết nhưng chưa đủ. Muốn có một nền giáo dục tốt thì cần phải có một môi trường sư phạm tốt và phù hợp. Người thể hiện rõ sự quan tâm đó bằng việc nhiều lần đến thăm các lớp bồi dưỡng giáo viên và quan tâm nhắc nhở việc chăm lo đến các thầy cô giáo...

Tư tưởng về công tác giáo dục của Người mang tính nhân văn và triết lý sâu sắc khi chỉ ra rằng, môi trường sư phạm tốt chính là “phải đoàn kết thật sự giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa trò và trò, giữa cán bộ và công nhân”, “mọi người phải quan tâm giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ thật sự, coi nhau như anh em, chị em ruột thịt trong một nhà”...

Trong thập kỷ 50 và 60 của thế kỷ trước, Bác Hồ có nhiều lần tới thăm và nói chuyện với cán bộ, giáo viên, sinh viên của Trường ĐHSP Hà Nội – ngôi trường được ví là “máy cái” trong ngành Giáo dục, trong sự nghiệp “trồng người”. Năm 1957, tới thăm trường, Bác căn dặn cán bộ giáo viên về cách dạy dỗ phải xuất phát từ tình yêu thương học trò,....

Tiếp đến, năm 1960, Người giáo dục sinh viên phát huy tinh thần phấn đấu trong học tập và cống hiến cho cách mạng. Đặc biệt, năm 1964, về thăm trường, Người đã căn dặn rất kỹ tập thể giáo viên và sinh viên về vấn đề môi trường sư phạm: "Làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường Sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước". “Mô phạm” trong mong muốn của Bác là gì? Đó chính là những khuôn phép, sự mẫu mực, chuẩn mực để người khác tôn trọng và noi theo.

Bác nói, “trường mô phạm” có nghĩa là nói đến con người - chủ thể - trong nhà trường, đó chính là cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên. Người đòi hỏi ở những chủ thể của nhà trường phải là khuôn mẫu, chuẩn mực về cả đạo đức, tác phong, trình độ chuyên môn, tinh thần sáng tạo, tiên phong gương mẫu về mọi mặt... Về công tác tổ chức giáo dục trong nhà trường, Người chỉ rõ: “Làm thì phải có tổ chức… Có tổ chức thì nhất định làm được tốt”...

Ngay từ những ngày đầu dạy học tại trường Dục Thanh - Phan Thiết, thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành ngoài việc dạy Quốc ngữ, Hán văn và Thể dục đã dùng hết nhiệt tâm của mình để truyền thụ, khơi dậy cho học trò sự tự tin, ý thức tự tôn và lòng tự hào dân tộc.

Trên lớp, thầy Thành hết lòng truyền đạt tri thức và tư tưởng tiến bộ, gieo vào tâm trí thế hệ tương lai một nỗi niềm trăn trở về vận mệnh đất nước. Thầy dạy: "Chữ là mắt. Người không có chữ coi như bị mù. Không có chữ con người ta bé nhỏ trước tất cả và mãi mãi sẽ là vật sai khiến, vật hi sinh của bọn thống trị. Cho nên các trò phải học, học chữ để nên người, để giúp dân cứu nước".

Trải suốt ba mươi năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, Người luôn đau đáu đến sự nghiệp trồng người. Người viết: “Người Đông Dương không được học, đúng thế, bằng sách vở và bằng diễn văn nhưng người Đông Dương nhận sự giáo dục bằng cách khác. Đau khổ, nghèo đói và sự đàn áp tàn bạo là người thầy duy nhất của họ...”. Sau này, trên cương vị là lãnh đạo tối cao của đất nước, hết sức bận rộn, nhưng Người luôn luôn quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất của người giáo viên nhân dân...!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ